79 ngày đêm vượt khó đưa dự án quốc lộ 8A về đích

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa, tuyến đường huyết mạch quốc lộ 8A nối sang nước bạn Lào qua cửa khẩu Cầu Treo được khoác áo mới.

Đường thông, rút ngắn còn một nửa thời gian di chuyển

Ngày 23/7, dẫn chúng tôi đi dọc công trường thi công Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp quốc lộ 8A (QL8A) đoạn Km37 - Km 85+300 cửa khẩu Cầu Treo (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh), kỹ sư Lê Mạnh Cường, Phó giám đốc Ban điều hành dự án (thuộc Ban QLDA 4) cho biết, chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là dự án đến hạn về đích. Vì thế, các nhà thầu trên công trường đang tập trung thi công các hạng mục còn lại gồm: Kè mái ta luy dương, thảm mặt đường và hoàn thiện hệ thống an toàn giao thông.

Tuyến QL8 sau khi được cải tạo, nâng cấp trông như một dải lụa mềm xen giữa núi rừng Hương Sơn.

Tuyến QL8 sau khi được cải tạo, nâng cấp trông như một dải lụa mềm xen giữa núi rừng Hương Sơn.

Kỹ sư Cường tâm sự: “Tuyến QL8 vào những năm 2000 được mệnh danh là con đường đẹp nhất Việt Nam. Tuy nhiên, sau hơn 20 năm khai thác, tuyến đường đã không còn theo kịp tốc độ phát triển và mật độ lưu thông của phương tiện. Mặt đường nhỏ chỉ 5m, cộng với nhiều đoạn cong cua khúc khuỷu khiến cho dòng xe tải, xe đầu kéo phải di chuyển một cách chật vật.

Chưa nói đến chuyện tai nạn và va quệt giao thông xảy ra như cơm bữa, bản thân những người làm báo như chúng tôi, khi đi trên tuyến đường này, chỉ cần nghĩ đến việc phải lò dò hàng chục km, căn chỉnh tay lái từng li, từng tí để không va sườn núi, trượt xuống rệ khi tránh xe lớn cũng đã rùng mình. Đó là chưa kể đến việc năm nào QL8 cũng xảy ra lũ, sạt lở khiến giao thông ngừng trệ, chia cắt. Có thời điểm kéo dài cả tháng, làm ảnh hưởng rất lớn đến việc giao thương và lưu thông hàng hóa. Trong khi tuyến đường này là con đường huyết mạch chính để vận chuyển hàng hóa từ nước bạn Lào sang Việt Nam và thông qua cảng Vũng Áng đi quốc tế.

Cây cầu vượt địa hình ở khúc cua Eo cô gái giúp xe cộ lưu thông dễ dàng, không còn lo sạt lở, đứt đường.

Cây cầu vượt địa hình ở khúc cua Eo cô gái giúp xe cộ lưu thông dễ dàng, không còn lo sạt lở, đứt đường.

“Những chuyện nhà báo kể giờ đã là dĩ vãng rồi. Nhiều đoạn cong cua đã được cải tuyến cho thẳng. Nhiều vị trí sạt lở đã được nắn đường làm cầu cạn vượt suối, cắt đồi. Những mảng đồi có nguy cơ sụt trượt cũng đã được gia cố mái. Xe giờ đi bon lắm, từ thị trấn Tây Sơn lên cửa khẩu chỉ còn khoảng 1 tiếng, giảm gần nửa thời gian so với trước”, kỹ sư Cường nói.

Dừng chân ở Km 82+286, chỉ tay về cây cầu mới hoàn thiện, kỹ sư Cường nói: Từ khi làm QL8 đến nay, điểm này là điểm thường xuyên sạt lở nhất. Chính vì sự đỏng đảnh, hay sạt lở, nhạy cảm với mưa mà người ta đặt khúc cua thắt này là “Eo cô gái”. Khi triển khai dự án, thiết kế ban đầu là mở rộng đường về ta luy âm, gia cố mái ta luy dương, với kinh phí khoảng 14 tỷ đồng. Nhưng khi chúng tôi bắt tay vào làm thực tế, thấy làm vậy không hiệu quả. Chỉ một lần sạt trượt là nguồn vốn bỏ ra sẽ đổ sông, đổ bể. Vì vậy, Ban QLDA 4 và tư vấn thiết kế đã chủ động trình Bộ GTVT, Cục ĐBVN chuyển sang làm cầu cạn. Việc này tuy làm tăng tổng mức đầu tư thêm 10 tỷ đồng và khó thực hiện ở địa hình treo leo bên núi, bên vực sâu, nhưng mang lợi ích to lớn cho xã hội.

“Cầu thuộc gói 11 do liên danh Công ty CP 484 và Công ty CP Thăng Long thi công, vừa hoàn thành vào ngày 30/6. Đây là cây cầu vượt địa hình có trụ cao tới 26m. Cầu làm gần như song song với khúc cua và đường cũ, nhưng nó đã giúp xóa đi điểm đen tai nạn, điểm sạt lở thường xuyên đứt đường ở đoạn Eo cô gái”, kỹ sư Cường thông tin.

Nhóm công nhân thi công hộ lan và hạng mục an toàn giao thông của Công ty CP 468 đang hoàn thành những hạng mục cuối cùng của dự án trước khi bàn giao.

Nhóm công nhân thi công hộ lan và hạng mục an toàn giao thông của Công ty CP 468 đang hoàn thành những hạng mục cuối cùng của dự án trước khi bàn giao.

79 ngày đêm thi đua chào mừng ngày thành lập ngành

Đang bon bon trên đường, kỹ sư Cường cho xe rẽ vào điểm cải tuyến ở gói 8. Tại đây, không khí thi công vừa khẩn trương, vừa sôi nổi. Công trường tuy trải dài nhưng với khối lượng công việc còn lại không nhiều, tập trung ở phần làm mái ta tuy và hoàn thiện mặt đường nên sử dụng chủ yếu là lao động thủ công.

Kỹ sư Nguyễn Thành Chung - cán bộ kỹ thuật (nhà thầu Công ty CP Đầu tư 468) cho biết: Ở dự án này, 468 đảm nhận làm 3km đường mới (Km 62+575 - Km 66+115), đến nay chúng tôi đã cơ bản hoàn thành. Nếu thời tiết thuận lợi chỉ mất 3 ngày là thảm xong, sau đó tập trung hoàn hiện hệ thống an toàn giao thông là về đích. Giờ chỉ có hạng mục bổ sung là gia cố mái ta luy dương hai đoạn dài khoảng 400m là chậm hơn, nhưng dự kiến đến ngày 15/8 là làm xong.

Kỹ sư Nguyễn Thành Chung - cán bộ kỹ thuật (nhà thầu Công ty CP Đầu tư 468) chia sẻ về quá trình thi công trong đợt thi đua 79 ngày đêm đưa dự án QL8 về đích.

Kỹ sư Nguyễn Thành Chung - cán bộ kỹ thuật (nhà thầu Công ty CP Đầu tư 468) chia sẻ về quá trình thi công trong đợt thi đua 79 ngày đêm đưa dự án QL8 về đích.

Cần phải lưu ý rằng, các gói thầu XL8, XL9, XL10 là 2 gói có mặt bằng muộn nhất dự án (tháng 8/2023), do chờ thủ tục bàn giao đất rừng tự nhiên. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của các nhà thầu, sự sâu sát của chủ đầu tư, đội ngũ tư vấn, đến nay hầu hết các nhà thầu đều đã đạt tiến độ đề ra.

Đặc biệt, từ tháng 6/2024, để khích lệ tinh thần kỹ sư, công nhân và tiếp tục rút ngắn thời gian thi công, Ban QLDA 4 đã có Văn bản số 1255/BQLDA4-QL8A ngày 10/6/2024 phát động “đợt thi công cao điểm 79 ngày đêm hoàn thành Dự án QL8A, chào mừng 79 năm ngày truyền thống ngành GTVT (28/8/1945 – 28/8/2024). Phong trào này đã được tất cả các nhà thầu, tư vấn giám sát và ban điều hành dự án nhiệt tình hưởng ứng. Nếu dự án về đích thành công thì công trình này sẽ là một trong những công trình trọng điểm chào mừng 79 năm thành lập ngành GTVT (28/8/1945 - 28/8/2024).

Quá trình thi công, đội ngũ kỹ sư công nhân đã ngày đêm vượt qua bao khó khăn, gian khổ để xây cầu, mở đường.

Quá trình thi công, đội ngũ kỹ sư công nhân đã ngày đêm vượt qua bao khó khăn, gian khổ để xây cầu, mở đường.

Kỹ sư Chung quả quyết: Đoạn của đơn vị, cũng như các nhà thầu gói XL8 cam kết sẽ về đích trước 20/8.

Điểm găng lớn nhất là việc hoàn thành cầu Km 74+672 do Công ty CP Đầu tư xây dựng Trường Sơn thi công vì cả dự án hoàn thành nhưng cầu Km 74+672 chưa hoàn thành sẽ không phát huy hiệu quả của cả dự án. Hiện nay, các nhà thầu ngoài việc đẩy nhanh tiến độ thi công của đơn vị mình, thì luôn sẵn sàng hỗ trợ Công ty CP Đầu tư xây dựng Trường Sơn để đẩy nhanh tiến độ.

"Phần việc của chúng tôi còn lại là lao 3 nhịp dầm cầu và làm mặt. Cộng với khoảng hơn 700m đường chờ nắng lên sẽ thảm. Trên công trường 40 kỹ sư công nhân luôn sẵn sàng làm việc. Chỉ cần trời không mưa hai ngày, chúng tôi làm ồ ạt khoảng một tuần là xong. Ban giám đốc cũng rất quyết liệt, giao nhiệm vụ, tinh thần thiếu sẽ huy động thêm để đảm bảo xong trước 20/8", kỹ sư Trần Ngọc Dư, Đội trưởng đội thi công, nhà thầu Trường Sơn nói.

Trong giai đoạn nước rút này, việc giám sát đảm bảo chất lượng công trình cũng như nghiệm thu, thanh toán khối lượng để có tiền cho nhà thầu làm tiếp là rất quan trọng. Đội ngũ tư vấn giám sát và cán bộ điều hành của Ban QLDA 4 gần như túc trực liên tục trên công trường. Ngày giám sát, đêm hoàn thành sổ sách nội nghiệp. Quá trình triển khai dự án, chưa lúc nào nhà thầu chậm vì công tác nghiệm thu hay thiếu tiền.

“Để có được kết quả này, ngoài những nỗ lực từ trước, thì sau khi hưởng ứng phong trào thi đua, nhà thầu đã huy động tối đa nhân công, thiết bị. Trên công trường, có lúc bố trí làm đồng thời 7 mũi gồm: Một mũi làm mặt đường, 3 mũi rãnh, 2 mũi gia cố mái, 1 mũi thi công hộ lan và an toàn giao thông. Mỗi mũi đều tăng tăng ca, mỗi ca 2 tiếng. Riêng quá trình thảm anh em làm thông đêm”.

Kỹ sư Nguyễn Thành Chung - cán bộ kỹ thuật (nhà thầu Công ty CP Đầu tư 468)

Cần sự chung sức của chính quyền, sự ủng hộ của người dân để vượt “trở lực”

Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp QL8A đoạn Km37 - Km 85+300, tỉnh Hà Tĩnh có tổng mức đầu tư hơn 1.662 tỷ đồng do Ban QLDA 4 làm chủ đầu tư. Do sử dụng nguồn vốn trung hạn nên dự án chia làm nhiều giai đoạn, triển khai từ năm 2014 đến nay. Có thể nói, đây là một trong những dự án “khó nhằn” nhất từ trước đến nay.

Để tuyến đường về đích đúng hẹn, rất cần sự chia sẻ, hỗ trợ từ chính quyền và nhân dân địa phương.

Để tuyến đường về đích đúng hẹn, rất cần sự chia sẻ, hỗ trợ từ chính quyền và nhân dân địa phương.

Ngoài yếu tố phải thi công trên đường độc đạo nhỏ hẹp, vừa thi công vừa khai thác thì dự án gặp trở ngại rất lớn bởi dịch bệnh Covid-19, thời tiết và công tác giải phóng mặt bằng.

Kỹ sư Cường cho biết: Đặc thù thời tiết ở đây là mưa và mưa nhiều. Một năm trừ ngày mưa và khoảng thời gian chờ ráo thì thời gian nhà thầu có thể thi công, thực tế chỉ được có khoảng 6 tháng. Ngay cả ở giai đoạn này, chúng tôi cũng phải canh từng ngày nắng để tranh thủ làm mới mong đảm bảo tiến độ cấp trên giao.

Thêm nữa, khi đào mái để gia cố taluy dương, có nhiều đoạn gặp đá cứng lại không được nổ mìn. Nhà thầu phải đập đá thủ công bằng búa căn, ròng rã 3 tháng liền, ảnh hưởng lớn đến tiến độ.

Riêng về mặt bằng, dù công tác giải phóng mặt bằng đã được thực hiện xong, nhưng giờ phát sinh tình trạng 169 hộ dân ở xã Sơn Kim cản trở không cho thi công thảm bê tông nhựa lớp 2. Họ cho rằng: “quá trình thi thi công lu rung làm nứt nhà, giờ yêu cầu bồi thường lớn”. Dù chính quyền và đơn vị bảo hiểm đã về làm việc, đưa ra mức bồi thường nhưng đến nay người dân vẫn không đồng ý, khiến nhiều đoạn không thi công được.

“Hiện, Ban đang phối hợp với chính quyền địa phương và các bên liên quan đi kiểm tra, ghi nhận lại một lần nữa tình trạng hư hỏng ở các nhà dân để có phương án sớm. Chúng tôi mong rằng, chính quyền và người dân cùng chung sức, chung lòng hỗ trợ tối đa cho các nhà thầu để dự án về đích đúng tiến độ”, kỹ sư Cường bày tỏ.

Văn Thanh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/79-ngay-dem-vuot-kho-dua-du-an-quoc-lo-8a-ve-dich-192240724202337479.htm