75 năm quan hệ Việt Nam – Trung Quốc: Thời điểm thuận lợi để bước vào giai đoạn phát triển ở tầm cao mới

Ngày 18-1-1950, Việt Nam và Trung Quốc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra chương mới trong mối quan hệ lâu đời giữa hai nước. Trải qua 75 năm, quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt - Trung không ngừng phát triển, mở rộng, đi vào chiều sâu và thực chất trên tất cả các lĩnh vực và hiện đang ở thời điểm thuận lợi để bước vào giai đoạn phát triển mới ở tầm cao hơn.

Tin cậy chiến lược không ngừng được củng cố và tăng cường

Năm 2008, hai nước thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, trên cơ sở phương châm “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “bốn tốt”: "Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”, các cuộc tiếp xúc cấp cao được coi trọng, duy trì thường xuyên, giữ vài trò định hướng, dẫn dắt quan hệ song phương. Điều này không chỉ thể hiện ở tần suất, tầm mức các chuyến thăm trên các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội (Nhân đại) và Mặt trận Tổ quốc (Chính hiệp) hai nước, mà còn ở thời điểm các chuyến thăm. Kể từ năm 1991 đến nay, Tổng Bí thư hai Đảng đã thực hiện 19 chuyến thăm lẫn nhau. Lãnh đạo hai nước cũng thường xuyên có những chuyến thăm sau mỗi kỳ Đại hội Đảng. Ngoài các chuyến thăm chính thức, các cơ chế, hình thức tiếp xúc cũng được tiến hành phong phú, linh hoạt, cả trong những điều kiện đặc biệt, như cử đặc phái viên, gặp gỡ đại diện hai Bộ Chính trị, trao đổi qua đường dây nóng, thư điện, các diễn đàn đa phương…

Qua đó, tin cậy chiến lược giữa hai nước không ngừng được củng cố và tăng cường. Hai bên luôn đề cao định vị của mỗi bên về nhau, khẳng định coi nước kia là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của nước mình. Việt Nam coi phát triển quan hệ với Trung Quốc là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu, Trung Quốc coi Việt Nam là phương hướng ưu tiên của chính sách ngoại giao láng giềng. Đồng thời thể hiện sự ủng hộ lẫn nhau, chia sẻ quan điểm về các vấn đề cùng quan tâm của tình hình thế giới, khu vực; đề ra phương hướng, nội dung trọng tâm cần thúc đẩy để nâng cao hiệu quả hợp tác, giải quyết vướng mắc trên các lĩnh vực.

 Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc, ngày 19-8-2024, tại Đại lễ đường Nhân dân, thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng chứng kiến lễ ký các văn kiện hợp tác giữa hai nước.

Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc, ngày 19-8-2024, tại Đại lễ đường Nhân dân, thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng chứng kiến lễ ký các văn kiện hợp tác giữa hai nước.

Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư không ngừng được mở rộng

Từ năm 2008 đến nay, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam – Trung Quốc ngày càng được mở rộng, thực chất và có nhiều khởi sắc.

Trung Quốc duy trì là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác lớn thứ 4 của Trung Quốc trên thế giới. Theo Tổng cục Hải quan, năm 2024, sau khi hai nước nâng tầm quan hệ, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt hơn 205 tỷ USD, đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam thiết lập được quy mô thương mại ở mức kỷ lục với thị trường Trung Quốc, đưa kim ngạch thương mại song phương tăng hơn 6.400 lần (từ mức 32 triệu USD lên 200 tỷ USD) trong hơn 3 thập kỷ tính từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1991. Trong quan hệ thương mại, vấn đề giảm tình trạng nhập siêu của Việt Nam và ổn định xuất khẩu nông sản của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc đã từng bước được giải quyết. Trung Quốc đã tích cực mở cửa cho hàng nông sản của Việt Nam thâm nhập sâu vào thị trường nước này. Năm 2022, hai nước đã lần lượt ký kết Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch đối với các mặt hàng sầu riêng, khoai lang, tổ yến sang Trung Quốc.

Hiện hai nước đang thúc đẩy “kết nối cứng” về đường sắt, đường bộ cao tốc, kết cấu hạ tầng cửa khẩu; “kết nối mềm” về hải quan thông minh, cửa khẩu thông minh, nhằm tạo thuận lợi và nâng cao hơn nữa giao lưu thương mại giữa hai bên. Phát biểu tại buổi chiêu đãi kỷ niệm 75 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, ngày 17-1, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hà Vĩ cho biết, kết nối cơ sở hạ tầng hai nước có nhiều điểm sáng, khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới và cửa khẩu thông minh được triển khai nhịp nhàng, dự án ba tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn ở miền Bắc Việt Nam đang được thúc đẩy nhanh chóng, hợp tác trong các lĩnh vực mới nổi như kinh tế số, chuyển đổi năng lượng… ngày càng phát triển, hợp tác thực chất được tăng cường với trình độ công nghệ và chất lượng cao.

Theo Bộ Công Thương, thương mại song phương 2 nước còn nhiều dư địa tăng trưởng, dựa trên nhiều thỏa thuận hợp tác song phương, cũng như các hiệp định thương mại đa phương như: Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện toàn diện khu vực (RCEP). Theo đó, khi Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) được nâng cấp sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đầu tư, thương mại.

Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Việt Nam cũng tăng mạnh và liên tục cải thiện thứ hạng trong những năm qua. Đến nay, Trung Quốc đã vươn lên trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 3 tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký là 31,8 tỷ USD. Báo cáo tình hình thu hút đầu tư nước ngoài năm 2024 của Bộ Kế hoạch và đầu tư cho thấy, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới (chiếm 28,3%).

Bên cạnh đó, hợp tác trong các lĩnh vực giao lưu nhân dân, văn hóa, giáo dục, du lịch cũng đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Hiện có hơn 23.000 du học sinh Việt Nam đang sinh sống, học tập ở Trung Quốc. Khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam không ngừng gia tăng, chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2024 đã đạt trên 2,4 triệu lượt. Hợp tác địa phương cũng diễn ra sôi động, đã có gần 60 tỉnh/thành phố của Việt Nam thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với các địa phương Trung Quốc. Các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội hai bên đã thiết lập và tổ chức định kỳ nhiều cơ chế, chương trình giao lưu, hợp tác, như Diễn đàn nhân dân Việt Nam - Trung Quốc do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Hội hữu nghị đối ngoại nhân dân Trung Quốc phối hợp luân phiên tổ chức từ năm 2010; Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt Nam - Trung Quốc bắt đầu từ năm 2000… Các cơ chế, chương trình giao lưu hợp tác giữa địa phương hai nước được tổ chức thường xuyên, như Chương trình Gặp gỡ đầu xuân giữa Bí thư bốn tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang của Việt Nam với Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc và Ủy ban công tác liên hợp giữa bốn tỉnh này với Quảng Tây; Nhóm công tác liên hợp giữa các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Ðiện Biên và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc)...

Hợp tác quốc phòng, an ninh tiếp tục là trụ cột

Trên cơ sở quan hệ tốt đẹp giữa hai Đảng, hai nước, quan hệ quốc phòng Việt Nam - Trung Quốc luôn được xác định là một trong những trụ cột quan trọng, một trong những nội dung của “6 hơn” trong thúc đẩy quan hệ hai nước.

Hai nước đã hình thành nhiều cơ chế hợp tác liên quan đến quốc phòng - an ninh cả trên đất liền và trên biển. Các hoạt động như Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc (bắt đầu từ năm 2014, từ năm 2015 trở đi, giao lưu do Bộ trưởng Quốc phòng hai nước chủ trì), cơ chế phối hợp biên phòng ba cấp (Trung ương, quân khu, cấp tỉnh), đường dây nóng giữa lực lượng biên phòng hai bên, hợp tác giữa các quân, binh chủng, trên các lĩnh vực như giáo dục đào tạo, nghiên cứu chiến lược, trao đổi, nghiên cứu giữa các nhà trường, học viện quân sự, gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, quân y… không ngừng được mở rộng, ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, góp phần củng cố tin cậy chiến lược, hiện thực hóa nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước. Hai bên cũng tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tham vấn và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn, cơ chế hợp tác quốc phòng đa phương khu vực và quốc tế...

Trong bối cảnh phức tạp hiện nay, hai bên nhất trí tăng cường phối hợp chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác trong các vấn đề chống can thiệp, chống ly khai, phòng, chống “diễn biến hòa bình”, “cách mạng màu” của các thế lực thù địch, phản động.

Ngày 15-1-2025, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã điện đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Ngày 15-1-2025, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã điện đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Hai nước đã giải quyết 2 trong 3 vấn đề biên giới, lãnh thổ: Ký kết Hiệp định biên giới trên đất liền (1999), hoàn thành công tác phân giới cắm mốc trên đất liền (2008), Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ (2000). Đây là những bài học kinh nghiệm quý để hai nước giải quyết vấn đề trên biển. Hai bên đã thiết lập cơ chế đàm phán cấp chính phủ về biên giới lãnh thổ và 3 cơ chế đàm phán cấp chuyên viên về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, về hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển và hợp tác cùng phát triển trên biển. Đặc biệt, năm 2011 lãnh đạo hai nước đã ký kết “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc”, tạo tiền đề, niềm tin để hai bên tiếp tục đàm phán, tìm kiếm biện pháp từng bước giải quyết hòa bình vấn đề Biển Ðông trên cơ sở quan hệ hữu nghị, tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của nhau, phù hợp luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC) ký giữa Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc.

Trên cơ sở tài sản chung quý báu về tình hữu nghị giữa hai dân tộc do các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước dày công vun đắp trong suốt 75 năm qua, hiện nay là thời điểm thuận lợi để làm sâu sắc và thúc đẩy quan hệ hai nước bước vào giai đoạn phát triển mới ở tầm cao mới theo định hướng “6 hơn”. Trong cuộc điện đàm ngày 15-1 vừa qua, hai đồng chí Tổng Bí thư hai Đảng nhất trí tiếp tục tăng cường trao đổi chiến lược giữa hai Đảng, hai nước, nhất là giao lưu cấp cao; nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác trên kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội/ Nhân đại, Mặt trận Tổ quốc/ Chính hiệp; thúc đẩy hợp tác quốc phòng - an ninh tương xứng với vai trò là một trong những trụ cột quan trọng của quan hệ hai nước; tạo đột phá mới trong hợp tác kinh tế, ưu tiên đẩy nhanh kết nối 3 tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn giữa hai nước, mở rộng hợp tác thương mại, đầu tư và trong các lĩnh vực mới nổi.

NHỮNG DẤU MỐC TRONG QUAN HỆ ĐỐI TÁC HỢP TÁC CHIẾN LƯỢC TOÀN DIỆN VIỆT NAM – TRUNG QUỐC

18-1-1950: Thiết lập quan hệ ngoại giao

1999

Hai nước ký hiệp định biên giới trên đất liền;

Hai nước xác định phương châm 16 chữ thúc đẩy quan hệ trong thế kỷ XXI: “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”.

2000

Hai bên ký:

- Tuyên bố chung về hợp tác toàn diện trong thế kỷ mới;

- Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ.

2004

Ký nghị định thư hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ.

2005

Hai bên thỏa thuận đưa quan hệ song phương phát triển theo phương châm “Bốn tốt” : “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.

2008

- Hai nước thiết lập khuôn khổ quan hệ “Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” theo phương châm “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”;

- Tuyên bố chung về hoàn thành công tác phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc.

2009

Ký kết 3 văn kiện quan trọng về biên giới trên đất liền giữa hai nước, gồm:

- Nghị định thư phân giới cắm mốc;

- Hiệp định về quy chế quản lý biên giới;

- Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu.

2011

- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Trung Quốc (11-2011);

- Hai nước ký Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển.

2013

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường thăm chính thức Việt Nam (10-2013).

2015

- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Trung Quốc (4-2015);

- Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam (11-2015).

2017

- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Trung Quốc (1-2017);

- Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam (11-2017).

2020

Hai nước kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao

2022

- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Trung Quốc (từ ngày 30-10 đến 1-11-2022). Hai bên ra Tuyên bố chung về tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc.

2023

- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm chính thức Trung Quốc và dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của Diễn đàn kinh tế thế giới – WEF (6-2023);

- Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam (12-2023). Hai bên ra Tuyên bố chung về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược.

2024

- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc tại Trung Quốc và dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của WEF (6-2024).

- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và phu nhân thăm cấp Nhà nước đến Trung Quốc (8-2024). Hai bên ra Tuyên bố chung về việc tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược.

- Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường thăm chính thức Việt Nam (10-2024).

VĂN DUYÊN - THANH HƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/75-nam-quan-he-viet-nam-trung-quoc-thoi-diem-thuan-loi-de-buoc-vao-giai-doan-phat-trien-o-tam-cao-moi-812083