70 năm hoàn thành sứ mệnh lịch sử quản lý cư trú

Hôm nay, ngày 1-1-2023, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú chính thức hết giá trị sử dụng sau 70 năm tồn tại trong đời sống người dân với biết bao thay đổi, niềm vui nỗi buồn. Nó đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử trong công tác quản lý cư trú của Nhà nước.

Quy định đầu tiên về sổ hộ khẩu ra đời tháng 7-1953, khi Thứ Bộ Công an (nay là Bộ Công an) đề xuất chế độ đăng ký quản lý hộ khẩu. Được Chính phủ đồng ý, Thứ Bộ Công an ra hướng dẫn các loại hộ khẩu cần phải đăng ký và quản lý gồm: hộ gia đình, hộ công cộng, hộ doanh thương, hộ thuyền bè, hộ ngoại kiều...

Việc đăng ký hộ khẩu sau đó triển khai thí điểm ở Nam Định, rồi đến Hà Nội, Hải Phòng... Ngày 27-6-1964, Hội đồng Chính phủ ra Nghị định 104/CP, ban hành Điều lệ đăng ký, quản lý hộ khẩu mới.

Cuốn sổ hộ khẩu giấy đầu tiên, giai đoạn 1975-1986

Cuốn sổ hộ khẩu giấy đầu tiên, giai đoạn 1975-1986

Theo đó, với người dân ở thành phố, thị xã, thị trấn, đồn công an lập sổ hộ khẩu cho từng hộ trong khu vực mình phụ trách. Có hai loại là hộ nhân dân và hộ tập thể. Hộ nhân dân là những người có quan hệ tình cảm ràng buộc, cùng ăn cơm chung trong một nhà. Hộ tập thể là những người ở tập thể của cán bộ, công nhân, nhân viên, học sinh thuộc cơ quan, xí nghiệp. Lúc đó, mỗi công dân phải đăng ký là nhân khẩu thường trú trong một hộ nhất định.

Ở xã, thị trấn, nơi không có đồn công an thì Ủy ban hành chính cấp xã lập sổ hộ khẩu cho từng hợp tác xã hoặc từng đội sản xuất trong các hợp tác xã quá lớn. Những hộ còn làm ăn riêng lẻ được đăng ký chung một sổ hộ khẩu với hợp tác xã, đội sản xuất cùng thôn, xóm.

Từ tháng 8-1976 đến hết năm 1977 và kéo dài đến 1986, công tác đăng ký, quản lý hộ khẩu được áp dụng thống nhất cả nước. Lúc này, sổ hộ khẩu là một tờ giấy, có ghi dòng chữ "Giấy chứng nhận hộ khẩu thường trú".

Các mẫu sổ hộ khẩu giấy từ 1986 đến 2022

Các mẫu sổ hộ khẩu giấy từ 1986 đến 2022

Ngày 1-7-1988, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định 4-HĐBT, quy định về điều lệ đăng ký và quản lý hộ khẩu (có bìa và gồm nhiều trang). Theo đó, công dân có quyền và trách nhiệm đăng ký hộ khẩu thường trú tại nơi ở thường xuyên của mình. Những người có quan hệ gia đình hoặc cùng ở một nhà, một phòng thì đăng ký là một hộ.

Đối với nhà ở tập thể của cơ quan và tổ chức thì lập theo từng nhà ở hoặc phòng ở tập thể của cán bộ, công nhân, viên chức, hội viên. Mỗi hộ phải cử một người có trách nhiệm chính làm chủ hộ để làm các quy định về đăng ký và quản lý hộ khẩu trong hộ của mình.

Sau 70 năm tồn tại với nhiều thay đổi, sổ hộ khẩu đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử

Sau 70 năm tồn tại với nhiều thay đổi, sổ hộ khẩu đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử

Đến năm 1997, Chính phủ ban hành Nghị định 51về đăng ký và quản lý hộ khẩu, giao Bộ Nội vụ phụ trách. Lúc này, mỗi hộ gia đình có một sổ hộ khẩu gia đình. Trường hợp, trong một nhà có nhiều gia đình ở thì mỗi gia đình được lập một sổ hộ khẩu gia đình riêng.

Năm 2006, Luật Cư trú ra đời và đề cập rất nhiều vấn đề liên qua sổ hộ khẩu. Thời điểm này, Luật quy định, số hộ khẩu được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký thường trú và có giá trị xác định nơi thường trú của công dân.

Tại giai đoạn này, sổ hộ khẩu do cơ quan công an cấp và quản lý; nhiều lần thay đổi về kích thước, màu sắc, từ màu nâu đến xanh đậm, xanh nhạt và cuối cùng là màu hồng.

Gia đình bà Đoàn Thị Loan, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình không thể nào quên được năm 1986, khi 3 mẹ con bà chuyển từ Quảng Ninh về Hà Nội. “Thời đó, để có được quyển sổ hộ khẩu Hà Nội không hề dễ dàng vì gia đình chưa có nơi cư trú, ở trong đơn vị quân đội. Trong khi đó, nếu không có hộ khẩu không có tem phiếu đong gạo, mua thức ăn, con cái học hành” - bà Loan kể. Khi có rồi thì phải giữ gìn sổ hộ khẩu như giữ vàng, vì hộ khẩu Hà Nội khi ấy là một điều kiện cực kỳ quan trọng. Không có hộ khẩu không được phân nhà, con không được thi vào trường THPT công lập, không được thi tuyển công chức vào bộ máy hành chính Hà Nội và còn muôn vàn những điều kiện khác trong cuộc sống…

Ngày 30-7-2017, Chính phủ ban hành nghị quyết 112 bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng "sổ hộ khẩu giấy" và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân. Và hôm nay, ngày 1-1-2023, hộ khẩu giấy chính thức hết giá trị chuyển giao sang “hộ khẩu điện tử”.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/70-nam-hoan-thanh-su-menh-lich-su-quan-ly-cu-tru-post527579.antd