74 xã ở Thanh Hóa ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn: Học sinh, giáo viên lại gặp khó
Không được hưởng một số chế độ hỗ trợ của Nhà nước sau khi địa phương ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn, nhiều giáo viên, học sinh ở Thanh Hóa gặp khó.
Sau khi Quyết định 861/QĐ-TTg của Chính phủ được ban hành, tỉnh Thanh Hóa có 74 xã ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK). Theo đó, một số chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho giáo viên (GV) và học sinh (HS) ở 74 xã này không còn nữa.
Cụ thể, HS không được hỗ trợ hằng tháng (không quá 9 tháng) các chế độ, gồm: tiền ăn (bằng 40% mức lương cơ sở); tiền nhà ở (bằng 10% mức lương cơ sở); gạo (15kg/HS, theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ).
Những GV đứng lớp ở các xã đã ra khỏi vùng ĐBKK cũng không được hưởng phụ cấp thu hút bằng 70% mức lương hiện hưởng; phụ cấp chức vụ lãnh đạo; phụ cấp thâm niên vượt khung áp dụng đối với thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội ĐBKK không quá 5 năm; khoản trợ cấp lần đầu… theo Nghị định 76/2019/NĐ-CP ngày 8/10/2019 của Chính phủ.
Một số chính sách hỗ trợ GV, HS bị cắt, trong khi điều kiện kinh tế - xã hội của các xã này vẫn chưa có nhiều thay đổi, khiến nguy cơ HS bỏ học, nghỉ học cao; đời sống một số GV, đặc biệt là những người có tuổi nghề thấp gặp không ít khó khăn; khó thu hút GV đến công tác ở các xã này.
Ông Lương Minh Thắng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú-THCS Trung Thượng, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa), cho biết, trước khi có khu nuôi ăn bán trú, nhiều HS các bản đi học xa nên hay bỏ học. Sau khi có nuôi ăn bán trú các em ra ăn ở tại trường, chất lượng giáo dục đi lên, chấm dứt tình trạng bỏ học.
Tuy nhiên, sau khi có quyết định xã ra khỏi vùng ĐBKK, một số chế độ hỗ trợ bị cắt, thì số lượng HS theo học tại trường giảm 70 em, số HS ở bán trú giảm còn 2/3. Hiện nhà trường còn 20 em HS ăn bán trú, lãng phí cơ sở vật chất đã được đầu tư trước đó.
Toàn huyện Quan Sơn có 40 trường các cấp, trong đó có 10 trường phổ thông nuôi ăn bán trú HS cấp 1 và cấp 2, trong đó có 3 trường bán trú không còn HS và bỏ hoang công trình nuôi ăn bán trú, 5 trường giảm gần 2/3 số HS, phải bỏ không một phần công trình nuôi ăn bán trú.
Ông Trần Văn Thức, Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa, cho biết, để tháo gỡ khó khăn cho GV và HS ở 74 xã này, Sở đã phối hợp với Ban Dân tộc tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh Thanh Hóa ban hành “Cơ chế, chính sách hỗ trợ các xã ĐBKK vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (giai đoạn 2016-2020) nhưng không thuộc diện ĐBKK (giai đoạn 2021-2025), phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững”. Trong đó, có chế độ hỗ trợ cho GV và HS của 74 xã được điều chỉnh bởi Quyết định 861/QĐ-TTg.
Ngày 13/4/2023, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 378/QĐ-TTg, ban hành “Kế hoạch triển khai thực hiện các kiến nghị giám sát của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội về việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016-2021”. Thủ tướng Chính phủ đang giao Ủy ban Dân tộc, các bộ, ngành liên quan xây dựng các chính sách hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc và miền núi.
“UBND tỉnh Thanh Hóa đã thống nhất, đề xuất với Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, chưa ban hành chính sách hỗ trợ 74 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững. Khi có quy định, hướng dẫn của Trung ương, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện theo quy định”, ông Thức cho biết.
Liên quan vấn đề này, tại Kỳ họp HĐND tỉnh Thanh Hóa lần thứ 14, khóa XVIII vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng đề nghị UBND tỉnh khẩn trương phối hợp với Ủy ban Dân tộc xây dựng đề án hỗ trợ giáo dục học tập theo vòng đời cho HS dân tộc thiểu số tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Phối hợp với Bộ GD&ĐT xây dựng Nghị định quy định chính sách cho HS, học viên ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo và cơ sở giáo dục có HS hưởng chính sách (thay thế Nghị định số 116 ngày 18/7/2016 của Chính phủ)...
Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ nhằm hoạch định, tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao đời sống, bảo đảm an sinh xã hội cho địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi, khu vực khó khăn, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền...