7 nguyên nhân phổ biến khiến bạn bị mất khứu giác

Covid-19, vấn đề về xoang, hút thuốc lá hay hóa chất là một số nguyên nhân có thể ảnh hưởng khả năng ngửi của bạn và dẫn đến mất khứu giác.

Có phải bạn không còn ngửi thấy mùi nước hoa yêu thích? Thức ăn không ngon như trước? Mùi thơm của cà phê mới pha không còn làm bạn thức giấc vào buổi sáng? Điều này có thể cảnh báo bạn bị mất mùi, rối loạn khứu giác, hay còn gọi là anosmia.

Trong tình hình dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới, nhiều người có kết quả dương tính với nCoV cho biết họ bị mất vị giác hoặc khứu giác khi phát triển các triệu chứng. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã xác định mất khứu giác là một trong những triệu chứng của Covid-19. Các bác sĩ ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Italy và Đức đã báo cáo tỷ lệ mất khứu giác hoặc vị giác ở những bệnh nhân Covid-19 rất cao.

Tuy nhiên, ngoài Covid-19, việc mất khứu giác có thể gây ra bởi nhiều tình trạng khác nhau, từ tạm thời đến vĩnh viễn, vì khứu giác được kiểm soát bởi các cảm biến trong mũi kết nối với não bộ.

Các vấn đề về xoang và mũi

Một trong những lý do phổ biến nhất khiến bạn mất khứu giác tạm thời là cảm lạnh thông thường. Khi các xoang sưng lên hoặc bị tắc bởi chất nhầy, chúng sẽ chặn thụ thể mùi trong mô mũi. May mắn thay, đây thường là tình trạng một phần, tạm thời dễ dàng khắc phục sau khi hết cảm.

Nhiễm trùng xoang mạn tính hoặc dị ứng nghiêm trọng đôi khi có thể dẫn đến mất mùi liên tục. Các vật cản mũi khác như polyp thường là tạm thời vì chúng có thể được điều trị và loại bỏ.

Theo Reader's Digest, nếu tắc nghẽn và mất khứu giác không phải do cảm lạnh hoặc dị ứng, chúng có thể là kết quả của các vấn đề tiêu hóa hoặc căng thẳng.

Tiến sĩ Kulreet Chaudhary, nhà thần kinh học và là tác giả của cuốn Sound Medicine: How to Use the Ancient Science of Sound to Heal the Body and Mind, cho biết: "Nguyên nhân phổ biến nhất là tắc nghẽn và xoang do sự tích tụ của viêm và chất độc trong xoang. Các nguyên nhân khác có liên quan căng thẳng quá mức, làm việc quá sức, thói quen ăn uống kém, hệ vi sinh vật không cân bằng và tiêu thụ quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn".

 Các vấn đề về xoang và mũi có thể ảnh hưởng khả năng ngửi của bạn. Ảnh: Beaumont.

Các vấn đề về xoang và mũi có thể ảnh hưởng khả năng ngửi của bạn. Ảnh: Beaumont.

Covid-19

Kể từ những ngày đầu của đại dịch, mất khứu giác được coi là triệu chứng đặc trưng của nhiễm trùng Covid-19. Nghiên cứu được công bố vào tháng 4/2020 trên Diễn đàn Quốc tế về Dị ứng & Rhinology, cho thấy 68% bệnh nhân Covid-19 cho biết họ bị mất khứu giác.

Bác sĩ tai mũi họng Jordan Teitelbaum ở Chicago (Mỹ) cho biết: "Lý do là SARS-CoV-2 tấn công dây thần kinh khứu giác. Việc mất khứu giác này diễn ra đột ngột, và nó cho thấy dấu hiệu ban đầu của Covid-19. Đó là lý do những người bị mất khứu giác cần xét nghiệm Covid-19 và tự cách ly cho đến khi có kết quả".

Theo tiến sĩ Teitelbaum, tình trạng mất mùi này thường trở lại bình thường trong vòng 2-3 tuần.

Đại học Y khoa Harvard (Mỹ) dẫn nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Advances cho biết SARS-CoV-2 không có khả năng làm tổn thương vĩnh viễn các mạch thần kinh khứu giác và dẫn đến chứng anosmia dai dẳng.

"Tôi nghĩ đó là tin tốt, bởi vì một khi nhiễm trùng khỏi, các tế bào thần kinh khứu giác dường như không cần phải thay thế hoặc tái tạo lại từ đầu", tiến sĩ Sandeep Robert Datta, tác giả nghiên cứu, nhận định.

Hút thuốc lá

Theo Cleveland Clinic, ô nhiễm nói chung là thủ phạm gây chứng anosmia. Trong đó, khói thuốc lá là dạng ô nhiễm tập trung nhất mà mọi người thường tiếp xúc. Nó làm suy giảm khả năng xác định mùi và làm giảm cảm giác ngon miệng.

Tiến sĩ Teitelbaum cho biết: "Các nghiên cứu cho thấy cả hơi nóng của khói thuốc lá và các chất hóa học của nó có thể phá hủy các tế bào thần kinh chịu trách nhiệm về mùi".

Tin tốt là điều này không phải vĩnh viễn nếu bạn bỏ thuốc lá. Theo tiến sĩ Teitelbaum, trong vòng 48 giờ bỏ thuốc, các đầu dây thần kinh sẽ bắt đầu tự sửa chữa. Khứu giác sẽ trở lại mạnh mẽ sau 2-3 tháng, các tế bào hỗ trợ khác có thể giúp khứu giác hoạt động trở lại bình thường trong vòng một năm.

Chấn thương đầu

Chấn thương đầu - dù là chấn động hay phẫu thuật não - đều có thể gây tổn thương các dây thần kinh khứu giác, dẫn đến mất khứu giác khi các dây thần kinh khứu giác bị cắt, tắc nghẽn hoặc tổn thương. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương, tổn thương này có thể là vĩnh viễn hoặc tạm thời. Khi khứu giác bắt đầu hoạt động trở lại, đó thường là dấu hiệu não và dây thần kinh đang hồi phục.

Ngoài ra, dù hiếm gặp, rối loạn khứu giác cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn có khối u não.

 Chấn thương đầu làm tổn thương dây thần kinh khứu giác, dẫn đến mất khứu giác. Ảnh: Thehealthy.

Chấn thương đầu làm tổn thương dây thần kinh khứu giác, dẫn đến mất khứu giác. Ảnh: Thehealthy.

Hóa chất

Tiếp xúc với các hóa chất độc hại, chẳng hạn thuốc trừ sâu hoặc dung môi, có thể làm tổn thương khứu giác bằng cách đốt cháy bên trong mũi. Các thủ phạm thường gặp bao gồm: hơi methacrylate, amoniac, benzen, bụi cadimi, cromat, fomanđehit, hydro sunfua, bụi niken và axit sulfuric.

Tiến sĩ Teitelbaum cảnh báo thật không may, tổn thương có thể vĩnh viễn nếu tiếp xúc nhiều lần. Vì vậy, mọi người cần tự bảo vệ mình trước những chất tạo mùi có hại. Để bảo vệ bản thân, bạn nên đeo thiết bị mặt nạ phòng độc che mũi khi tiếp xúc với bất kỳ hóa chất có mùi mạnh nào ở nhà hoặc tại nơi làm việc.

Tác dụng phụ của một số loại thuốc

Bạn có nhận thấy chứng anosmia được liệt kê trong danh sách các tác dụng phụ của thuốc? Một số loại thuốc như thuốc kháng sinh, trị cao huyết áp và thuốc kháng histamine đôi khi có thể làm mất khứu giác tạm thời. Bạn có thể nói chuyện với bác sĩ hoặc dược sĩ về các loại thuốc thay thế. May mắn là mũi sẽ hoạt động trở lại sau khi bạn dừng thuốc.

Bệnh mất trí nhớ

Nghiên cứu được công bố năm 2018 trên tạp chí khoa học Biosensors cho thấy khứu giác kém có thể là dấu hiệu ban đầu của bệnh Alzheimer. Trên thực tế, triệu chứng này có thể xuất hiện rất lâu trước khi xuất hiện các dấu hiệu đặc trưng của bệnh thoái hóa não. Tiến sĩ Teitelbaum cho biết: "Trong bệnh Alzheimer, các protein bất thường làm tổn thương vỏ não trung tâm chịu trách nhiệm về mùi trong quá trình bệnh".

Giống Alzheimer, bệnh Parkinson là chứng rối loạn thoái hóa não và có những dấu hiệu ban đầu của rất dễ bỏ sót. Theo tiến sĩ Teitelbaum, phần lớn bệnh nhân gặp Parkinson bị chứng anosmia. Trong bệnh Parkinson, việc mất chất dẫn truyền thần kinh là nguyên nhân gây ra mất mùi.

"Điều thú vị là mất khứu giác thực sự có thể xuất hiện trước các triệu chứng nhận thức. Tạo ra nhận thức về mối liên quan giữa rối loạn chức năng khứu giác và các bệnh thần kinh tiến triển có thể giúp đảm bảo chẩn đoán và điều trị sớm hơn", tiến sĩ Teitelbaum nói.

Phương Mai

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/7-nguyen-nhan-pho-bien-khien-ban-bi-mat-khuu-giac-post1285618.html