7 người cấp cứu sau khi uống nước nấu từ cây lạ
Sau khi uống nước nấu thân cây lạ trong rừng, cả nhóm 8 người có biểu hiện ngộ độc, trong đó 7 trường hợp phải nhập viện.
Uống nước nấu thân cây, 7 người nhập viện cấp cứu
Mới đây, cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã tiếp nhận và cấp cứu cho 7 bệnh nhân bị ngộ độc do uống nhầm nước nấu thân cây, nghi là lá ngón.
Trước đó, một nhóm công nhân gồm 8 người, làm việc trên địa bàn xã Thái Sơn (huyện Đô Lương, Nghệ An) được đưa đến cơ sở y tế địa phương với những biểu hiện ngộ độc thực phẩm.
Các bệnh nhân cho biết, trưa cùng ngày (14/10), 8 người ăn bữa trưa gồm các món: Cơm, thịt bò nấu bí, lòng bò xào khế và thịt lợn kho, có uống nước được đun nấu từ thân cây không rõ loại cắt nhỏ.
Đến khoảng 13h30 - 14h cùng ngày, nhóm người này xuất hiện triệu chứng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn.
Sau khi xuất hiện triệu chứng cả nhóm 8 người được đưa vào Trạm Y tế xã Thái Sơn, trong đó chỉ có 7 người vào Trạm, còn 1 người là có triệu chứng nhẹ nên ở ngoài.
Trạm Y tế Thái Sơn đã tiến hành xử trí bằng tiêm Dimedrol cho 7 bệnh nhân và tiếp tục chuyển đến Bệnh viện đa khoa huyện Đô Lương để cấp cứu.
Theo các bác sĩ, cả 7 bệnh nhân trong tình trạng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, được chẩn đoán ngộ độc do các chất chưa xác định. Bệnh viện đã xử trí bằng rửa dạ dày, truyền dịch và được chuyển xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An.
Tại đây, các bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc chất/rối loạn điện giải, xử trí bằng bù dịch, bù điện giải và theo dõi sát. Rất may không có trường hợp nào bị tử vong.
Nhận được thông tin, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nghệ An đã cử Đoàn cán bộ phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Đô Lương trực tiếp điều tra xác minh sự việc.
Qua điều tra cho thấy, tất cả các trường hợp này đều có địa chỉ tại xã Mỹ Tân (huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa) vào làm việc trong rừng thuộc địa bàn xã Thái Sơn khoảng một tuần trước.
Trong quá trình làm việc, nhóm người này có nhờ vợ chồng bà Nguyễn Thị T. (60 tuổi, trú tại xã Thái Sơn) nấu ăn. Trong thời gian đó, nhóm người này có lấy thân cây (không rõ loại) cắt nhỏ đun với nước để uống và không có triệu chứng lạ.
Cơ quan chức năng đã lấy mẫu thân cây lạ này gửi Viện kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia để xét nghiệm. Kết quả kiểm nghiệm phát hiện Gelsamin và koumine trong 2 mẫu thân cây này, đây là các chất thuộc nhóm Alkaloid thường có trong cây lá ngón.
Ngày 24/10, Viện kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia có văn bản gửi Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nghệ An trả lời kết quả kiểm nghiệm xác định nguyên nhân ngộ độc khiến 7 người nhập viện cấp cứu là do uống thân cây lá ngón.
Không nên sử dụng cây "lạ" làm thực phẩm
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), lá ngón, hay còn gọi ngón vàng, thuốc rút ruột là một loại cây dây leo, thân và cành không có lông. Lá ngón có hình thuôn dài, mọc đối xứng, đầu nhọn, bóng nhẵn. Thông thường, lá ngón sẽ dài khoảng 7 – 12 cm và có bề rộng 2,5 – 5,5cm, mọc thành chùm. Hoa lá ngón thường nở vào tháng 6, 8, 10 và có màu vàng với 5 cánh. Quả của lá ngón có màu nâu, thon dài, rộng khoảng 0,5 cm, không có lông bao quanh. Hạt lá ngón khá nhỏ, có màu nâu nhạt. Ở các cành non, lá sẽ có màu xanh lục nhưng khá nhạt. Đến giai đoạn già, lá sẽ chuyển dần sang màu xám nâu nhạt.
Ở Việt Nam, lá ngón được xem là một trong bốn loại cây có độc tính hàng cao nhất (thuộc độc bảng A) gồm: cây củ chi, lá ngón, trúc đào và cây sui. Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong lá ngón có chứa một chất kịch độc có thể ngay lập tức gây ra cái chết, đó chính là hoạt chất cực độc alkaloid. Các alkaloid chứa trong toàn bộ cây, độc tính giảm dần theo thứ tự rễ, lá, hoa, quả và thân cây. Alkaloid là những hợp chất hữu cơ có chứa dị vòng nitơ, có tính bazơ, thường gặp ở trong nhiều loài thực vật. Alkaloid có hoạt tính sinh lý rất cao đối với cơ thể con người và động vật, nhất là đối với hệ thần kinh. Một lượng nhỏ alkaloid đủ chất độc gây chết người.
Khi ngộ độc lá ngón, người bệnh có triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, khó chịu, mệt mỏi, bí đái, da lạnh, vã mồ hôi, yếu mệt cơ tay chân khó vận động, nặng có thể gây liệt cơ hoàn toàn; Thở yếu, thở chậm dẫn đến suy hô hấp; nhịp tim chậm, huyết áp tụt có thể dẫn đến ngừng tim; tăng phản xạ gân xương, co giật.
Nếu không phát hiện sớm, sơ cứu, cấp cứu và điều trị kịp thời, bệnh nhân thường chết sau 1-7 tiếng. Do vậy, khi phát hiện người bị ngộ độc cây lá ngón, cần nhanh chóng loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể bệnh nhân bằng các biện pháp như gây nôn, sau đó nhanh chóng chuyển đến cơ sở y tế gần nhất.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, người dân tuyệt đối không sử dụng các loại thực vật không rõ loại để làm thực phẩm và không sử dụng lá ngón để chế biến hoặc dùng trực tiếp. Khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời.