75 năm Chiến thắng phát xít - Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại
Nước Nga trong suốt chiều dài lịch sử đã rất nhiều lần buộc phải đứng lên bảo vệ nền độc lập của mình. Những chiến binh của Nga đã phục vụ Tổ quốc bằng niềm tin và chân lý chính nghĩa; họ không tiếc máu xương bảo vệ mảnh đất ruột thịt của mình. Cứ bao nhiêu lần quân thù tấn công đất nước Nga thì đúng bấy nhiêu lần chúng bị đánh bại.
Trong lịch sử nước Nga có không ít những chiến công oai hùng, nhưng chiến thắng trong Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại (1941-1945) có một vị trí đặc biệt. Kỷ niệm ngày lễ thiêng liêng này, chúng ta lại càng thấu hiểu thêm sự vĩ đại của chiến thắng trước Chủ nghĩa phát xít. Chúng ta tự hào vì chính cha ông chúng ta đã vượt qua, đánh tan và tiêu diệt lực lượng đen tối này.
Liên Xô là nước đã nhận vào mình những cú đánh khốc liệt nhất của kẻ thù. Mặt trận phía Đông thu hút những quân đoàn phát xít tinh nhuệ nhất, là nơi tập trung toàn bộ sức mạnh quân sự của chúng. Tại mặt trận phía Đông đã diễn ra những trận đánh lớn nhất về số lượng binh lính và phương tiện kỹ thuật, những trận đánh quyết định số phận của Cuộc chiến tranh thế giới lần thứ II (1939-1945). Và như một quy luật tất yếu, chính Hồng quân Liên Xô với cuộc tấn công Berlin cuối cùng đã đặt dấu chiến thắng trong cuộc chiến với Hít-le. Ngày Chiến thắng 9-5 là ngày lễ chung của chúng ta, bởi lẽ Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại là trận đánh vì tương lai của toàn thể nhân loại.
Vì tự do cho mảnh đất ruột thịt của mình, toàn thể nhân dân nhiều dân tộc Xô Viết đã đứng lên đấu tranh. Cha ông của chúng tôi đã phải gánh chịu những nỗi đau, những mất mát, những tổn thất cực kỳ khủng khiếp. Họ đã làm việc cùng kiệt đến tận cùng giới hạn sức chịu đựng của con người. Họ đã chiến đấu không tiếc thân mình, đã nêu tấm gương hào kiệt và lòng yêu nước chân chính.
Xin được nghiêng mình trước tất cả những người đã chiến đấu đến cùng để bảo vệ mỗi con phố, ngôi nhà, mỗi tấc đất của Tổ quốc, những chiến sĩ đã hy sinh trong những trận đánh thảm khốc trước Moskva và Stalingrad, tại vòng cung Kursk và Dnepr, những ai đã chết vì đói khổ, lạnh giá tại một Leningrad không chịu khuất phục và cả những ai phải chịu khổ nhục trong các trại tập trung, trại tù binh hoặc nơi bị chiếm đóng. Xin được cúi đầu trước anh linh của tất cả những người đã không còn trở về từ cuộc chiến, những người đã không còn ở lại với chúng ta.
Hành động phát xít phiêu lưu đã trở thành bài học cho toàn thể cộng đồng thế giới. Lúc đó vào những năm 30 của thế kỷ trước, một châu Âu khai sáng đã không nhận ra ngay hiểm họa chết chóc của hệ tư tưởng của Chủ nghĩa phát xít.
Và giờ đây, đã 75 năm trôi qua, lịch sử lại kêu gọi chúng ta tỉnh táo và cảnh giác. Chúng ta không được quên rằng, tư tưởng chủng tộc thượng đẳng và duy nhất đã dẫn tới chiến tranh đẫm máu, lôi kéo gần 80% dân số thế giới, rất nhiều nước châu Âu bị chiếm đóng. Rất tiếc là ngày nay, chúng ta đang chứng kiến một số quốc gia đang cố tình bóp méo các sự kiện của Chiến tranh thế giới lần thứ II, họ đang cổ xúy những kẻ phục vụ bọn phát xít thành những hình mẫu được ngưỡng mộ. Đó là sự dối trá trơ trẽn, là sự chà đạp lên lịch sử và là mưu toan đổi trắng thay đen mà thực chất là hình thái mới của sự hiếu chiến, là âm mưu thô bạo nhằm lên án nước Nga về những hành động và ý tưởng chưa bao giờ có.
Những bài học của cuộc chiến tranh đã qua vẫn còn nguyên giá trị. Trong thời đại chúng ta, một số người ngày càng trở nên coi thường các nguyên tắc cơ bản tạo nên mối quan hệ quốc tế, những nguyên tắc được loài người chịu muôn ngàn đau khổ từ những thử thách toàn cầu của chiến tranh xây dựng nên. Chúng ta đã nhìn thấy những mưu toan thiết lập một thế giới đơn cực. Chúng ta đang chứng kiến ý tưởng về một khối sức mạnh đang diễn biến như thế nào. Tất cả những điều đó đang làm tổn hại đến sự phát triển bền vững của thế giới.
Và nhiệm vụ chung của chúng ta là phải thiết lập một hệ thống an ninh công bằng cho tất cả các quốc gia, một hệ thống phù hợp với các đe dọa của thời đại được xây dựng trên cơ sở khu vực và toàn cầu. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể đảm bảo được hòa bình và ổn định trên hành tinh chúng ta. Chúng ta nhận lãnh trách nhiệm đạo đức trước những người đã hiến cả đời mình để đánh tan bè lũ phát xít, và trước các thế hệ mới, những người chỉ biết về chiến tranh từ phim ảnh, sách vở và Internet. Như Tổng thống Nga V.V. Putin đã nhiều lần nhận xét: “Chúng ta sẽ không cho phép bất kỳ ai gạch bỏ trang sử anh hùng này của lịch sử, chúng ta sẽ bóc trần bất cứ mưu toan nào nhằm bôi nhọ lịch sử”.
Lịch sử Việt Nam rất giống với lịch sử nước Nga. Nhân dân Việt Nam anh hùng đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt chống lại giặc ngoại xâm. Trong các cuộc chiến tranh này, nhờ sự đoàn kết toàn dân và quân đội, Việt Nam đã bảo vệ nền tự do và độc lập của mình.
Có một điều rõ ràng là, vũ khí và các cố vấn quân sự Liên Xô đã có đóng góp rất lớn vào những chiến thắng của nhân dân Việt Nam trong thế kỷ 20. Và chúng tôi cũng sẽ không bao giờ quên mùa đông năm 1941, có 5 chiến sĩ tình nguyện quốc tế Việt Nam đã ngã xuống để bảo vệ Moskva.
Nga và Việt Nam đều thấu hiểu hòa bình, ổn định để phát triển và thịnh vượng bền vững quan trọng đến nhường nào. Chính sự thấu hiểu đó đã kết chặt hai đất nước và hai dân tộc chúng ta. Mối quan hệ Nga - Việt Nam dựa trên nền tảng truyền thống hữu nghị lâu đời, sự hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau đang được tiếp tục củng cố trên tất cả các hướng.
Việt Nam có câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn”. Tôi cho rằng, đây là câu tục ngữ sâu sắc, căn dặn các thế hệ hôm nay và ngày mai của hai nước chúng ta nhất định phải ghi nhớ lịch sử và nguồn cội. Đó chính là sự đảm bảo của sự kế thừa nhất quán và tính bền vững cho sự phát triển của mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước chúng ta.
A.V. Popov, Tổng Lãnh sự Liên bang Nga tại TPHCM