75 năm, Đảng bộ tỉnh Hà Giang vượt khó dựng xây miền 'đá nở hoa' - Bài 1: Đảng bộ tỉnh ra đời, bước ngoặt lịch sử trên mảnh đất địa đầu Tổ quốc
Năm 1930, sự kiện Đảng cộng sản Việt Nam ra đời là bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam, khởi đầu cho những cao trào cách mạng, tiến tới cách mạng tháng Tám – 1945, lật đổ ách thống trị của thực dân, phong kiến. Khác với đa phần các địa phương trong cả nước, cách mạng tháng Tám ở Hà Giang có đặc thù riêng. Là tỉnh có đường biên giới dài, do sự can thiệp của bọn Quốc dân đảng và những yếu tố lịch sử của vùng đất Hà Giang, đến những ngày cuối năm 1945, toàn tỉnh mới có gần 90% địa bàn được giải phóng.
Phải đến ngày 25.12.1945, Xứ ủy Bắc kỳ có quyết định thành lập Đảng bộ tỉnh Hà Giang, BCH Đảng bộ gồm 5 đồng chí, do Xứ ủy Bắc kỳ phân công từ nơi khác đến. Đồng chí Hồng Quân được chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy lâm thời. Như vậy, ngày 25.12.1945 trở thành ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Hà Giang. Trong suốt hành trình gần 130 năm xây dựng, phát triển của tỉnh, sự kiện thành lập Đảng bộ tỉnh là bước ngoặt lịch sử quan trọng nhất của mảnh đất địa đầu Tổ quốc. Từ đây, bắt đầu hành trình Đảng bộ cùng đồng bào các dân tộc Hà Giang vượt lên khó khăn trong công cuộc đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đạt được những thành tựu vẻ vang.
Nhìn lại thời điểm trước năm 1945, mảnh đất Hà Giang dù xa xôi, nhưng đã trở thành địa bàn cách mạng quan trọng, là vùng hoạt động của Việt Minh, tiêu biểu như địa bàn Bắc Quang, Bắc Mê, Hoàng Su Phì… Tại các xã Bằng Hành, Liên Hiệp, Vô Điếm, Hữu Sản, Kim Ngọc, dưới sự ảnh hưởng của Việt Minh, đồng bào các địa phương đã đoàn kết, họp lại, bầu ra Ủy ban Hành chính và thành lập đội tự vệ, các xã hợp thành Tiểu khu mang tên Trọng Con. Từ địa bàn hoạt động quan trọng này, góp phần giúp Việt Minh củng cố lực lượng thực hiện cuộc cách mạng tháng Tám giành chính quyền trong cả nước.
Tuy nhiên, một đặc điểm dễ nhận thấy là trước thời điểm cách mạng tháng Tám, ở Hà Giang vẫn chưa xây dựng được tổ chức Đảng của địa phương. Đồng chí Nguyễn Văn Lạng, nguyên Trưởng Phòng Giáo dục lí luận chính trị và lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, người có đóng góp quan trọng trong việc nghiên cứu lịch sử Đảng bộ tỉnh cho biết, khác với nhiều Đảng bộ tỉnh, thành trong cả nước được hình thành từ sự phát triển của chi bộ tiền thân đã được gây dựng từ trước đó. Còn với Hà Giang, sau ngày 25.12.1945, khi Đảng bộ đã được Xứ ủy Bắc kỳ thành lập, mới thành lập chi bộ đầu tiên của Đảng bộ lấy tên là Chi bộ Cơ quan, công sở. Chính đặc thù này là một sự khó khăn, thách thức đối với Đảng bộ trong những ngày đầu xây dựng, mở rộng tổ chức cơ sở ở một địa bàn rộng, miền núi, biên giới, đa dân tộc... Mặc dù vậy, sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Hà Giang thực sự là bước ngoặt lịch sử và hành trình vượt qua gian khó ban đầu cho đến thành quả phát triển hôm nay cho thấy, Đảng bộ tỉnh thực sự xứng đáng với vai trò lãnh đạo cách mạng ở địa phương.
Sau ngày 25.12.1945, dù đã xây dựng được Đảng bộ, chính quyền cấp tỉnh, nhưng những ngày đầu thành lập, Đảng bộ tỉnh phải đối mặt với rất nhiều thử thách nhằm thiết lập hệ thống chính quyền cách mạng và giành quyền tự do, làm chủ cho nhân dân trong tỉnh. Thực hiện lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, cùng với cả nước, Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã tập trung giải quyết vấn đề “diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm”. So với cả nước, câu chuyện diệt “3 thứ giặc” ở Hà Giang còn gặp khó khăn hơn nhiều. Trong điều kiện còn một số địa bàn trong tỉnh chưa được giải phóng hết, vấn đề đoàn kết dân tộc, đặc trưng lịch sử các mối quan hệ sản xuất và nhiều tàn dư chế độ cũ để lại, sự ngóc đầu của bọn phản động, tay sai khiến Đảng bộ, chính quyền non trẻ của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn.
Một bước ngoặt trong quá trình phát triển ban đầu của Đảng bộ tỉnh Hà Giang, đến tháng 4.1946, với nỗ lực gây dựng tổ chức cơ sở, những đảng viên đầu tiên là người địa phương mới được kết nạp Đảng để từng bước mở rộng tổ chức cơ sở tại thị xã Hà Giang và các huyện Vị Xuyên, Bắc Quang. Cùng với sự tăng cường lực lượng của Trung ương, đến cuối năm 1946 Đảng bộ khi đó mới phát triển số lượng đảng viên lên con số 49 đồng chí, với 2 chi bộ và 1 tổ Đảng trực thuộc. Đến năm 1947, các chi bộ cơ quan huyện Bắc Quang và Hoàng Su Phì lần lượt được thành lập. Cuối năm 1947, toàn Đảng bộ đã có 11 chi bộ trực thuộc với 155 đảng viên. Và cho đến tháng 4.1950, khi Đảng bộ tiến hành Đại hội lần đầu tiên, toàn Đảng bộ đã có 76 chi bộ trực thuộc với 1.355 đảng viên. Các tổ chức cơ sở Đảng dần được phát triển hướng về các xã từ vùng thấp đến vùng cao, cùng với đó là vai trò tiên phong trong “diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm” của những lớp đảng viên được Đảng bộ phát triển.
Có thể khẳng định, sự ra đời của Đảng bộ tỉnh đã tạo nên bước ngoặt cho sự phát triển của tỉnh Hà Giang. Giai đoạn đầu thành lập, dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Bắc kỳ và T.Ư Đảng, Đảng bộ tỉnh đã từng bước lãnh đạo nhân dân các dân tộc đấu tranh, dần xóa đi những tàn tích của chế độ cũ, xóa bỏ sự cai trị của cường hào, thổ ty và bè lũ tay sai, đồng thời thiết lập hệ thống chính quyền cách mạng của nhân dân. Thành tựu quan trọng giai đoạn đầu thành lập là vai trò củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, hóa giải nhiều âm mưu ngóc dậy chống phá của bè lũ tàn tích từ chế độ cũ. Qua đó, Đảng bộ trở thành trung tâm đoàn kết, huy động sức mạnh nhân dân các dân tộc tham gia vào phong trào đấu tranh cách mạng của tỉnh. Trong đó, đặc biệt là nỗ lực xây dựng, phát triển hệ thống tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền ở địa phương, xây dựng mối quan hệ sản xuất mới, đời sống mới để giúp Hà Giang hòa nhập với sự phát triển của cả nước, cùng cả nước đấu tranh, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi cuối cùng.
Sự ra đời của Đảng bộ bắt đầu cho hành trình cách mạng vượt lên đói nghèo, chinh phục thiên nhiên, xây dựng đời sống mới theo con đường XHCN mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, để tạo nên những đột phá đi đến những “mùa đá nở hoa” trên miền địa đầu Tổ quốc.
(Còn nữa)
Nhóm PVĐT
Bài 2: Những dấu ấn của Đảng bộ trong hành trình vượt lên gian khó