8 công nghệ tương lai giúp quân đội 'biến hóa' như các siêu anh hùng
Bay lượn như chim trên bầu trời, nhìn rõ trong màn đêm, nhắm bắn kẻ thù không cần lộ diện từ mọi ngóc ngách... sẽ không còn là viễn tưởng nữa.
Quân đội và các công ty tư nhân trên khắp thế giới đang phát triển những công nghệ hiện đại, biến các binh sĩ thành các "siêu nhân" được trang bị các khả năng tưởng như chỉ có ở các siêu anh hùng trong những bộ phim khoa học viễn tưởng. Những bộ đồ bay vận hành bằng động cơ phản lực (jet-suit) giúp cho người mặc có thể nhảy qua nhảy lại giữa các con thuyền và những chiếc xe điện bay giữ thăng bằng (hoverboard) khiến người sử dụng có thể "bay" lên trời chỉ với một nút bấm.
Quân đội Nga, Mỹ, Anh và Pháp đều đang phát triển các công nghệ tương lai lấy cảm hứng từ các siêu anh hùng trong những bộ phim bom tấn của “vũ trụ điện ảnh” Marvel. Tuy nhiên, điều đáng nói là những công nghệ này không còn là viển vông hay thiếu thực tế nữa bởi nhiều loại trong số chúng đang trong giai đoạn thử nghiệm hoặc thậm chí đang được sử dụng trên chiến trường.
Nhà phát minh người Pháp Franky Zapata đã vượt qua eo biển Manche từ Pháp sang Anh thành công trên thiết bị bay Flyboard Air sử dụng động cơ phản lực nhân ngày Diễu binh kỷ niệm Quốc khánh Pháp hôm 14/7 vừa qua. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thậm chí đã tweet video ghi lại cảnh "người bay" Franky Zapata vượt biển và gợi ý rằng quân đội Pháp nên sử dụng thiết bị này trong chiến đấu vào một ngày nào đó.
Theo The Guardian, được hộ tổng bởi 3 chiếc trực thăng, Zapata đã hoàn thành hành trình dài 35km của mình trong 22 phút với tốc độ đạt 177 km/h và bay ở độ cao 15 - 20 mét so với mặt biển. Nhà phát minh này đã tới được điểm đến an toàn trong những tràng pháo tay liên tiếp của những người chứng kiến và các phóng viên.
Trong khi đó, quân đội Mỹ đang trong giai đoạn cuối cùng của quá trình thử nghiệm Ống nhòm - Kính nhìn đêm tăng cường (ENVG-B) - một thiết bị giúp những người lính có thể bắn trúng mục tiêu từ mọi ngóc ngách. ENVG-B cũng hỗ trợ người sử dụng cải thiện khả năng nhận thức tình hình, hình ảnh và độ sâu tốt hơn.
Tướng James Richardson thuộc Bộ Tư lệnh Quân đội Tương lai (Army Futures Command) gần đây nhận định với Quốc hội Mỹ rằng những chiếc kính mới này đã cải thiện đáng kể khả năng thiện xạ của các binh lính. Thiết bị này có thể xác định mục tiêu mà vũ khí nhắm tới cũng như có thể liên kết để xem các video hoặc các dữ liệu hình ảnh được cập nhật thường xuyên từ các vị trí khác, khiến cho binh lính có thể nhắm bắn chính xác từ mọi ngóc ngách mà không cần "lộ diện".
Theo Army Times, một đội tác chiến của Mỹ đang được triển khai ở Hàn Quốc sẽ là đơn vị đầu tiên sử dụng loại kính mới này.
Kế tiếp trong danh sách này là FLIR Black Hornet III - một máy bay không người lái "bỏ túi" có khả năng trinh sát, giám sát và thực hiện các nhiệm vụ tình báo trong chiến đấu. Loại thiết bị này đi theo đôi - một sử dụng cho ban ngày và một dùng cho ban đêm. Các máy bay không người lái FLIR Black Hornet III chỉ dài khoảng 15 cm và có thể đặt vừa trong thắt lưng của 1 người lính. Trong tương lai, mỗi người lính sẽ được trang bị những chiếc máy bay này để phục vụ quá trình chiến đấu.
Theo truyền thông nhà nước của Nga, quân đội nước này đang phát triển hệ thống dù D-14 Shelest giúp những người lính có thể tiếp cận vũ khí của họ và khai hỏa ngay lập tức sau khi họ nhảy khỏi máy bay với những vũ khí nhỏ được gắn trước ngực. Tass cho biết công nghệ mới này sẽ sớm được thử nghiệm tại Viện Nghiên cứu Chế tạo Dù của Nga.
Tiến bộ công nghệ còn có thể ứng dụng trong quân đội khi bộ binh Nga sẽ sớm sở hữu những bộ Ratnik-3 với "bộ xương ngoài" Exoskeleton được thiết kể theo các khung xương trợ lực, lặp lại hoàn toàn cơ chế cơ-sinh của con người nhưng tăng cường sức mạnh theo tỷ lệ thuận khi vận động, giúp các binh lính vác thêm được nhiều vật nặng song vẫn chuyển động linh hoạt. Ngoài ra Exoskeleton còn có tác dụng như một bộ giáp bảo vệ binh sĩ.
Mỹ cũng đang trong quá trình phát triển "áo giáp Iron Man" tương tự vậy có tên gọi là Tactical Assault Light Operator Suit (TALOS), tạm dịch là bộ đồ triển khai nhanh tấn công chiến thuật. Tuy nhiên, theo Task & Purpose, chúng ta sẽ phải chờ một thời gian trước khi "siêu phẩm" này của Mỹ hoàn thành.
Biến giấc mơ bay lượn như chim trên trời thành hiện thực, nhà phát minh và là cựu lính Thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh Richard Browning đã thử thành công bộ jet-suit sử dụng 5 turbine khiến anh có thể di chuyển linh hoạt giữa các con thuyền của Hải quân Hoàng gia.
"Một chú chim? Một chiếc máy bay? Không, đó là "Người Tên lửa"! Nhà phát minh, phi công và cựu quân nhân dự bị Thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh Richard Browning cùng với chiếc HMS Dasher thử nghiệm bộ đồ bay này lần đầu tiên trên biển Solent" - Hải quân Hoàng gia Anh đăng tải trên Twitter.
Góp mặt trong danh sách những công nghệ tương lai giúp quân đội có khả năng như các siêu anh hùng này là khẩu pháo laser do quân đội Mỹ phát triển có công suất lên tới 50 kilowatt hay còn gọi là Laser Công suất cao Đa nhiệm (MMHEL) được lắp trên các phương tiện chiến đấu Stryker. Loại vũ khí này được thiết kế để bắn hạ các máy bay không người lái và đánh chặn các rocket và thiết bị nổ khác trên bầu trời. Mỹ dự định sẽ đưa sản phẩm này vào sử dụng lần đầu tiên trong 4 năm tới.
Ngoài ra, quân đội Mỹ cũng đang thử nghiệm loại kính có thể nhận diện khuôn mặt cũng như công nghệ có thể chuyển văn bản thành những dấu hiệu đường đi. Hệ thống Tăng cường Thị giác tích hợp (IVAS) là một phiên bản đã được điều chỉnh từ công nghệ HoloLens (ống nhòm toàn phần) của Microsoft và có thể sẽ được sử dụng rộng rãi vào giữa những năm 2020.