8 đề xuất án lệ từ các tòa án tại TP.HCM

Cụm thi đua số 3 TAND TP.HCM gồm TAND quận 7, TAND quận Bình Tân, TAND quận 12, TAND quận Gò Vấp, TAND quận Tân Phú đã đưa ra 8 đề xuất án lệ.

Hôm nay (12-7), Cụm thi đua số 3, TAND TP.HCM tổ chức hội thảo áp dụng và phát triển án lệ tại Cụm thi đua số 3. Hội thảo được tổ chức tại TAND quận 7, Cụm trưởng Cụm thi đua số 3.

Cụm thi đua số 3 gồm TAND quận 7, TAND quận Bình Tân, TAND quận 12, TAND quận Gò Vấp, TAND quận Tân Phú.

 Bà Nguyễn Thị Thùy Dung (Phó Chánh án TAND TP.HCM) tại hội thảo. Ảnh: TRẦN LINH

Bà Nguyễn Thị Thùy Dung (Phó Chánh án TAND TP.HCM) tại hội thảo. Ảnh: TRẦN LINH

8 đề xuất án lệ

Tham gia hội thảo có ThS Tống Anh Hào (nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao), GS.TS Đỗ Văn Đại (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, thành viên Hội đồng Tư vấn án lệ TAND Tối cao), bà Nguyễn Thị Thùy Dung (Phó Chánh án TAND TP.HCM), đại diện các tòa án thuộc Cụm thi đua số 3...

Hội thảo còn có sự tham gia của đại diện các Trường ĐH Luật TP.HCM, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Trường ĐH Mở TP.HCM, Trường ĐH Hoa Sen...

 Ông Lê Thuần Phong (Chánh án TAND quận 7) tại hội thảo. Ảnh: TRẦN LINH

Ông Lê Thuần Phong (Chánh án TAND quận 7) tại hội thảo. Ảnh: TRẦN LINH

Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Thị Thùy Dung (Phó Chánh án TAND TP.HCM) cho rằng TAND Tối cao đã công bố 72 án lệ, trong đó có các bản án của TAND hai cấp tại TP.HCM. Hội thảo hôm nay, ban tổ chức (Cụm thi đua số 3) đã nhận được 16 đề xuất án lệ, sau đó đã chọn lựa được 8 đề xuất gửi cho các chuyên gia để phản biện, đóng góp cho các đề xuất này.

Qua hội thảo, bà Dung mong sẽ nghiên cứu, chọn lựa được những bản án, tình huống để đề xuất thành án lệ. Cạnh đó, theo bà Dung đây cũng là cơ hội để cùng nhau học hỏi, nghiên cứu và áp dụng thống nhất trong đường lối xét xử của tòa án.

Chương trình hội thảo gồm hai phiên. Phiên 1 là Một số vấn đề lý luận về vai trò áp dụng và phát triển án lệ. Phiên 2 là Đề xuất, kiến nghị những bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án trong Cụm thi đua số 3 có đủ điều kiện phát triển thành nguồn án lệ.

 Ông Tống Anh Hào (nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TRẦN LINH

Ông Tống Anh Hào (nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TRẦN LINH

Đặc điểm của án lệ tại Việt Nam

Tại phiên 1, TS Đỗ Thanh Trung (Trường ĐH Luật TP.HCM) trình bày một số vấn đề lý luận về áp dụng và phát triển án lệ.

Theo TS Trung, ở Việt Nam hiện nay, khái niệm án lệ được quy định tại Điều 1 của Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18-6-2019 về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ. Theo đó, án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao lựa chọn và được Chánh án TAND Tối cao công bố là án lệ để các tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử.

Ông Trung cho rằng nếu so với án lệ trong hệ thống Thông luật và Dân luật thì khái niệm án lệ trong Nghị quyết 04/2019/ NQ-HĐTP có những điểm khác biệt. Thứ nhất, án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định chứ không phải là bản án, quyết định có chứa các giải pháp pháp lý mới, được sử dụng làm khuôn mẫu để áp dụng cho các vụ việc tương tự về sau. Khái niệm án lệ của Việt Nam hiện nay khá tương đồng với quy tắc án lệ là yếu bắt buộc của án lệ ở các nước Thông luật hoặc ở các nước Dân luật.

Thứ hai,án lệ phải được Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao lựa chọn và được Chánh án TAND Tối cao công bố là án lệ. Trong khi đó, án lệ ở các nước khác thường được hiểu là bản án, quyết định của tòa án xét xử giải quyết vụ việc có chứa các giải pháp pháp lý mới, được sử dụng làm khuôn mẫu để áp dụng cho các vụ việc tương tự về sau. Hoạt động tạo lập án lệ của tòa án không tách khỏi hoạt động xét xử của tòa án. Việc công bố án lệ chủ yếu là nhằm đưa nội dung án lệ (pháp luật) đến công chúng chứ không phải nhằm thừa nhận hiệu lực pháp lý của án lệ giống như ở Việt Nam.

 Ban chủ trì hội thảo. Ảnh: TRẦN LINH

Ban chủ trì hội thảo. Ảnh: TRẦN LINH

Tại hội thảo, GS-TS Đỗ Văn Đại (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, thành viên Hội đồng Tư vấn án lệ TAND Tối cao) lưu ý khi đề xuất án lệ cần lý giải vì sao cần án lệ đó, nó có tác động như thế nào, đường lối giải quyết có thuyết phục hay không. Cạnh đó, khi đề xuất thành án lệ cần rà lại bản án, quyết định đó đã có hiệu lực hay chưa...

 GS-TS Đỗ Văn Đại (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, thành viên Hội đồng Tư vấn án lệ TAND Tối cao) tại hội thảo. Ảnh: TRẦN LINH

GS-TS Đỗ Văn Đại (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, thành viên Hội đồng Tư vấn án lệ TAND Tối cao) tại hội thảo. Ảnh: TRẦN LINH

Tại hội thảo, ThS Tống Anh Hào (nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao) cho rằng việc phát triển án lệ là một nhiệm vụ quan trọng của tòa án hiện nay. Ông Hào cũng chia sẻ về những khó khăn khi xác định các tiêu chí lựa chọn án lệ, việc áp dụng các án lệ trên thực tế...

Kết thúc phiên 1, hội thảo bắt đầu phiên 2, các tòa án trong Cụm Thi đua số 3 lần lượt thuyết minh về các đề xuất án lệ. Sau đó, các chuyên gia, các tòa án phản biện, góp ý các đề xuất này.

 Quang cảnh hội thảo. Ảnh: TRẦN LINH

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: TRẦN LINH

Sau khi phản biện, bà Nguyễn Thị Thùy Dung (Phó Chánh án TAND TP.HCM) kết lại sẽ chọn 2 bản án từ đề xuất của TAND quận 7 (về đảm bảo việc vận hành bình thường và vì quyền lợi tập thể trong khu dân cư đòi hỏi cư dân phải thực hiện theo đa số là phù hợp) và bản án từ TAND quận Gò Vấp (về việc xác định tội danh tham ô tài sản) để tiếp tục đề xuất lên TAND Tối cao.

Kết thúc hội thảo, ông Lê Thuần Phong (Chánh án TAND quận 7) tiếp thu ý kiến của bà Dung. Qua hội thảo, ông Phong mong muốn sẽ có những bản án trở thành án lệ trong tương lai và có những định hướng về phát triển án lệ trong thời gian tới...

8 đề xuất án lệ

1/ Đề xuất án lệ về “Quyền khởi kiện thay đổi người nuôi con trong khi bản án ly hôn, tranh chấp về nuôi con có hiệu lực pháp luật chưa kết thúc việc thi hành án” của TAND quận Bình Tân.

2/ Đề xuất án lệ về “Xác định thời điểm chiếm đoạt trong tội tham ô tài sản” của TAND quận Tân Phú.

3/ Đề xuất án lệ về “Xác định lý do từ chối chi trả quyền lợi bảo hiểm trợ cấp nằm viện” của TAND Quận 7.

4/ Đề xuất án lệ về “Áp dụng “Lẽ thông thường” (“Lẽ Tự nhiên”) để giải quyết các tranh chấp dân sự khi chưa có luật áp dụng” của TAND Quận 12.

5/ Đề xuất án lệ về “Tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu là yêu cầu lao động (việc dân sự) của TAND quận Bình Tân.

6/ Đề xuất án lệ về “Để đảm bảo việc vận hành bình thường và vì quyền lợi tập thể trong khu dân cư (nhà chung cư) đòi hỏi cư dân phải thực hiện theo đa số là phù hợp” của TAND Quận 7.

7/ Đề xuất án lệ về “Hợp đồng chuyển nhượng không nhằm trốn tránh nghĩa vụ thi hành án” của TAND quận Bình Tân.

8/ Đề xuất án lệ về “Về việc xác định tội danh “tham ô tài sản” của TAND quận Gò Vấp.

YẾN CHÂU - TRẦN LINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/8-de-xuat-an-le-tu-cac-toa-an-tai-tphcm-post800138.html