8 người bị rắn độc cắn khi vào hè, bác sĩ đưa ra lời cảnh báo
Mới đây, trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện bệnh viện đang điều trị cho một số bệnh nhân bị rắn độc cắn khi vừa vào hè. Qua đây, bác sĩ cũng đưa ra những cảnh báo cơ bản và hướng dẫn cách sơ cứu khi rắn cắn.
Vừa qua, TS. BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai thông tin, mùa hè là mùa rắn sinh sôi, phát triển nên trong vòng một tuần trở lại đây, hầu như ngày nào cũng có bệnh nhân bị rắn cắn nhập viện.
Đầu tiên là bệnh nhân Lê Việt H. (32 tuổi, Phú Thọ) vào viện tối 14/5 vì bị rắn lục cắn. Người nhà cho biết, khoảng 16h ngày 14/5, khi đi ra ngoài vườn, bệnh nhân bị một con rắn màu xanh to bằng đầu ngón tay trỏ cắn vào mặt trong bàn chân trái. Sau khi bị rắn cắn, bệnh nhân có garo vết thương nhưng vẫn đau nhiều nên được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương rồi chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai.
Còn trường hợp anh Nguyễn Văn Đ. (41 tuổi, ở Khoái Châu, Hưng Yên) khi đang dọn đống gạch cũ lâu ngày, anh đã bị một con rắn hổ mang cắn vào ngón bàn tay phải. Sau đó, bệnh nhân có garo và nặn máu vết cắn. Vị trí bị cắn sưng đau nhiều, tấy đỏ.
Qua đây, BS Nguyên khuyến cáo, mỗi loại rắn độc có độc tính khác nhau, tùy theo loại rắn mà có biện pháp sơ cứu kịp thời. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân chủ quan áp dụng kinh nghiệm dân gian để sơ cứu vết rắn cắn, cho đến khi có các biểu hiện suy hô hấp, tím tái, co cơ… thì mới vội vàng đến các cơ sở y tế.
Theo lời khuyên của bác sĩ, sau khi bị rắn độc cắn, cần sơ cứu đúng cách, nhằm hạn chế tốc độ nọc độc xâm nhập cơ thể. Sau đó đưa người bị rắn cắn đến cơ sở y tế, có đủ điều kiện chữa trị (cấp cứu hô hấp, tim mạch hoặc có huyết thanh kháng nọc rắn đặc trị) để được xử lý kịp thời.
Cách phân biệt rắn thường và rắn độc
– Nếu là rắn thường như: Trăn, rắn nước, rắn ri cá, rắn ri voi, rắn bông súng, rắn lục cườm… thì không có tuyến nọc và không có răng độc mà chỉ có răng hàm, nên khi cắn để lại vết cắn hình vòng cung, dấu răng đều nhau hoặc để lại răng trên vết cắn.
– Rắn độc: Có răng độc. Rắn độc có hai tuyến nọc và hai răng độc, do đó khi cắn mổ từ trên xuống có hình chữ V hoặc hình chấm than song song và thường để lại hai dấu răng trên vết cắn
Biểu hiện nhiễm độc
– Rắn không độc cắn: Phản ứng tại chỗ nhẹ, ít; phản ứng toàn thân không có.
– Rắn độc (rắn hổ, rắn lục): nạn nhân sẽ tăng tiết đàm, sụp mi, mờ mắt, miệng há không được, nuốt khó hoặc sưng nề, chảy máu tại chỗ, chảy máu toàn thân, nôn ra máu…
Sơ cứu khi bị rắn cắn:
Các triệu chứng thường thể hiện rõ ngay sau khi bị rắn cắn, nên việc quan sát nạn nhân là cực kỳ quan trọng.
Cố gắng xác định được loài rắn đã cắn; màu sắc, kích thước, hình dạng đầu, cách thức tấn công, tất cả đều hữu ích.
Để nạn nhân nằm yên và trấn an họ, cử động sẽ khiến máu chảy và truyền nọc đọc đến tim nhanh hơn.
Cố định chân tay nhưng không được hạn chế sự lưu thông của máu
Nới lỏng quần áo của nạn nhân và nếu cần thiết có thể cởi các đồ trang sức (nhẫn, vòng) ở vùng bị cắn.
Cần phải theo dõi sát tình trạng hô hấp của nạn nhân, nếu thở nhanh > 30 lần/phút, yếu, hoặc xuất hiện tím môi phải hô hấp nhân tạo ngay.
Nếu bệnh nhân bị hoại tử: rửa sạch bằng nước muối sinh lý, dùng gạc sạch đậy lên, băng lại, rồi chuyển đi bệnh viện.
Đưa nạn nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
– Nếu bệnh nhân còn tỉnh táo, cần đưa đến bệnh viện lớn, nơi có sẵn huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu, vì huyết thanh kháng nọc rắn nên dùng sớm, tốt nhất trong 4 giờ đầu.
-Tuy nhiên nếu bệnh nhân lơ mơ, hôn mê hay yếu liệt nên đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời. Có thể mang theo con rắn đã cắn bệnh nhân đến cơ sở y tế để bác sĩ xác định thuốc kháng nọc rắn phù hợp.
Điều không nên làm
– Không nên băng garo sau khi bị rắn cắn vì có thể làm máu không lưu thông dẫn đến hoại tử. Và khi đến bệnh viện, bác sĩ tháo băng garo ra thì chất độc sẽ chạy về tim khiến bệnh nhân vào cơn sốc. Bệnh nhân có thể tử vong lập tức.
– Không dùng miệng để hút chất độc ra khỏi vết cắn.
– Không rạch da để mở vết cắn ra.
– Tuyệt đối không được đắp đá, chườm lạnh, đốt vết cắn và tuyệt đối không bôi hóa chất, thuốc, lá cây… lên vết cắn.
– Cách tốt nhất sau khi bị rắn cắn là rửa sạch vết thương, băng quấn kín vết thương bình thường để không tạo áp suất và gây bầm tím, hoặc băng nẹp giống như khi gãy chân tay.
– Trong khi vận chuyển nạn nhân đi cấp cứu nên để vùng bị cắn thấp hơn vị trí của tim, nếu ở chân, tay thì có thể để thõng tay hoặc chân.
Phòng ngừa rắn cắn
– Cảnh giác với rắn sau các cơn mưa, lũ lụt, mùa thu hoạch và ban đêm.
– Không đến gần nơi đống gạch vụn, đống rác, tổ mối, nơi nuôi các động vật.
– Đêm tối nên đi ủng, giày cao cổ và quần dài.
– Đội mũ rộng vành nếu đi trong rừng, khu vực nhiều cây cỏ.
– Dùng đèn nếu ở trong bóng tối hoặc vào ban đêm.
– Không trêu chọc, sờ vào miệng rắn, kể cả rắn chết hay đầu rắn đã cắt rời.
Thế Hiệp (Tổng Hợp)