8 người trẻ và cách chuẩn bị tài chính cho hôn nhân

Kết hôn sau 5 năm hẹn hò, Thanh Nga sẵn sàng chia sẻ mọi quan điểm về tài chính với chồng. Trong khi đó, Minh Hùng chưa sẵn sàng lấy vợ vì chưa tự tin về thu nhập cá nhân.

Kết hôn sau 5 năm hẹn hò, Thanh Nga sẵn sàng chia sẻ mọi quan điểm về tài chính với chồng. Trong khi đó, Minh Hùng chưa sẵn sàng lấy vợ vì chưa tự tin về thu nhập cá nhân.

_____

Kết hôn là một cột mốc đối với nhiều người và chuẩn bị tài chính thế nào trước khi bước vào hôn nhân là vấn đề họ đặc biệt quan tâm.

Một vài đôi chuẩn bị cho hành trang này rất kỹ như chia sẻ thẳng thắn về thu nhập, các khoản nợ, thói quen chi tiêu, song một vài người chưa sẵn sàng cho điều đó.

Zing Lifestyle trò chuyện với 8 người trẻ đang chuẩn bị hoặc đã kết hôn để nghe chia sẻ về những góc nhìn, quan điểm của họ khi chuẩn bị xây dựng một gia đình cho riêng mình.

Tôi và bạn trai đã yêu nhau hơn 4 năm và nghiêm túc nghĩ đến hôn nhân. Tuy nhiên, cả hai đều thống nhất quan điểm chỉ khi nào tài chính đủ mạnh mới về chung một nhà.

Trước hết, chúng tôi đặt mục tiêu mỗi tháng, tổng thu nhập của 2 vợ chồng tối thiểu phải đạt 40 triệu đồng. Tôi ý thức rõ cuộc sống ở thành phố không dễ dàng, chỉ khi đạt được thu nhập trên 40 triệu đồng mỗi tháng, một gia đình 2-3 người mới có thể sống ở mức tạm ổn.

Tôi cũng đã trao đổi với bạn trai các quan điểm về cách dùng tiền trong gia đình của mình.

Thứ nhất, sau khi kết hôn, mỗi người sẽ có một khoản tiền riêng để phục vụ sở thích cá nhân, chiếm khoảng 5% tổng thu nhập hàng tháng.

Thứ hai, hai vợ chồng sẽ sử dụng ngôi nhà bố mẹ bạn trai tặng và chưa có con trong 2 năm đầu. Không mất tiền thuê nhà, chúng tôi sẽ dành khoảng 30% thu nhập để trang trải các khoản phí sinh hoạt như tiền ăn uống, tiền điện, nước…

Số tiền còn lại, tương đương 50-60%, chúng tôi sẽ gửi tiết kiệm ngân hàng. Nếu chi tiêu vượt quá tiết kiệm, cả vợ và chồng sẽ phải tìm thêm cách tăng thu nhập.

Thứ ba, chúng tôi dự kiến sinh 1 con và tạo một sổ tiết kiệm 200 triệu đồng dành riêng cho con. Trong đó, 100 triệu để dành cho con đến khi 18 tuổi, 100 triệu là quỹ sinh đẻ.

Thứ tư, tôi sẽ là người nắm giữ toàn bộ thu nhập của 2 người và quản lý các khoản chi tiêu. Cả 2 người phải nắm được mục tiêu chung để tránh những hiểu lầm, cãi vã không đáng có trong gia đình.

Tôi và người yêu sẽ kết hôn vào cuối năm nay, sau khoảng thời gian 5 năm yêu nhau. Một chặng đường dài đồng hành, tôi thừa nhận cả hai không còn giấu giếm gì với nhau, trong đó có chuyện tiền nong.

Anh biết rõ tài chính của tôi thế nào, thu nhập bao nhiêu, những khoản nợ, trả góp, chi tiêu trung bình mỗi tháng. Ngược lại, tôi cũng nắm được đầy đủ những thông tin này của anh.

Trước khi kết hôn, chúng tôi cùng ngồi xuống tính toán lại với nhau các khoản chi phí và lập ra kế hoạch tài chính dài hạn để có thể sớm mua nhà, mua xe, chuẩn bị cho việc có con.

Để tổ chức đám cưới, tôi và chồng đều quyết định bỏ ra toàn bộ số tiền tiết kiệm của mình, không nhờ đến bố mẹ đôi bên, sau đó tích góp lại. Thu nhập của hai vợ chồng hiện tại khoảng 42 triệu đồng/tháng, sau khi về chung nhà, chúng tôi mong muốn tiết kiệm ít nhất 15 triệu đồng hàng tháng.

Theo tôi với thu nhập của người làm công ăn lương, việc mua được tài sản giá trị lớn như nhà và xe tương đối khó và tốn nhiều thời gian. Song, tôi nghĩ hành trình này sẽ bớt gian nan hơn khi có 2 người cùng đồng hành.

Tôi luôn nhớ tới lời khuyên của một người chị, rằng hầu hết cuộc cãi vã của nhiều cặp đôi đều đến từ vấn đề tài chính. Vì thế, tôi luôn xác định cần phải có một khoản tiết kiệm riêng trước khi kết hôn, đủ để bản thân vững vàng nếu chẳng may cuộc sống hôn nhân xảy ra biến cố.

Khi chuẩn bị bước vào cuộc sống hôn nhân, tôi nghĩ sự minh bạch về tài chính giữa hai vợ chồng là điều cần thiết. Tôi và người yêu thống nhất với nhau, mọi khoản thu nhập sau khi kết hôn là tài sản chung, vì thế chỉ chi tiêu khi có sự đồng ý của cả hai người.

Chúng tôi cũng lên trước một kế hoạch tài chính nếu kết hôn. Cụ thể, hai người sẽ sống trong ngôi nhà do bố mẹ người yêu tặng. Nhờ đó, hàng tháng chúng tôi sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí khoảng 5 – 6 triệu đồng tiền thuê nhà.

Vì mới ra trường, chúng tôi đặt mục tiêu thu nhập mỗi tháng khoảng 30 triệu đồng, trong đó luôn duy trì 50% thu nhập cho việc tiết kiệm.

50% còn lại, tôi sẽ giữ và dùng để chi tiêu sinh hoạt hàng ngày. Trong số này, chúng tôi sẽ dùng 40% cho việc ăn uống; 15% cho việc chi tiêu cá nhân mỗi người; 15% tích lũy cho kế hoạch sinh và nuôi con; 30% cho các chi tiêu khác.

Hiện tại chúng tôi đã kết hôn được 2 năm. Nhờ có kế hoạch tài chính rõ ràng và các mục tiêu tiền bạc cụ thể, chúng tôi có cuộc sống ở mức tương đối tốt tại Hà Nội. Chúng tôi vẫn duy trì các kế hoạch chi tiêu và tiết kiệm như phương án đề ra trước hôn nhân.

Với tôi, tài chính vững mạnh là một trong những tiêu chí hàng đầu để biết mình đã sẵn sàng với việc kết hôn hay chưa.

Năm 2022, tôi cưới chồng, khi đó, tôi và anh đều đã có cho mình những tài sản riêng. Tôi mua được một căn chung cư 2 phòng ngủ tại TP Thủ Đức theo hình thức vay ngân hàng, trả góp trong 13 năm. Còn chồng tôi thời điểm đó đã có nhà riêng, ôtô do chăm chỉ làm việc và tích góp trong thời gian dài.

Chúng tôi xác định những tài sản trước hôn nhân thuộc quyền sở hữu riêng, tránh việc tranh chấp nếu có mâu thuẫn. Cả hai đều yên tâm bước vào hôn nhân vì cảm thấy tài chính đã đủ vững mạnh, không quá lo nghĩ, phụ thuộc vào nhau hay dè sẻn trong chi tiêu.

Hiện tại, tôi dọn về ở nhà của anh, căn hộ của tôi được cho thuê lại để có tiền trả ngân hàng hàng tháng.

Sau khi kết hôn, anh còn cho tôi một số vốn để mở rộng mảng kinh doanh thời trang. Chúng tôi xác định rõ với nhau "tiền ai người nấy tiêu", miễn mỗi tháng đều bỏ vào quỹ chung ít nhất 100 triệu đồng. Trong đó, tôi góp vào chỉ khoảng 30%.

Do thu nhập ổn định, thậm chí là cao so với mức sống tại thành phố, chúng tôi ít khi nào tranh cãi với nhau về vấn đề tiền bạc. Tuy vậy, cả hai thống nhất các khoản chi cá nhân với số tiền lớn nên được trao đổi với nhau rõ ràng, minh bạch.

Nhiều năm qua tôi không ngừng cố gắng trong công việc chỉ với mong muốn duy nhất là có tài chính vững mạnh để lo lắng, chăm sóc cho những người mình yêu thương.

Tôi không muốn vợ tương lai của mình sẽ quá bận tâm về chuyện tiền nong, song vẫn hy vọng cô ấy là người hiểu và biết chia sẻ với mình về những chuyện tài chính.

Với tôi, hai vợ chồng nên thành thật với nhau về mọi khoản chi tiêu, lên kế hoạch lâu dài, phân chia trách nhiệm cụ thể để hướng đến mục tiêu chung. Hiện tại, chúng tôi đều đã nói rõ với nhau về vấn đề này.

Sau khi kết hôn, chúng tôi sử dụng 100% thu nhập của vợ, khoảng 25 triệu đồng/tháng, để chi tiêu trong gia đình.

Còn lại tiền lương của tôi sẽ dành toàn bộ cho việc gửi ngân hàng lấy lãi. Nếu không biến động, trung bình mỗi năm, chúng tôi sẽ tiết kiệm được khoảng 600 triệu đồng. Duy trì kế hoạch này trong 4 năm, gia đình tôi sẽ đủ tiền để mua một căn hộ ở các thành phố vệ tinh mà không cần vay mượn.

Khi có chung một đích đến, tôi thấy cả hai đồng lòng và thấu hiểu hơn nhiều.

Tôi và bạn gái cùng làm việc trong ngành giáo dục ở Hà Nội. Làm cùng lĩnh vực, chúng tôi hiểu rõ thu nhập và các mức chi tiêu của nhau.

Chúng tôi yêu nhau được 5 năm nhưng chưa làm đám cưới vì chưa cảm thấy sẵn sàng. Hiện tại, thu nhập của tôi mới chỉ đủ để trang trải các khoản chi tiêu cá nhân và có một khoản tiết kiệm không đáng kể, bạn gái tôi cũng vậy. Chúng tôi cho rằng hôn nhân và cuộc sống gia đình sẽ tốt hơn khi tài chính đủ vững vàng.

Tôi đang cố gắng để gia tăng thu nhập, đặt mục tiêu tiết kiệm được 100 triệu đồng vào năm 25 tuổi, sau đó mới tính đến chuyện kết hôn. Bạn gái tôi hoàn toàn đồng ý với các mục tiêu này.

Tôi cưới chồng cách đây 2 năm và có con nhỏ 1 tuổi, nhưng thành thật tôi cũng không biết chính xác thu nhập của chồng mình là bao nhiêu, anh ấy cũng tương tự. Đây cũng là quan điểm tự do quản lý tài chính của 2 vợ chồng.

Tôi làm kinh doanh thời trang, chồng tôi là kỹ sư phần mềm và có thêm một số dự án bên ngoài. Trước khi cưới, chúng tôi đều là người độc lập về tài chính, có quan điểm về chuyện tiền nong, tiêu xài khác nhau nên thống nhất cả hai sẽ tự quản lý tiền của mình. Song, quy tắc của chúng tôi là nếu có bất kỳ vấn đề hoặc khó khăn, vướng mắc nào thì phải nói cho đối phương biết.

Sau khi cưới, vợ chồng chúng tôi được bố mẹ hai bên tặng một căn hộ ở trung tâm thành phố, cộng thêm thu nhập ổn định nên tôi và chồng gần như chưa gặp bất kỳ áp lực tài chính nào trong mối quan hệ.

Mỗi tháng, anh đưa tôi 25 triệu đồng để chi tiêu trong gia đình, tôi tự cân đo đong đếm và bù trừ theo từng tháng khác nhau.

Ở thời điểm hiện tại, được tự do quản lý tài chính, tiết kiệm, đầu tư riêng, không phụ thuộc lẫn nhau nhưng vẫn có trách nhiệm với gia đình nhỏ khiến tâm lý chúng tôi thoải mái, không nghĩ ngợi nhiều.

Tôi đã đi làm 3 năm trước khi kết hôn. Trong khoảng thời gian này, tôi chủ yếu dành hầu hết thu nhập của mình để du lịch, mua sắm và báo hiếu bố mẹ. Tôi không có kế hoạch tài chính rõ ràng nên không dành dụm được nhiều trước hôn nhân.

Sau khi kết hôn, tôi ý thức được mình cần có tài chính vững để đạt được những mục tiêu chung của hai vợ chồng như sinh và nuôi con, mua đất, làm nhà...

Từ đó, tôi đã lên kế hoạch chi tiêu cho hàng tháng một cách chi tiết hơn và luôn quản lý các khoản chi tiêu đó một cách khoa học. Tôi thường không cho phép bản thân mua sắm quá đà, các khoản chi đều có giới hạn rõ ràng. Chồng tôi cũng rất tôn trọng các nguyên tắc mà tôi đặt ra.

Chúng tôi sống ở quê, không có quá nhiều nhu cầu đòi hỏi chi tiêu như ở thành phố. Lương của vợ chồng tôi tương đương nhau, vì vậy chúng tôi quyết định chỉ tiêu lương của vợ hoặc chồng và tiết kiệm lương của người còn lại.

Hiện tại, tôi là người quản lý toàn bộ thu nhập của cả 2 vợ chồng. Nhờ sự minh bạch về tài chính, chồng tôi luôn yên tâm giao tiền cho vợ.

Lâm Tùng - Mỹ Trinh

Đồ họa: Mỷ Thi

Nguồn Znews: https://lifestyle.zingnews.vn/8-nguoi-tre-va-cach-chuan-bi-tai-chinh-cho-hon-nhan-post1444939.html