7 trạm BOT bị phản đối được Bộ GTVT giải quyết thế nào?
Trong báo cáo gửi Quốc hội, Bộ GTVT đã cập nhật tiến độ xử lý các điểm nóng về thu phí BOT như trạm Cai Lậy, T2, Tân Đệ, Bắc Thăng Long - Nội Bài...
Báo cáo gửi Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 và 7 của Bộ GTVT đã nêu rõ tình hình xử lý một số điểm nóng BOT khiến dư luận quan tâm thời gian qua.
Theo đó, có 7 trạm thu phí phát sinh nhiều bất cập được Bộ GTVT liệt kê gồm trạm Cai Lậy (Tiền Giang), trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài (Hà Nội), trạm T2 (Cần Thơ), trạm Hòa Lạc - Hòa Bình (Hòa Bình), trạm Bỉm Sơn (Thanh Hóa), trạm trên tuyến Quốc lộ 3 thuộc Dự án xây dựng tuyến đường Thái Nguyên -Chợ Mới, Trạm Tân Đệ thuộc Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 10.
Vướng mắc tại 7 trạm thu phí này chủ yếu nằm ở việc người sử dụng dịch vụ đường bộ tụ tập phản đối mức giá thu phí hoặc phản đối vị trí đặt trạm. Công tác tuyên truyền, thuyết phục người dân không hiệu quả khiến Bộ GTVT phải báo cáo Chính phủ tìm hướng giải quyết.
Ngày 18/6, Bộ GTVT đã có báo cáo gửi Phó thủ tướng Trương Hòa Bình và Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại văn bản số 438/BGTVT-ĐTCT và được lãnh đạo Chính phủ tổ chức họp, chỉ đạo xử lý tại văn bản số 108/TB-VPCP ngày 26/6.
Sau quá trình tháo gỡ vướng mắc, Bộ GTVT cho biết trạm thu phí Bỉm Sơn đã được Chính phủ phê duyệt chủ trương di dời. Trạm Tân Đệ cũng được nhà đầu tư chấp thuận chuyển về đường tránh. Đối với trạm Hòa Lạc - Hòa Bình, Bộ đã chấp thuận phương án giảm giá cho người dân địa phương và việc thu phí đã đi vào ổn định. Trạm Quốc lộ 3 cũng đang được tính toán phương án miễn giảm phí cho người dân sống lân cận.
Theo ghi nhận của phóng viên, các trạm Cai Lậy, Bắc Thăng Long - Nội Bài và T2 vẫn đang trong giai đoạn lựa chọn phương án xử lý. Bộ GTVT chưa thống nhất giải pháp hài hòa lợi ích của cả người dân và nhà đầu tư.
Ngoài các "điểm nóng" nêu trên, Bộ GTVT cũng ghi nhận sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, sự vào cuộc của địa phương và hỗ trợ của Bộ Công an đã giúp nhiều trạm thu phí cơ bản đi vào ổn định, kể cả các trạm thu phí hoàn vốn cho dự án đầu tư cả tuyến chính và tuyến tránh.
Quá trình rà soát lại toàn bộ dự án đã, đang và sắp triển khai theo hình thức BOT, Bộ GTVT đã dừng 4 dự án đã ký hợp đồng, dừng 10 dự án đã phê duyệt đề xuất hoặc đang lập báo cáo khả thi (8 dự án đường bộ và 2 dự án đường thủy nội địa).
Đến nay, 8 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam phía đông đang được Bộ GTVT tập chung kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT với nhiều hứa hẹn sẽ khắc phục được các bất cập từng xảy ra với những dự án trước.