Cách đây tròn 70 năm vào tháng 4/1951, trên bầu trời bán đảo Triều Tiên, phi công Mỹ đã có một cuộc chạm trán với các phi công Liên Xô, một đối thủ mạnh và giàu kinh nghiệm.
Chỉ trong vòng vài phút, 10 máy bay ném bom B-29 Superfortress và 15 máy bay chiến đấu của Mỹ bị bắn rơi và hư hỏng nặng. Các máy bay tiêm kích hộ tống không thể ngăn cản được những chiếc MiG-15 Liên Xô để tránh khỏi thảm họa này.
Sự kiện trên diễn ra trong khoảng thời gian từ 9 đến 10 giờ sáng ngày 12/4, các ra đa của Liên Xô đã phát hiện số lượng lớn máy bay đang hướng đến khu vực thành phố Singhisu của Triều Tiên, nhằm phá hủy cây cầu đường sắt duy nhất bắc qua sông Áp Lục.
Tổng cộng có 48 máy bay ném bom chiến lược B-29A Superfortress của Mỹ tham gia cuộc tập kích, mang theo bom Tarzon điều khiển bằng sóng vô tuyến, dưới sự bảo vệ của 18 tiêm kích phản lực F-86 Sabre, 34 chiếc F-84 Thunderjet và 24 máy bay F-80C Shooting Star.
Đã có 6 máy bay ném bom phải quay về giữa đường do trục trặc kỹ thuật. Có thể nói rằng các phi công của những chiếc máy bay ném bom này đã gặp may, vì những phi công ném bom của phi đội đang hướng đến sông Áp Lục sắp phải đối mặt với một thảm họa.
Chỉ huy sư đoàn không quân của Liên Xô ở Triều Tiên, Đại tá Ivan Kozhedub đã cho xuất kích tất cả 44 máy bay đánh chặn MiG-15 tham chiến. Trận không chiến diễn ra ở độ cao 7.000 - 8.000 mét trong 20 phút.
Các máy bay MiG-15 bay từng cặp, lao đến từ mọi hướng tấn công mãnh liệt vào các tốp B-29 và không hề để ý đến các tốp máy bay hộ tống của Mỹ. Những chiếc B-29 bay ngoài bìa đội hình là những nạn nhân đầu tiên bị bắn rơi trong trận chiến không chiến này.
Các phi công Liên Xô đã tận dụng lợi thế về hỏa lực một cách khôn ngoan. Máy bay chiến đấu MiG-15 được trang bị pháo 37mm và 23mm, trong khi máy bay Mỹ chỉ được trang bị súng máy 12,7mm và pháo 20mm.
Ngoài ra, các xạ thủ súng máy trên máy bay ném bom B-29 cũng không thể khai hỏa hiệu quả và ngắm bắn trúng các chiến đấu cơ MiG-15 đang bay với tốc độ 150-160 mét/giây.
Một điều không may nữa là các máy bay chiến đấu F-86 hộ tống của Mỹ đã không thể tham gia hỗ trợ, vì chúng không thể tiến vào khu vực sát biên giới Trung Quốc vì lý do ngoại giao và những máy bay này đã “bỏ rơi” những chiếc máy bay ném bom làm bia bắn cho các phi công Liên Xô.
Số lượng phi công Mỹ nhảy dù ra ngoài nhiều đến nỗi, theo như mô tả của Anh hùng Liên Xô Sergei Kramarenko nhớ lại, trận không chiến này có vẻ như là một cuộc tấn công đổ bộ đường không của quân đội Mỹ, với khoảng 100 phi công Mỹ nhảy dù thoát nạn và đã bị bắt.
Trong trận chiến này, chiếc máy bay MiG-15 của đại úy Yakovlev thuộc Phi đội 196 đã bị bắn rơi. Chiếc máy bay đã bị tiêm kích F-84 bắn vỡ kính buồng lái và làm hỏng động cơ máy bay, khiến Yakovlev phải hạ cánh máy bay bên ngoài sân bay.
Chiếc máy bay bị hư hỏng nghiêm trọng, bản thân Yakovlev bị thương do những mảnh vỡ của lồng buồng lái bị vỡ găm trên cơ thể và mặt. Sau một thời gian ngắn điều trị tại sân bay, cơ trưởng Yakovlev đã phải lên đường trở về Liên Xô để được chăm sóc tốt hơn và đây cũng là thiệt hại lớn nhất của Liên Xô trong trận chiến này.
Tuy nhiên, một tốp máy bay ném bom B-29 của Mỹ đã vượt qua được hỏa lực từ những chiếc máy bay MiG-15 và hoàn thành nhiệm vụ với một quả bom dẫn đường trúng mục tiêu, làm hư hỏng cây cầu và khiến nó phải ngừng hoạt động trong nhiều ngày. Sau trận chiến này, các cuộc đột kích của B-29 đã phải dừng lại trong ba tháng. Nguồn ảnh: Warhistory.
Những thước phim hiếm về cuộc chiến tranh Triều Tiên. Nguồn: TheArchive.
Thái Hòa