70 năm bài báo 'Dân vận' của Chủ tịch Hồ Chí Minh - giá trị lý luận và thực tiễn

Cách đây tròn 70 năm tại Khấu Lấu, Vực Hồ, thôn Bòng, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo 'Dân vận' với bút danh X.Y.Z. Bài báo chỉ hơn 600 chữ, với cách đặt câu hỏi và trả lời ngắn gọn, nhưng đã đề cập một cách toàn diện những nguyên lý cơ bản nhất trong công tác dân vận của Đảng. Tác phẩm thể hiện rất rõ tư tưởng trọng dân, tin dân và phong cách quần chúng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời là bản 'tuyên ngôn', là 'cương lĩnh', là 'kim chỉ nam' về công tác dân vận của Đảng.

Mở đầu tác phẩm Bác viết: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân… Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”, khẳng định mọi tổ chức từ chính quyền đến đoàn thể đều từ dân mà ra và hoạt động của các tổ chức đều nhằm mục đích phục vụ Nhân dân. Nhân dân giữ vai trò quyết định của cách mạng. Về công tác dân vận, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra khái niệm “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho”, đó là tập hợp và huy động cho được sức mạnh của toàn dân vào các phong trào cách mạng.

Người cũng chỉ ra các bước của công tác dân vận hết sức tuần tự và cụ thể “Trước nhất là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được”; “Điểm thứ hai là bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành” và cuối cùng là “Trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân. Khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh “mục đích có đồng, chí mới đồng, chí có đồng, tâm mới đồng, tâm đã đồng lại phải biết cách làm, thì làm mới chóng”. Đó cũng chính là tiền đề của phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” mà Đảng và Nhà nước ta đang vận dụng.

Các đồng chí lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy và cán bộ phụ trách công tác dân vận của một số ban, ngành, đoàn thể tỉnh trao đổi nghiệp vụ cùng GS.TS Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương Đảng bên lề hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác dân vận. Ảnh: Thu Hương

Các đồng chí lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy và cán bộ phụ trách công tác dân vận của một số ban, ngành, đoàn thể tỉnh trao đổi nghiệp vụ cùng GS.TS Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương Đảng bên lề hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác dân vận. Ảnh: Thu Hương

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ ai là người làm công tác dân vận: “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân… đều phải phụ trách dân vận”. Như vậy, nhiệm vụ dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trước hết là của chính quyền. Phương pháp dân vận là phải “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”; người làm công tác dân vận phải thường xuyên suy nghĩ vận dụng sáng tạo lý luận vào thực tiễn để vận động nhân dân có hiệu quả; phải thường xuyên sâu sát cơ sở để thấy mọi sự việc, vấn đề; phải biết nghe dân nói, hiểu được những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của dân; thường xuyên có trách nhiệm tuyên truyền, cổ động nhân dân thực hiện các nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ của tổ chức giao; đồng thời phải gương mẫu, làm gương trước để dân thấy, dân tin, dân học làm theo. Sau cùng Người khẳng định rõ tầm quan trọng của công tác dân vận đối với mọi công việc xã hội: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém”, “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.

Vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua Bài báo “Dân vận”, trong những năm qua các cấp ủy Đảng đã tăng cường đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận. Hoạt động của hệ thống dân vận có sự đổi mới theo hướng gần dân, sát cơ sở, đóng vai trò “cầu nối” củng cố, xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân và đã đạt được những kết quả quan trọng.

Trong lãnh đạo, các cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cơ sở đã vận dụng sáng tạo quan điểm, tư tưởng về công tác dân vận được nêu trong bài báo “Dân vận” thành các nhiệm vụ cụ thể về công tác dân vận trong nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, chương trình hành động, kế hoạch để tổ chức thực hiện. Qua đó, đã phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị đối với công tác dân vận, góp phần củng cố vững chắc hệ thống chính trị, phát huy tốt sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Dân chủ trong Đảng được mở rộng, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy; mối quan hệ gắn bó giữa nhân dân với Đảng không ngừng được củng cố, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp đề ra.

Cấp ủy các cấp đã lãnh đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua lao động, sản xuất, tạo sự đồng thuận trong thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, phát huy được tính tự chủ, khơi dậy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sức mạnh nội lực của Nhân dân, nổi bật như: Chương trình kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa đường giao thông nội đồng và xây dựng nhà văn hóa: Với phương thức Nhà nước hỗ trợ, Nhân dân đóng góp tiền mặt, ngày công lao động, toàn tỉnh đã kiên cố hóa được 527 km kênh mương nội đồng; bê tông hóa trên 306 km đường giao thông nội đồng; xây dựng 434 nhà văn hóa thôn, bản. Chương trình xây dựng nông thôn mới: Lựa chọn dễ làm trước, khó làm sau, đến nay đã hoàn thành 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân toàn tỉnh đạt 13 tiêu chí/xã. Chương trình phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi: Đã huy động xây dựng trên 300 lớp học mầm non, trong đó nhân dân ủng hộ trên 32.000 m2 đất, trên 70.000 ngày công lao động, ủng hộ kinh phí và hiện vật trị giá gần 60 tỷ đồng. Tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, về đích trước 2 năm so với kế hoạch đề ra. Về văn hóa từ ý tưởng sáng tạo của nhân dân đã tổ chức Lễ hội Thành Tuyên theo hướng xã hội hóa, phát huy dân chủ, do nhân dân bàn bạc và quyết định, đã hình thành lễ hội văn hóa độc đáo, tạo sức lan tỏa rộng rãi và đã trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo thu hút khách du lịch…

Thực hiện công tác “dân vận chính quyền” gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đã lựa chọn và thực hiện các nội dung đột phá: “Tư tưởng vững vàng, đạo đức trong sáng, hết lòng phục vụ Nhân dân”; “Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương; đổi mới tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức”; “Phát huy dân chủ, nâng cao tinh thần trách nhiệm, vì nhân dân phục vụ”. Lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền ban hành cơ chế, chính sách cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị của Đảng phù hợp với điều kiện thực tiễn, đáp ứng lợi ích, nguyện vọng của nhân dân. Tập trung xây dựng và thực hiện các giải pháp cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và nhân dân tham gia đầu tư, kinh doanh, sản xuất. Năm 2018 chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp thứ 34/63 tỉnh, thành phố; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp thứ 17/63 tỉnh, thành phố, tăng 32 bậc so với năm 2015. Cấp ủy, chính quyền các cấp duy trì tốt việc đối thoại, tiếp xúc trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền với nhân dân. Thực hiện tốt việc nhân dân giám sát thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng... Qua đó, đã kịp thời nắm bắt tình hình và giải quyết những công việc liên quan đến đời sống của nhân dân.

Thực hiện tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, các cấp ủy Đảng đã cụ thể hóa thành các quy chế nhằm quy định rõ vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của chính quyền. Thực hiện công khai, dân chủ các vấn đề liên quan đến người dân, với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; góp phần tăng cường sự đoàn kết, đồng thuận xã hội; phòng ngừa, ngăn chặn quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền. Thường xuyên coi trọng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc...

Tuyên Quang vinh dự và tự hào là nơi Bác Hồ đã viết bài báo “Dân vận” là bản “tuyên ngôn”, là “cương lĩnh”, là “kim chỉ nam” về công tác dân vận của Đảng. Cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn ghi nhớ lời Bác dạy, quyết tâm, chủ động, sáng tạo trong triển khai các nhiệm vụ công tác dân vận trong tình hình mới: Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với công tác dân vận; vận động nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tham gia, hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; chủ động nắm chắc tình hình nhân dân, giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; thực hiện có hiệu quả công tác dân vận chính quyền, quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, quy định về MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; tạo điều kiện để nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ, tạo sự đồng thuận trong xã hội; xây dựng và thực hiện phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân”. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc triển khai, tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận; chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và củng cố, kiện toàn tổ chức hệ thống dân vận các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Triệu Thị Lún
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/chinh-tri/trong-tinh/70-nam-bai-bao-dan-van-cua-chu-tich-ho-chi-minh-gia-tri-ly-luan-va-thuc-tien-123915.html