8 doanh nghiệp được phân giao nhập khẩu 107 nghìn tấn đường

Phiên phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2023 theo phương thức đấu giá đã thành công với 107.000 tấn đường được phân giao cho 8 thương nhân.

Sáng 28/11, tại Hà Nội, Phiên phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2023 theo phương thức đấu giá đã thành công với 107.000 tấn đường được phân giao cho 8 thương nhân.

Phiên phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2023 theo phương thức đấu giá. Ảnh: Bộ Công Thương

Phiên phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2023 theo phương thức đấu giá. Ảnh: Bộ Công Thương

Sau phiên đấu giá được thực hiện minh bạch, công khai, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Ủy viên thường trực hội đồng phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường thông báo, có 8 thương nhân có hồ sơ hợp lệ gồm: Công ty CP Đường Việt Nam; Công ty CP Mía đường Lam Sơn; Công ty CP Mía đường Sơn La; Công ty CP Thành Thành Công – Biên Hòa; Công ty CP Hàng tiêu dùng Biên Hòa; Công ty TNHH MTV Đường Biên Hòa – Ninh Hòa; Công ty CP Mondelez Kinh Đô Việt Nam; Công ty TNHH MTV Kinh Đô Miền Bắc.

Tổng hợp kết quả, Hội đồng phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2023 công bố gồm Công ty CP Đường Việt Nam được phân giao 20.000 tấn; Công ty CP Thành Thành Công – Biên Hòa được phân giao 20.000 tấn; Công ty CP Hàng tiêu dùng Biên Hòa được phân giao 20.000 tấn; Công ty TNHH MTV Đường Biên Hòa – Ninh Hòa được phân giao 20.000 tấn; Công ty CP Mía đường Lam Sơn được phân giao 20.000 tấn; Công ty CP Mía đường Sơn La được phân giao 5.000 tấn; Công ty CP Mondelez Kinh Đô Việt Nam được phân giao 1.000 tấn và Công ty TNHH MTV Kinh Đô Miền Bắc được phân giao 1.000 tấn

Tổng hợp số lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường được phân giao cho các doanh nghiệp đợt này là 107.000 tấn, thấp hơn so với tổng lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2023 theo phương thức đấu giá được phân giao là 119.000 tấn.

Sau phiên phân giao, Hội đồng phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2023 sẽ báo cáo kết quả với Bộ Công Thương để phê duyệt kết quả, sau đó có văn bản cho phép doanh nghiệp được nhập khẩu lượng đường đã đấu giá với thuế suất ưu đãi.

Với phiên đấu giá này, doanh nghiệp đường trong nước được hy vọng sẽ tiếp tục sản xuất hiệu quả, ổn định, đóng góp cho sự phát triển ngành nông nghiệp và góp phần ổn định đời sống người nông dân trồng mía.

Ông Trần Thanh Hải lưu ý, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành Quyết định số 1578/QĐ-BCT ngày 15 năm 6 năm 2021 áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan, Quyết định số 1514/QĐ-BCT ngày 01 tháng 8 năm 2022 áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía (được nhập khẩu vào Việt Nam từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Mianma), Quyết định số 1989/QĐ-BCT ngày 03 tháng 8 năm 2023 về kết quả rà soát lần thứ nhất việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan, Quyết định số 2960/QĐ-BCT ngày 30 tháng 12 năm 2022 sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1514/QĐ-BCT ngày 01 tháng 8 năm 2022 áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía.

Trường hợp thương nhân được phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2023 theo phương thức đấu giá nếu nhập khẩu đường có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan phải chịu thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức theo Quyết định số 1578/QĐ-BCT và Quyết định số 1989/QĐ-BCT, nếu nhập khẩu từ các nước có tên trong Quyết định số 1514/QĐ-BCT và Quyết định số 2960/QĐ-BCT có thể phải chịu thuế chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/8-doanh-nghiep-duoc-phan-giao-nhap-khau-107-nghin-tan-duong/316383.html