76 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2023) – Bài 1: Người thương binh vượt khó, làm giàu

Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 hàng năm là ngày tri ân, tưởng nhớ công lao của các anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh, Mẹ Việt Nam Anh hùng, người có công với cách mạng; cũng là ngày để người dân Việt Nam thể hiện đạo lý 'Uống nước nhớ nguồn', 'Ăn quả nhớ người trồng cây'. Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam luôn khắc sâu những đóng góp, hy sinh vô giá của các anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh. Nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Báo Đại Đoàn Kết trân trọng giới thiệu loạt bài viết về chủ đề này.

Ông Phạm Văn Liếc bên lồng cá chình của gia đình trên sông Kiến Giang.

Ông Phạm Văn Liếc bên lồng cá chình của gia đình trên sông Kiến Giang.

Trở về từ chiến trường, ông Phạm Văn Liếc mang trên mình thương tật với sức khỏe suy giảm 81%. Thế nhưng, với bản lĩnh của Bộ đội Cụ Hồ, ông vẫn hăng say lao động, vượt khó làm giàu, trở thành tấm gương sáng điển hình: Thương binh tàn nhưng không phế.

Nghị lực lao động

Sinh ra trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, ông Phạm Văn Liếc (64 tuổi, quê xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) ngay từ nhỏ đã hun đúc ý chí khi lớn lên trở thành Bộ đội Cụ Hồ.

Năm 1978, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên Phạm Văn Liếc khi đang ở độ tuổi 19 đã xung phong lên đường nhập ngũ và biên chế vào sư đoàn 325, Quân đoàn 2, huấn luyện ở Tà Cơn (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị).

Tháng 12/1978, đơn vị của ông sang chiến trường Campuchia giúp nhân dân Campuchia chống lại chế độ diệt chủng Pôn Pốt. Trong một ngày tháng 2/1979, lúc đơn vị đang di chuyển ban đêm thì bị địch phục kích, nhiều chiến sỹ trong tiểu đội hy sinh và bị thương. Ông Liếc bị thương và được đưa chuyển về điều trị.

Sau khi điều trị ở Bệnh viện 108, ông được chuyển về Đoàn 200 của Quân khu 4, xếp hạng thương tật và an dưỡng tại Nghệ An. Năm 1983-1989, ông được chuyển về thị xã Đông Hà (sau này là thành phố Đông Hà), tỉnh Quảng Trị an dưỡng.

Năm 1985, thương binh Phạm Văn Liếc trong một lần đi xem chiếu phim màn ảnh rộng ở thị xã Đông Hà đã gặp và làm quen với cô gái tên Nguyễn Thị Lợi (quê ở xã An Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình). Sau một thời gian quen biết, do cảm mến, hai người đã nên duyên vợ chồng, có với nhau 4 người con (3 trai, 1 gái).

Phục viên trở về quê nhà Quảng Bình với thương tật hạng 1/4, tỷ lệ suy giảm sức khỏe 81%. Trên mảnh đất quê hương, ông bắt tay vào việc phát triển kinh tế gia đình với nhiều mô hình chăn nuôi vừa và nhỏ.

“Lúc tôi về quê sinh sống, Nhà nước và các tổ chức đoàn thể địa phương đã hỗ trợ vật liệu để xây dựng một ngôi nhà để ổn định cuộc sống. Ở vùng đất thuần nông, hai vợ chồng tính phải phát triển kinh tế để cho con cái có cái ăn cái mặc. Từ chăn nuôi gà, vịt, lợn, sau ông chuyển sang nuôi thỏ và nuôi cá lóc. Nhờ đó cuộc sống của gia đình được cải thiện, con cái được học hành đến nơi đến chốn” - ông Liếc kể.

Đón chén trà xanh từ tay vợ, ông Liếc bảo, “để có được cái cơ ngơi hôm nay công của bà lớn lắm”. Bao năm qua, bà Lợi cứ lặng lẽ, tảo tần bên cạnh chồng, chăm lo và ủng hộ mọi kế hoạch phát triển kinh tế của ông. Nhìn gương cha, các con ông ai cũng chịu thương chịu khó, lo làm ăn.

Năm 2014, trong một lần xem chương trình dạy làm giàu trên tivi, ông Liếc thấy cách nuôi cá chình thương phẩm cho lợi nhuận cao. Ông đã tìm hiểu thông tin về giống cá chình, khăn gói đi học hỏi các mô hình nuôi cá chình tận trong miền Nam rồi về bắt tay vào nuôi thử nghiệm.

“Với điều kiện khí hậu, con nước ở sông Kiến Giang rất phù hợp với cá chình. Thấy công việc nuôi cá thuận lợi, ông đã vay mượn để đầu tư làm 6 lồng cá và nuôi giống cá đặc sản này.

Sau 2 năm nuôi, cá chình đã được thu hoạch bán ra cho thị trường, mỗi lồng từ 70 đến hơn 80 con. Trung bình 3kg/con với giá bán 600 ngàn/kg. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình ông Liếc thu lãi hơn 100 triệu đồng.

Gương sáng ở địa phương

Chế độ lương thương binh 5,6 triệu đồng/tháng, phụ cấp người vợ chăm nuôi 1,4 triệu đồng/tháng cùng nguồn thu từ các mô hình chăn nuôi đã giúp gia đình ông Liếc trở thành hộ khá giả tại địa phương.

“Cuộc sống đỡ hơn, vợ chồng tôi có điều kiện hỗ trợ cho các con khi mới lập gia đình. Nay các con trưởng thành, cuộc sống ổn định rồi thì phụ giúp chăm sóc các cháu ăn học. Bên cạnh đó, đơn vị còn có nhiều đồng đội cuộc sống đang vất vả nên anh em chia sẻ, giúp đỡ nhau” - ông Liếc cho biết.

Không dừng ở đó, thương binh Phạm Văn Liếc còn nhiệt tình hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá chình với các hộ dân khác. Ông cũng là người thường xuyên tham gia các công tác xã hội trong thôn, xã, đảm nhiệm Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh thôn Tiền Thiệp (xã Xuân Thủy) 3 nhiệm kỳ; Trưởng ban Thanh tra nhân dân thôn Tiền Thiệp.

Dù vị trí công tác nào ông cũng luôn năng nổ, nhiệt tình, hết mình vì việc làng, việc xã. Những đóng góp của ông được tập thể ghi nhận, biểu dương tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Bà con yêu quý ông với thực tế nói đi đôi với làm, nói được làm được, và làm hết khả năng của bản thân.

Năm 2019, thương binh Phạm Văn Liếc vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có thành tích trong lao động, sản xuất, vượt khó vươn lên, chiến thắng thương tật, đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội.

Nói về tấm gương của người thương binh Phạm Văn Liếc, ông Nguyễn Văn Đề - Bí thư Đảng ủy xã Xuân Thủy, cho biết, nhiều năm qua, ông Liếc tham gia công tác hội ở địa phương nhưng cũng đồng thời làm tốt công tác phát triển kinh tế, trong đó tập trung vào phát triển kinh tế hộ gia đình. Bên cạnh đó, ông Liếc luôn gương mẫu đi đầu. “Xã xem đây là người đồng chí có trách nhiệm và có phương thức làm ăn hiệu quả để từ đó chúng tôi nhân rộng mô hình này cho nhiều thương binh khác trên địa bàn xã” – ông Đề nói.

Còn theo Lê Văn Thiết - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Xuân Thủy, ông Phạm Văn Liếc là tấm gương tiêu biểu về làm kinh tế giỏi và hăng hái tham gia các phong trào của địa phương. Từ đó góp phần động viên, khuyến khích các cựu chiến binh trên địa bàn xã vươn lên làm giàu, xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương hội viên dám nghĩ, dám làm, phát huy truyền thống dũng cảm, kiên cường của người lính trên mặt trận xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế gia đình. Ông Liếc là tấm gương sáng, truyền cảm hứng và động lực để con cháu, thế hệ trẻ đi sau học tập, noi theo.

GS Hoàng Chí Bảo - nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương:

“Một tấm gương sống hơn hàng trăm bài diễn văn”

Chúng ta luôn nhớ lời của Bác Hồ, một tấm gương sống còn quý hơn hàng trăm bài diễn văn. Phong cách của Bác Hồ là nói ít, làm nhiều, chủ yếu là thể hiện bằng hành động. 10 năm cuối đời Bác dành rất nhiều công sức, tâm huyết vào việc chỉ đạo phong trào: Người tốt việc tốt. Thực hiện lời Bác dặn: “Mỗi người tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc là một vườn hoa đẹp”, thời gian qua có rất nhiều tấm gương bình dị mà cao quý đã được cả xã hội tôn vinh, trong đó có nhiều thương bệnh binh. Họ đã chiến thắng thương tật, nỗ lực vượt khó, nêu gương sáng về ý chí tự lực, tự cường trong lao động và sản xuất, không ngừng tham gia xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp hơn.

Là một người nghiên cứu, tôi rất chú trọng về những tấm gương này, vì đó là bằng chứng cho sức ảnh hưởng, lan tỏa rộng rãi của việc thực hiện và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cuộc sống. Đó cũng chính là động lực để cho mọi người, hãy từ những gương Người tốt việc tốt đó mà noi gương, hành động, để tự sửa mình, để sống tốt hơn, làm nhiều việc hữu ích cho xã hội, cộng đồng, cũng là góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

VH (ghi)

(Còn nữa)

THANH HÀ-XUÂN HOÀNG

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/76-nam-ngay-thuong-binh--liet-si-2771947--2772023--bai-1-nguoi-thuong-binh-vuot-kho-lam-giau-5723926.html