7 nguyên tắc cơ bản khi ăn hoa quả để nhận lợi ích sức khỏe tốt nhất
Không ăn hoa quả ngay sau bữa trưa hoặc tối, ăn trực tiếp thay vì ép nước... là một số nguyên tắc để thu được lợi ích sức khỏe tốt nhất từ hoa quả.
Hoa quả nên là một phần trong chế độ ăn uống do mang lại một số chất dinh dưỡng cần thiết và giúp tăng cường miễn dịch.
Tuy nhiên, hãy bảo đảm bạn tuân thủ 7 nguyên tắc cơ bản dưới đây khi ăn hoa quả để nhận được lợi ích tốt nhất.
Tránh kết hợp các loại hoa quả với sản phẩm từ sữa
Kết hợp hoa quả với sản phẩm từ sữa, chẳng hạn như sữa chua hoặc phô mai, có thể gây khó chịu cho đường tiêu hóa.
Tốt nhất nên ăn hoa quả riêng để bảo đảm tiêu hóa hiệu quả lượng đường và chất xơ tự nhiên.
Không ăn hoa quả ngay sau bữa trưa hoặc bữa tối
Ăn trái cây ngay sau bữa ăn có thể làm chậm quá trình tiêu hóa. Để tối đa hóa khả năng hấp thụ dinh dưỡng, nên ăn trái cây khi nhẹ bụng hoặc ăn giữa các bữa ăn.
Đừng ăn hoa quả vào tối muộn
Ăn trái cây vào buổi tối muộn có thể làm gián đoạn giấc ngủ và cản trở quá trình tiêu hóa. Nên thưởng thức trái cây sớm hơn trong ngày khi quá trình trao đổi chất của cơ thể diễn ra tích cực.
Không nên bỏ vỏ
Vỏ của các loại hoa quả thường chứa nhiều chất dinh dưỡng và chất xơ. Ăn trái cây nguyên vỏ có thể tăng cường hàm lượng dinh dưỡng và mang lại nhiều lợi ích sức khỏe hơn.
Tránh kết hợp hoa quả ngọt với hoa quả chua, nhiều axit
Việc kết hợp các loại hoa quả ngọt như chuối với quả có tính axit như nho hay dâu tây có thể gây khó tiêu. Vì thế, nên tránh ăn chúng cùng lúc để thúc đẩy quá trình tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng.
Ăn trực tiếp thay vì ép nước
Nước ép trái cây có thể mang hương vị tươi mát và ngon miệng nhưng không tốt cho sức khỏe. Hạn chế lớn nhất của việc ép trái cây là làm mất đi hàm lượng chất xơ và làm tăng lượng đường trong máu.
Ăn đa dạng trái cây
Nên tiêu thụ nhiều loại hoa quả thay vì chỉ một số loại nhất định, bảo đảm cơ thể nhận đủ dinh dưỡng, vitamin và muối khoáng. Điều này có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh theo mùa và tăng cường hệ thống miễn dịch.
(theo Ngôi sao)