7 ngày Tonga bị cô lập với cả thế giới
Bảy ngày sau vụ phun trào núi lửa chấn động gây sóng thần và khói bụi dày đặc ở Tonga, thông tin liên lạc từ nước này phần lớn vẫn bị gián đoạn và quy mô của thảm họa chưa rõ ràng.
Trong vòng một tuần, Tonga gần như biến mất.
Hình ảnh từ vệ tinh về vụ phun trào núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha’apai hôm 15/1 và trận sóng thần sau đó đã khiến thế giới choáng váng. Nhiều chú ý đang hướng về phía quốc đảo Nam Thái Bình Dương, nơi sinh sống của khoảng 100.000 người, theo Guardian.
Tuyến cáp biển hư hại đã làm đứt đường truyền Internet của Tonga và phần lớn cơ sở hạ tầng liên lạc, khiến tin tức về mức độ thiệt hại và số người chết ở đó hầu như không được biết đến trong nhiều ngày.
Sau ba ngày, chính phủ Tongan cuối cùng có thể phát tin cho thế giới, thông báo rằng Tonga đã phải hứng chịu một "thảm họa chưa từng có", sóng thần cao tới 15 m trên một số hòn đảo và ít nhất ba người đã chết.
Gần một tuần trôi qua, vẫn chưa có thêm nhiều thông tin mới. Cuộc gọi đến Tonga vẫn không kết nối, hoặc nếu có cũng sẽ bị ngắt chỉ sau vài giây.
Internet hầu như vẫn không thể truy cập. Một một số viện trợ đã cập bến, nhưng điều này cũng vấp phải phức tạp do lo ngại rằng các nhân viên cứu trợ có thể đưa Covid-19 đến một quốc gia chỉ ghi nhận một ca bệnh duy nhất trong toàn bộ đại dịch.
Thứ bảy ngày 15/1: Mưa đá bụi
Không khí trên khắp Tonga có mùi lưu huỳnh, giống như trong nhiều tuần trước, do núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha’apai đang hoạt động, nằm cách thủ đô Nuku’alofa của Tonga 65 km.
17h10 giờ địa phương, bốn tiếng nổ lớn từ núi lửa đã làm rung chuyển đất nước.
Có thể nghe thấy tiếng nổ từ Fiji và Vanuatu, nơi mọi người chia sẻ video cho thấy nhà cửa của họ rung chuyển trong nhiều giờ. Người dân ở New Zealand cách đó hơn 2.000 km cũng có thể cảm nhận được vụ nổ.
Vụ phun trào gây ra sóng thần. Trên một số hòn đảo, sóng cao tới 15 m.
Branko Sugar và con trai đang đánh cá trên một rạn san hô thì núi lửa phun trào và sóng thần ập đến.
“Chúng tôi dừng thuyền và chỉ nhìn. Sau đó, chúng tôi thấy sóng tiến đến. Đó là con sóng lớn nhất mà tôi từng thấy”, Sugar nói với Reuters. Ông sau đó liền quay chiếc thuyền dài 8 m và 400 mã lực của mình, tăng tốc về phía vùng nước sâu gần đảo Eueiki.
“Sức mạnh của con thuyền đã cứu chúng tôi. Chúng tôi đáng lẽ đã chết”, ông nói.
“Con sóng lướt qua chúng tôi và ập vào hòn đảo chính, sau đó đất đá bắt đầu rơi xuống. Một cơn mưa đất đá”, ông nhớ lại.
Bầu trời chuyển sang bóng tối hoàn toàn khi tro bụi bao trùm mọi thứ.
Iliesa Tora, một nhà báo ở Nuku'alofa, bị kẹt trong hàng dài phương tiện giao thông đang cố gắng đến vùng đất cao hơn ở thủ đô Nuku'alofa. Thước phim mà ông quay được cho thấy toàn bóng tối với đá tảng rơi quanh xe.
“Hãy cầu nguyện cho Tonga”, ông nói.
Chủ nhật ngày 16/1: Nuku’alofa "chìm trong bụi núi lửa"
Hầu như tất cả đường truyền liên lạc bị cắt đứt.
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho biết trong một cuộc họp báo rằng liên lạc chưa được thiết lập với các khu vực ven biển bên ngoài thủ đô Nuku’alofa. “Nuku’alofa chìm trong đám bụi núi lửa dày đặc”, bà nói
Trong khi đó, vụ phun trào núi lửa tạo ra sóng lớn và dòng chảy xiết ở nhiều khu vực ven biển trên toàn cầu, từ New Zealand, Mỹ, Australia, đến Nhật Bản. Hai người chết đuối trên một bãi biển ở vùng Lambayeque của Peru, sau khi những con sóng cao bất thường được ghi nhận ở đó.
Thứ hai ngày 17/1: Cái chết đầu tiên
Tiến sĩ Faka’iloatonga Taumoefolau, một điều phối viên cho dự án tòa nhà Quốc hội Tonga, hôm 20/1 đã đăng loạt hình ảnh và video lên mạng xã hội sau khi ông có thể bắt được một chút Internet.
Một video, được quay vào ngày 17/1, cho thấy đường phố phủ đầy tro bụi. “Cho đến thời điểm này, dường như tôi đã quên mất một ngày có ánh sáng mặt trời là như thế nào”, ông viết.
Các nhà chức trách xác nhận rằng cáp thông tin liên lạc đã bị đứt ở hai nơi và có thể mất vài tuần nữa các dịch vụ bình thường mới hoạt động trở lại.
Trong ngày 17/1, tin tức về người đầu tiên tử vong ở Tonga vì thảm họa được công bố. Nạn nhân là một phụ nữ người Anh 50 tuổi tên Angela Glover.
Anh trai bà trong một cuộc phỏng vấn với Guardian cho biết Glover và chồng bị sóng thần cuốn trôi. Người chồng đã có thể bám vào một cái cây, nhưng Glover thì không. Thi thể của bà được tìm thấy vào cuối ngày 17/1.
Thứ ba ngày 18/1: "Thảm họa chưa từng có"
Bản cập nhật chính thức đầu tiên từ chính phủ Tongan được công bố.
Chính phủ gọi vụ phun trào núi lửa kèm sóng thần là một "thảm họa chưa từng có" và xác nhận 3 người chết, gồm bà Briton Angela Glover nói trên, một phụ nữ 65 tuổi từ đảo Mango, và một nam giới 49 tuổi từ đảo Nomuka.
Chính phủ Tongan cũng bày tỏ lo ngại nghiêm trọng về việc nguồn cung cấp nước bị ảnh hưởng do bụi núi lửa.
Trong khi đó, ảnh chụp từ trên không - do lực lượng phòng vệ New Zealand ghi lại được - lần đầu tiên cho thấy quy mô thiệt hại trên khắp các hòn đảo. Một số khu vực không bị ảnh hưởng nhưng tro bụi bao phủ toàn bộ bề mặt, trong khi các khu vực khác bị "thiệt hại thảm khốc". Tại đảo Mango, tất cả ngôi nhà đã bị phá hủy, trong khi đảo Fonoifua chỉ còn lại hai ngôi nhà.
Thứ tư ngày 19/1: Lo ngại về “sóng thần Covid-19”
Các chuyến tàu viện trợ đầu tiên bắt đầu xuất phát đến Tonga từ New Zealand và Australia, mang theo lo ngại rằng nỗ lực cứu trợ có thể gây ra "sóng thần Covid-19" cho quốc đảo không có dịch bệnh này.
Hàng hóa và nhân viên cứu hộ đến đây được kiểm dịch chặt chẽ. Các đội cứu hộ nước ngoài cho biết sẽ làm việc từ xa để hỗ trợ tổ chức tình nguyện trong nước làm nhiệm vụ.
Một số đường truyền liên lạc đã được khôi phục và nhiều người nước ngoài bày tỏ sự nhẹ nhõm khi nghe được tin tức từ người thân.
Sera Lenora Lala viết trên Twitter: “Cuối cùng thì tôi cũng có thể nghỉ ngơi thoải mái sau khi nghe thấy giọng của cha mẹ”.
Một người khác đăng: “Tôi đã bỏ lỡ một cuộc gọi vì tôi nghĩ đó là phóng viên nhưng đó là cha tôi. Ông đã ấy đã để lại một tin nhắn thoại, ơn trời!”.
Thứ năm ngày 20/1: Phép màu
Câu chuyện thần kỳ về Lisala Folau được lan truyền ở Tonga.
Lisala Folau, một thợ mộc khuyết tật đã nghỉ hưu, nói với đài phát thanh Broadcom FM của Tongan rằng ông đã bơi và trôi khoảng 13 km từ đảo Atata qua hai hòn đảo không có người ở khác để đến đảo chính Tongatapu.
Ông Folau nghe thấy tiếng con trai gọi mình từ bờ biển sau khi ông bị sóng cuốn nhưng quyết định không trả lời vì không muốn con trai mạo hiểm tính mạng đến cứu mình. Ông nhìn thấy một chiếc thuyền cứu hộ của cảnh sát và điên cuồng vẫy tay nhưng dường như cảnh sát không thấy ông.
Trong một diễn biến khác, người dân và các lực lượng cứu hộ bắt đầu dọn dẹp. Một số người dân thu gom tro núi lửa để làm phân bón hoặc đắp gờ giảm tốc trên đường.
Thứ sáu ngày 21/1: "Ofa atu"
Nhiều nguồn điện được khôi phục trên khắp đất nước và liên kết vệ tinh được nối lại, một số hình ảnh và video xuất hiện hơn, cho thấy quy mô tàn phá của thảm họa và nỗ lực phục hồi quốc đảo.
Cộng đồng người Tonga ở Australia, New Zealand và Mỹ đã gây quỹ cho các nỗ lực khôi phục và chuẩn bị cho việc tái thiết, dự kiến mất nhiều năm.
“Quốc gia đang trong chế độ phục hồi. Ofa atu (yêu mọi người)”, Ana Tupou Panuve, một nhà kinh tế cấp cao của Ngân hàng Dự trữ Quốc gia Tonga viết trên Twitter.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/7-ngay-tonga-bi-co-lap-voi-ca-the-gioi-post1291421.html