8 ưu điểm nổi bật Đảng bộ Bộ GD&ĐT trong nhiệm kỳ 2015 – 2020

Dự thảo báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ Bộ GD&ĐT lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025 nêu lên 5 ưu điểm trong thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ lần thứ VI, nhiệm kỳ 2015 – 2020.

Ảnh minh họa/internet

Ảnh minh họa/internet

Thứ nhất, Đảng ủy Bộ và các cấp ủy trực thuộc đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, Đảng bộ Khối, Đảng bộ Bộ và tình hình thực tiễn để cụ thể hóa thành các nhiệm vụ trọng tâm, các chương trình, kế hoạch công tác và quan tâm chỉ đạo thực hiện đạt nhiều kết quả rõ rệt.

Vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy bước đầu đã được phát huy, tính chiến đấu của các tổ chức đảng được nâng cao; dân chủ, đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ Bộ được đề cao.

Thứ hai, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị gắn với các quy định về trách nhiệm nêu gương được toàn Đảng bộ Bộ thực hiện nghiêm túc với quyết tâm chính trị cao.

Qua đó, kịp thời ngăn chặn, phòng ngừa, chấn chỉnh và xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” trong nội bộ, góp phần xây dựng Đảng bộ Bộ trong sạch, vững mạnh.

Thứ ba, công tác chính trị, tư tưởng, đạo đức đã thực sự được đẩy mạnh và có nhiều đổi mới. Việc tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo mục đích, yêu cầu; hình thức nghiên cứu, học tập nghị quyết tiếp tục được đổi mới; việc xây dựng chương trình hành động đã chú trọng đến tính khả thi, từng bước khắc phục tình trạng hình thức.

Công tác giáo dục lịch sử truyền thống được coi trọng. Tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ Bộ ổn định, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu lý tưởng, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống lành mạnh, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thứ tư, công tác tổ chức, cán bộ có nhiều đổi mới, chuyển biến tích cực rõ nét, đạt được những kết quả quan trọng về kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng, nâng cao chất lượng đảng viên, từng bước chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương.

Tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng chi bộ và sinh hoạt chi bộ; công tác thi đua, khen thưởng được thực hiện kịp thời, chặt chẽ, đúng đối tượng; công tác bảo vệ chính trị nội bộ được coi trọng và đạt kết quả thiết thực.

Các khâu trong công tác cán bộ được triển khai đồng bộ,gắn kết quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng và bổ nhiệm cán bộ. Công tác cán bộ được thực hiện dân chủ, công khai, đảm bảo quy trình hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương và Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương.

Thứ năm, công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy, tổ chức đảng được quan tâm và có nhiều chuyển biến với phương châm giám sát mở rộng, kiểm tra trọng tâm, trọng điểm. Công tác kiểm tra, giám sát góp phần ngăn chặn vi phạm, khuyết điểm trong cán bộ đảng viên và tổ chức đảng, giữ nghiêm kỷ luật đảng.

Chủ động đổi mới công tác tập huấn nghiệp vụ cho cấp ủy và ủy viên ủy ban kiểm tra.Cụ thể hóa việc đánh giá kết quả thực hiện của các tổ chức đảng thông qua việc xây dựng các chỉ tiêu đánh giá định lượng việc thực hiện công tác kiểm tra, giám sát; góp phần vào việc đánh giá phân loại, thi đua, khen thưởng tổ chức đảng cuối năm.

Nhận thức và nghiệp vụ của cấp ủy về công tác KTGS đã dần được nâng lên, góp phần quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ nghiêm kỷ cương kỷ luật của Đảng.

Thứ sáu, công tác dân vận trong cơ quan nhà nước và lãnh đạo các đoàn thể được tăng cường, cấp ủy các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của các đoàn thể; phát huy vai trò của các đoàn thể trong tham gia xây dựng đảng, xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh.

Thứ bảy, Đảng ủy Bộ và các đảng ủy trực thuộc đã chủ động trong việc phối hợp với Ban Cán sự đảng và lãnh đạo cơ quan, đơn vị chỉ đạo cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động phát huy tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn, tham mưu, đề xuất nhiều giải pháp triển khai thực hiện và hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của Bộ và các đơn vị.

Đồng thời tăng cường quản lý, giám sát đảng viên trong việc tham mưu xây dựng văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách bảo đảm đúng đường lối, quan điểm của Đảng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; đảm bảo an sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Thứ tám, lãnh đạo chỉ đạo các tổ chức đảng, đảng viên thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Hệ thống giáo dục quốc dân từng bước được củng cố và sắp xếp lại; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã thể chế hóa quan điểm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của Đảng và Nhà nước, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn để phát triển và hội nhập quốc tế;

Giáo dục mầm non đã đạt chuẩn phổ cập cho trẻ 5 tuổi; chất lượng giáo dục phổ thông có chuyển biến tốt cả về đại trà và mũi nhọn; phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở được duy trì vững chắc;

Quản trị đại học có chuyển biến tích cực, chất lượng được nâng cao; số công trình khoa học công bố trong nước và quốc tế tăng mạnh;công tác khuyến học, khuyến tài đạt kết quả tốt, phong trào xây dựng mô hình học tập cộng đồng phát triển mạnh mẽ;

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tăng về số lượng và nâng cao trình độ đào tạo; công tác quản lý giáo dục từng bước được đổi mới, coi trọng quản lý chất lượng;

Bước đầu thực hiện tốt chủ trương đẩy mạnh quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục; công tác thanh tra, kiểm tra để nắm bắt tình hình thực tế thi hành pháp luật, việc thực hiện nhiệm vụ được chú trọng; công tác truyền thông thực hiện bài bản.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thoi-su/8-uu-diem-noi-bat-dang-bo-bo-gddt-trong-nhiem-ky-2015-2020-pJ351HNMg.html