75 năm ngày Độc lập: Cha con ông Lê Văn Trương
Những năm cuối bảy mươi đầu 80 ấy, theo chân các anh Mai Nam, Mai Cát, anh Tất Vinh… tôi được quen và chơi với anh Mạc Lân nguyên trưởng ban Văn Nghệ, Ban Bạn đọc Báo Tiền Phong. Thời điểm đó anh đã nghỉ hưu.
Mạc Lân là con trai nhà văn Lê Văn Trương. Sử sách nước nhà đã có nhiều dòng về nhà văn từng viết và xuất bản như điên gần hai trăm cuốn sách!
Chuyện của người con cả Mạc Lân đưa tôi về cái xứ Monkolboray, thuộc tỉnh Lovea, Cămpuchia nơi bố anh làm chủ sự nhà dây thép và cũng là nơi ông sinh ra. Tám tuổi anh theo cha, nhà văn Lê Văn Trương về Sài Gòn rồi sau đó ra Bắc.
Ấy là ông anh Mạc Lân đương nhấn nhá kể tình bạn của bố với những bạn văn Vũ Hoàng Chương, Lan Khai, Vũ Bằng, Nguyễn Triệu Luật, Đinh Hùng...
Lê Văn Trương có hẳn một trang trại ở Láng bao ăn bao ở cho rất nhiều bạn văn.
…Tấm phản gụ vốn đã loáng đã bóng lắm nhưng vẫn được cậu con trai cả Lê Văn Lân phẩy qua một lần phất trần để các hạ hạ lưng. Ngọn đèn dầu lạc cũng được cậu hạ bớt tim bấc cho bớt bốc nhưng đượm. Coóng thuốc phiện mới nhất cũng đã được đích thân con trai trưởng Lê Văn Trương mua về.
Chừng mươi điếu khai vị thì mâm cơm khá tươm do một con sen theo hiệu lệnh của bà chủ nhà đã nghênh lên bên sập. Ông khách Vũ Hoàng Chương đang rề rà đã cắt nghĩa cho con trai người bạn vong niên của mình cách thẩm văn chương mà ở trường cố Puginier cậu không được học...
Trưa cùng buổi tối êm đềm cứ thế trôi như những làn khói thuốc lững lờ ngào ngạt tuôn qua cửa sổ.
Lê Văn Trương, một cái máy nói một cái máy viết, một tay phong lưu hào hiệp, áo quần bảnh bao, ăn tiêu rộng rãi (Hồi ký thi sĩ Nguyễn Vỹ bạn Lê Văn Trương).
Còn trong văn chương, Lê Văn Trương như con cá kình trên sông lớn, muốn in gì thì in, muốn viết thế nào thì viết, tha hồ lui tới (nhận xét của Vương Trí Nhàn)
Lê Văn Lân trở thành Lê Mạc Lân là cả một việc liệt oanh! Tháng 4/1945, Lê Văn Lân được bí mật giác ngộ và tham gia Thanh niên cứu quốc.
Còn ông bố thì đã ngả về Việt Minh từ lâu. Được sự gợi ý, hướng dẫn của ông Trần Huy Liệu và ông Trần Văn Giàu, Lê Văn Trương ra tờ báo Việt Nam hồn, giương cao ngọn cờ yêu nước, căm thù giặc ngoại xâm rất đông bạn đọc.
Lê Mạc Lân xung vào đoàn quân Nam tiến đầu tiên ngày 10/9/1945 (Kỷ niệm chương Giải phóng quân Nam tiến- Chứng nhận số 225/KN ngày 23/9/2002 Nguyễn Quyết ký) Đơn vị Nam tiến của Lê Văn Lân dự các trận ác liệt ở miền Trung và Cực nam Trung bộ.
Ra Bắc, đơn vị Lê Văn Lân nhập vào đơn vị cảm tử Liên khu II, dự trận quyết tử trong lòng thành Hà Nội. Đánh Ô Cầu Dền, Phố Huế, Thanh Lương, trại Vệ quốc đoàn Trung ương…
Trung đội trưởng trung đội quyết tử Hoàng Đình Mạc người mà Lân thân quí lâu nay coi như thần tượng trong trận quyết tử ở Quỳnh Lôi, Hoàng Đình Mạc đã anh dũng hy sinh cùng 2 người em trai (tên của họ là ba trong bốn thứ “văn phòng tứ bảo’’ Bút, Nghiên, Mặc). Trận ấy Lê Văn Lân thoát chết... Trước khi về với bộ đội của Liên khu III, Lê Văn Lân đã có tên đệm mới Lê Mạc Lân để kỷ niệm noi gương người bạn yêu quí Hoàng Đình Mạc!
Lại đang nói cái đoạn người hùng Lê Văn Trương vứt tất tần tật sự nghiệp lẫn thuốc phiện để đi với cách mạng. Lê Văn Trương từng tham gia các chiến dịch ở Nam Định (1951), và ở Hòa Bình (tháng 12/1951 - tháng 1/1952) và đã tường thuật lại trong cuốn tiểu thuyết “Tôi là quân nhân”, nhưng bị phê phán tơi bời là đề cao “chủ nghĩa anh hùng cá nhân”.
Máu phiêu lưu và tính khí ngang tàng đã khiến nhà văn Lê Văn Trương đảm nhận một công việc độc đáo tại Mặt trận liên khu III: Chủ tịch đào đãi vàng Bắc bộ! Và cũng chẳng lâu la gì ông đã thất bại trong việc tìm đãi vàng và cũng thôi luôn cái chức ấy! Ông được bố trí sang công tác tại tiểu ban văn nghệ thuộc Phòng chính trị liên khu III cùng với nhà thơ Lê Đại Thanh và Đoàn Văn Cừ.
Còn ông con Lê Mạc Lân lúc này đã là đảng viên được thăng cấp cán bộ đại đội kiêm phái viên kiểm tra thuộc phòng chính trị Bộ tư lệnh quân khu II. Ông Văn Phác cử Mạc Lân đi làm báo Vệ quốc quân quân khu II rồi chuyển về làm báo Quân Bạch Đằng của Quân khu III.
Một hôm, hai cha con Lê Văn Trương được nhắn phải về gấp nơi gia đình tản cư ở mạn Mỹ Đức gần chùa Hương. Khi họ về đến nơi thì đã muộn. Người vợ yêu quý của Lê Văn Trương đã trút hơi thở cuối cùng …
Vợ nhà văn được chôn cất tử tế. Sau cái chết của vợ, nhà văn Lê Văn Trương càng thêm buồn nản u uất... Người vợ kế, trước đó đã lẳng lặng vào thành không tin tức. Nay lại thêm cái chết của người vợ cả từ thuở tao khang. Nhiều đêm lưu lại nơi làm việc của người cha ở Phòng Văn nghệ Liên khu III, Mạc Lân thấy ông thức trắng. Thấy cha buồn nản mãi và sa sút tinh thần quá, Mạc Lân cố động viên nhưng không ăn thua. Rồi ông gợi ý với con để mình vào thành? Lân đành đồng ý. Mạc Lân “tháp tùng’’ cha đến tận địa điểm ráp ranh giữa vùng tề và tự do... Cha đi thoát và Mạc Lân quay trở về đơn vị.
Rồi sau đó là liên miên những ngày chiến dịch Quang Trung Đường số 6, Hà Nam Ninh... Và những ngày vào vùng địch hậu. Rồi chiến dịch Điện Biên Phủ, Mạc Lân lăn lội với bộ đội dân công... Sau chiến thắng Điện Biên Phủ ít lâu là thời điểm cuốn Bảo vệ đuờng lên mặt trận (được giải cùng đợt với Hồ Phương) của Mạc Lân ra mắt bạn đọc.
Cha bỏ kháng chiến vào thành rồi lại đi Nam. Nội chi tiết ấy đủ để đen ngòm và trĩu một sức nặng khủng khiếp trong lý lịch! Nhưng may mắn năm 1954, Mạc Lân khoác ba lô cùng về báo Tiền Phong một đợt với Tất Vinh, Vũ Lê.
… Lịch sử tờ Tiền Phong 70 năm sắp tới hẳn ghi công những đóng của phóng viên Lê Mạc Lân từng nhiều năm phụ trách hai ban Văn nghệ và Bạn đọc. Và thành tích đương đêm đạp xe từ Hà Nội vào Trại phong Quỳnh Lập ở Nghệ An thực hiện phóng sự tố cáo tội ác dã man của Giôn Xơn ném bom tàn sát những người bệnh phong. Phóng sự của Mạc Lân trên Tiền Phong đã đánh động dư luận quốc tế khi ấy! Nhưng có lẽ vẫn khuất lấp một thời gian khó phóng viên Mạc Lân bị nghi oan bị tố oan dính đến nhân văn giai phẩm. Mạc Lân phải đi bán máu, đi viết thuê để kiếm sống!
Anh Mạc Lân đã rời cõi tạm này lâu rồi. Những ngày tháng Tám này nhớ anh nhiều lắm, anh Mạc Lân ơi… Bởi khi còn sống bao lần chạy vạy trầy trật, anh vẫn chưa được chứng nhận là cán bộ hoạt động trước năm 1945!