7 năm là học sinh giỏi vẫn trượt THPT: Đừng 'đong đếm' năng lực của con bằng một kỳ thi
Câu chuyện người mẹ phạt con quỳ trước 'bàn dân thiên hạ' chỉ vì con là học sinh giỏi suốt 7 năm nhưng vẫn thi trượt là một câu chuyện buồn, đáng tiếc, là hành động phản giáo dục...
Thi trượt không phải là thất bại mà chỉ là khúc cua để đi đến thành công theo một cách khác nhưng không ít phụ huynh đang bi kịch hóa việc thi trượt của con mình.
Nguyên nhân lớn nhất của tình trạng này là cha mẹ chuẩn bị kiến thức và kỹ năng làm cha mẹ chưa đầy đủ. Chỉ nhìn thấy duy nhất con đường học vấn và gắn kết quả từng chặng đường học vấn của con với danh dự gia đình. Chính lý do này, không ít bậc cha mẹ liên tục bi kịch hóa, phóng đại việc thi trượt của con lên tầm cỡ lớn.
Ngoài ra, vì bắt buộc phải lo con đường đi tiếp theo, thế nên không ít phụ huynh cảm thấy gánh nặng trút lên vai mình. Ức chế vì không được khoe vinh quang của con, ức chế vì có thêm một trọng trách, lo lắng không biết tháng 9 tới, con sẽ đi học tại đâu... là các lý do cha mẹ cảm thấy bi kịch của mình quá lớn.
Hơn thế, sai lầm còn đến từ việc cha mẹ đang “đong đếm” năng lực của con mình bằng một kỳ thi. Để trưởng thành, con cần phải rèn luyện cả đạo đức lẫn kỹ năng. Tuy nhiên, điều này khá mơ hồ và không có thước đo nên các bậc cha mẹ thường bị chú tâm vào điểm số.
Vậy nhưng, với các cháu có năng lực học tập, áp lực ngày một lớn sẽ khiến con thật sự khủng hoảng. Với các cháu năng lực hạn chế, áp lực này sẽ khiến con vô cùng bất mãn, khó chịu, hoặc tự ti, lo sợ và hạn chế khả năng phát huy chính mình.
Trong khi đó, vô số vĩ nhân, danh nhân nổi tiếng thành công đã có tuổi thơ hết sức bình thường và từng nếm trải thất bại trong trường học. Vậy nhưng, cha mẹ sẽ có suy nghĩ, chẳng mấy vĩ nhân như vậy đâu, cứ có học tập, có bằng cấp là yên tâm, là sẽ có tương lai.
Điều này đã khiến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trở thành bi kịch, khoảng cách ngày càng lớn hơn. Có một sự thật, ngay cả những người học hành giỏi giang mà kỹ năng kém hoặc ý thức làm việc không tốt, sự thành công cũng không đến. Trong khi một lần trượt, một lần thất bại, con sẽ vững vàng hơn, hiểu chuyện hơn, biết mình biết người hơn, khiêm tốn hơn và rút được rất nhiều kinh nghiệm.
"Ức chế vì không được khoe vinh quang của con, ức chế vì có thêm một trọng trách, lo lắng không biết tháng 9 tới, con sẽ đi học tại đâu... là các lý do các cha mẹ cảm thấy bi kịch của mình quá lớn khi con thi trượt. Hơn thế, sai lầm còn đến từ việc cha mẹ đang đong đếm năng lực của con mình bằng một kỳ thi".
Ngoài ra, trượt các nguyện vọng, con còn rất nhiều con đường khác để đi. Đôi khi cánh cửa đóng lại chưa chắc đã phù hợp với con bằng cánh cửa khác đang mở ra.
Biết đâu, ngôi trường con sắp vào học mới, hoặc nghề nghiệp con lựa chọn sau khi tốt nghiệp sẽ đem cho con thành công lớn hơn nơi con vừa thi trượt.
Có một thực tế, cha mẹ quá ảo tưởng về con nên khiến con phải “gánh” thêm quá nhiều áp lực. Học đến mức ăn trên xe, uống nước trên xe, ngủ gục trên xe… chắc chắn không bao giờ là trải nghiệm tốt với trẻ. Đi thi với tâm trạng lo lắng sẽ còn khiến các con dễ bị cảm xúc chi phối, ảnh hưởng đến chính kết quả thi.
Ngoài ra, khi việc học hành được đặt quá nặng, con sẽ thiếu hụt vô khối các kỹ năng sống, các kinh nghiệm sống và tính cách tốt đẹp. Thời gian dành cho mỗi con người chỉ có 24 giờ, không ai có nhiều hơn. Dành thời gian để rèn luyện những thứ còn thiếu trong con người con trước khi đến tuổi trưởng thành chính là phần quan trọng số 1 trong đào tạo một con người.
Quá ảo tưởng, sức ép nặng nề, việc đào tạo quan trọng kia bị bỏ ngỏ sẽ còn là các lý do cho những bi kịch xảy ra. Việc một người mẹ bắt con quỳ vì thi trượt là một đòn giáng mạnh xuống tâm lý đứa trẻ.
"Trượt các nguyện vọng, con còn rất nhiều các con đường khác để đi. Đôi khi cánh cửa đóng lại chưa chắc đã phù hợp với con bằng cánh cửa khác đang mở ra".
Trượt thì cũng trượt rồi, giờ quan trọng là cha mẹ và con cần nhìn lại chính mình để tìm kiếm xem đã sai lầm ở đâu để rút kinh nghiệm, thiếu chỗ nào để bổ sung. Nếu cứ xoáy vào kết quả trượt, chúng ta sẽ không giải quyết được điều gì, có khi còn gây thêm các sai lầm tiếp theo.
Áp lực thi cử, áp lực điểm số, áp lực thành tích không phải là câu chuyện mới nhưng tôi cảm thấy buồn và chán nản khi câu chuyện thành tích đã nói mãi rồi những vẫn không phải là chuyện cũ, vẫn là "chuyện thường ở huyện".
Phụ huynh - xin hãy nhìn rộng ra hơn chút nữa. 5, 10, 20 năm sau, sẽ chẳng có ai nhớ đến thất bại này của con ngoài chính con. Vì thế, việc gây ra những áp lực lớn lên con lúc này chỉ khiến chúng ta làm hỏng mọi chuyện, vô tình đánh cắp đi cơ hội của con, khiến con đánh mất chính mình.