77% gói thầu mua sắm gỗ không đề cập tính hợp pháp của sản phẩm

Thông tin này được đưa ra tại hội thảo 'Bảo đảm gỗ hợp pháp trong đấu thầu mua sắm công ở Việt Nam - Thực thi hiệp định VPA-FLEGT' do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 31-3 tại Hà Nội.

Quang cảnh hội thảo.

Hội thảo nhằm cung cấp các thông tin tham khảo liên quan tới khung pháp lý cần thiết ở Việt Nam cũng như kinh nghiệm quốc tế về vấn đề đấu thầu mua sắm gỗ hợp pháp, với sự tham dự của chuyên gia về chính sách và nhiều doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng cho biết, Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA-FLEGT) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) chính thức có hiệu lực từ ngày 1-6-2019. Để thực thi cam kết về gỗ hợp pháp trong VPA-FLEGT, Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm gỗ và các sản phẩm gỗ được mua sắm theo thủ tục đấu thầu là gỗ hợp pháp.

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Quang Phòng, qua rà soát các gói thầu mua sắm sản phẩm gỗ từ năm 2016 đến năm 2018, 77% không có yêu cầu về khía cạnh gỗ hợp pháp, 23% chỉ đề cập tới một số khía cạnh gỗ hợp pháp (chủ yếu là yêu cầu bảo đảm tuân thủ pháp luật thương mại, sở hữu trí tuệ), 11% đặt hàng gỗ quý nhóm I-II (rủi ro cao về tính bất hợp pháp).

“Thực tế này đặt ra yêu cầu phải có các quy định pháp luật cụ thể về gỗ hợp pháp trong quy trình đấu thầu mua sắm gỗ và các sản phẩm gỗ chế biến”, Phó Chủ tịch VCCI nói.

Cũng tại hội thảo, nói về khái niệm gỗ hợp pháp, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI) cho hay, đó phải là các sản phẩm đáp ứng đầy đủ các quy định pháp luật liên quan của Việt Nam trong toàn bộ chuỗi cung ứng từ gỗ nguyên liệu tới thành phẩm cuối cùng đến tay người tiêu dùng. Riêng đối với sản phẩm gỗ nhập khẩu, phải tuân thủ các quy định pháp luật của nước nơi gỗ được khai thác.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang đề xuất, cần có văn bản riêng quy định các yêu cầu bảo đảm gỗ hợp pháp với những gói thầu sản phẩm gỗ, trong đó nhà thầu phải cam kết bảo đảm gỗ hợp pháp, hồ sơ thầu cần có tài liệu chứng minh gỗ hợp pháp...

Chia sẻ về những kinh nghiệm quốc tế và gợi ý chính sách cho Việt Nam, ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách thuộc Tổ chức Forest Trends cho rằng, chính sách mua sắm công sản phẩm gỗ hợp pháp là cần thiết và bắt buộc. Việc xây dựng chính sách cần có sự tham vấn rộng rãi của các bên liên quan.

Về việc ban hành chính sách, Chính phủ thực hiện tiên phong, chuyển tải thông điệp tới các nhóm tiêu dùng trong xã hội, thay đổi hành vi và thói quen tiêu dùng theo hướng hợp pháp và bền vững. Để thực hiện chính sách hiệu quả, cần các biện pháp và cơ chế hỗ trợ đi kèm như truyền thông, hướng dẫn chi tiết.

Hương Thủy

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/995048/77-goi-thau-mua-sam-go-khong-de-cap-tinh-hop-phap-cua-san-pham