8 lần mang thai đều mất con, người phụ nữ bàng hoàng khi phát hiện nguyên nhân
8 lần mang thai thì cả 8 lần chị H phải chịu nỗi đau mất con dù đã theo dõi thai kỳ rất cẩn thận.
8 lần mang thai, 8 lần mất con
Cách đây 4 năm, khi đó chị N.T.B.H (30 tuổi, ở Hà Nội) đã tìm cho mình được một người đàn ông để sánh vai cùng nhau tới trọn đời. Cuộc sống của cặp vợ chồng son luôn tràn ngập tiếng cười, hạnh phúc.
Niềm hạnh phúc đó ngày càng trọn vẹn hơn khi sau gần 1 năm kết hôn, chị H biết mình đã mang thai. Gia đình hai bên đều vui mừng, chúc phúc cho đôi bạn trẻ. Nhưng niềm hạnh phúc ấy chẳng kéo dài được bao lâu khi thai nhi phát triển tới tuần thứ 9 thì bị chết lưu. Mọi sự buồn đau chị H phải nén vào trong để mạnh mẽ bước tiếp.
Rồi chị H mang thai lần thứ 2. Lần mang thai này chị rất cẩn thận, theo dõi sát thai kỳ nhưng tới tuần thứ 9 con lại bị lưu một lần nữa.
Trong 3 năm, nỗi đau cứ nối tiếp nỗi đau đối với người vợ trẻ. Chị H mang thai tất cả 7 lần, cả 7 lần đó đều bị lưu thai. Dù tất cả các lần mang thai chị thường đi khám và dùng mọi loại thuốc.
Lần thứ 8 mang thai, chị H hạnh phúc vô bờ bến khi thai nhi từng bước vượt qua được 10 tuần, rồi 12 tuần. Thế nhưng khi thai nhi phát triển tới tuần thứ 18, chị "chết ngất" khi bị sảy thai một cách tự nhiên.
Nuốt nước mắt vào trong, chị H đi khám tại bệnh viện chuyên khoa, với mong muốn sau đó sẽ thụ tinh trong ống nghiệm.
ThS.BS Trịnh Thị Thúy, chuyên khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, cho biết qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện tử cung của chị H bị nhi tính. Đó cũng chính là nguyên nhân khiến chị H bị thai lưu và sảy thai nhiều lần.
Tử cung nhi tính là một kiểu dị dạng ở buồng tử cung. Người phụ nữ đã trưởng thành nhưng tử cung không phát triển, chỉ nhỏ như tử cung của một đứa trẻ chưa dậy thì. Do tử cung nhỏ, niêm mạc tử cung mỏng nên việc có thai rất khó khăn và nếu có thai rất dễ bị sảy.
Tới nay, tử cung nhi tính chưa xác định được nguyên nhân. Đây là một dị dạng bẩm sinh, có thể do di truyền về gene, hoặc có thể gặp ở những người có bất thường về nhiễm sắc thể. Nếu phát hiện ra ở giai đoạn trước dậy thì, với những bất thường về gene và di truyền thì có thể dùng thuốc, hormone điều trị được. Nếu phát hiện muộn hoặc liên quan đến nhiễm sắc thể thì rất khó khăn trong việc can thiệp và điều trị.
"Trường hợp tử cung nhi tính nếu trưởng thành mà chưa từng mang thai bao giờ thì khả năng có con rất thấp, thậm chí phải chấp nhận việc mang thai hộ. Còn với trường hợp như bệnh nhân H đã từng mang thai nhưng hay bị chết lưu thì vẫn có cơ hội mang thai và sinh con", bác sĩ Thúy cho hay.
Đối với trường hợp của bệnh nhân H đã từng mang thai nên đã được bác sĩ tư vấn làm IVF và sau đó đã chuyển phôi thành công. Từ khi bắt đầu mang thai, chị H được theo dõi rất kỹ lưỡng. Khi thai được 12 tuần, các bác sĩ khâu vòng cổ tử cung chủ động để tránh sảy thai. Tiếp sau đó, chị H phải nằm tại viện theo dõi. Sau 35 tuần mong chờ, chị H đã hạnh phúc được nghe tiếng khóc chào đời của con.
Bác sĩ Thúy lưu ý, tử cung nhi tính rất khó phát hiện, vì khi còn nhỏ, tử cung các bé gái đều nhỏ như nhau. Do vậy, nếu trẻ trên 16 tuổi chưa có kinh thì nên đi khám. Ngoài ra, với trường hợp kết hôn lâu mà không có thai, hoặc có thai nhưng hay bị lưu, sảy thì cũng nên đi khám.