7 trường đại học kỹ thuật hàng đầu Việt Nam ký kết chương trình đào tạo kỹ sư
Sáng 27-6, tại TP Đà Nẵng, các trường đại học kỹ thuật hàng đầu Việt Nam cùng ký kết thống nhất những nguyên tắc chung trong phát triển chương trình đào tạo kỹ sư.
Theo đó, lễ ký kết công bố chung với sự tham gia của các trường đại học trong khối kỹ thuật như Trường Đại học Bách khoa Hà Nội; Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh; Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng; Trường Đại học Xây dựng; Trường Đại học Giao thông Vận tải; Trường Đại học Thủy Lợi và Trường Đại học Mỏ-Địa chất.
Cụ thể, các chương trình đào tạo kỹ sư sẽ được xây dựng theo hướng chuyên sâu nghề nghiệp với chuẩn chương trình về đầu vào, đầu ra và khối lượng kiến thức, đảm bảo tương đương với trình độ thạc sĩ và đạt bậc 7 theo Khung trình độ quốc gia. Với khối lượng kiến thức toàn khóa tối thiểu là 180 tín chỉ và chất lượng đào tạo được chuẩn hóa, người tốt nghiệp có thể học chuyển đổi kiến thức qua lại giữa văn bằng kỹ sư và thạc sĩ.
Bên cạnh đó, các chương trình đào tạo sẽ được tổ chức theo hai mô hình chính: Mô hình đào tạo với một chương trình tích hợp cử nhân-kỹ sư cho cùng một ngành, cấp bằng cử nhân và kỹ sư cho người tốt nghiệp (chương trình toàn khóa được thiết kế cho thời gian đào tạo 5 năm hoặc 5,5 năm); mô hình đào tạo 2 giai đoạn với 2 chương trình, tương ứng với hai trình độ cử nhân và kỹ sư cho cùng ngành đào tạo hoặc các ngành gần, cấp bằng cử nhân và kỹ sư sau khi kết thúc từng giai đoạn.
Theo bản công bố chung, các trường tham gia ký kết sẽ hợp tác đề xuất xây dựng chuẩn chương trình chung phù hợp với Khung trình độ quốc gia Việt Nam, đồng thời xây dựng và công bố lộ trình thực hiện phù hợp với đặc thù của mỗi trường. Chương trình đào tạo mới cũng có thể được áp dụng cho các khóa đã nhập học, tùy điều kiện thực tế từng trường và nguyện vọng của sinh viên.
Tại lễ ký kết, PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy, quyền Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT cho hay, việc ký kết chương trình đào tạo của 7 trường là bước đi đầu tiên của hướng đi tiên phong nhằm nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo để đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội. Việc xây dựng tiêu chuẩn chung cho các chương trình đào tạo kỹ sư không chỉ có ý nghĩa trong nước, mà còn quan trọng đối với Việt Nam trong giai đoạn hội nhập quốc tế, khi giá trị văn bằng kỹ sư truyền thống được chuẩn hóa và nâng cao.