80% bệnh nhân bị tai nạn lao động không được trang bị an toàn bảo hộ
Thời gian gần đây, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức liên tiếp tiếp nhận và điều trị nhiều trường hợp nhập viện do tai nạn lao động. Đáng chú ý, có tới 80% bệnh nhân bị tai nạn lao động là lao động tự do và không được trang bị an toàn bảo hộ khi làm việc.
Gần đây nhất là trường hợp của nữ bệnh nhân N.T.T., 52 tuổi, ở Nam Định phải cắt cụt 1 ngón bàn chân do bị cuốn vào máy làm gạch.
TS Trần Mạnh Hùng – Khoa Phẫu thuật Chi dưới, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, ngày 10/9, bệnh nhân T. nhập viện trong tình trạng tỉnh, glasgow 15 điểm, huyết động ổn. Bàn chân phải có 1 vết thương kích thước 10x5cm, nham nhở, nhiều dị vật bẩn và máu cục, lan từ mặt trong bàn chân phải đến mặt dưới gan bàn chân phải, lộ đầu xương gãy và gân cơ đứt.
Trong mổ, tổn thương dập nát ngón 1 chân phải, gãy hở xương bàn 3,4 chân phải. Các bác sĩ đã tiến hành sửa mỏm cụt ngón 1, cắt lọc, găm kim xương đốt bàn ngón 3,4. Sau 3 ngày phẫu thuật, hiện tại bệnh nhân tỉnh, ổn định, vết mổ chân phải khô, tiếp tục theo dõi tại khoa và dự kiến ra viện trong vài ngày tới.
Bệnh nhân nam, Đ.V.T., 50 tuổi, ở Hà Nam cũng đang điều trị chấn thương cột sống do tai nạn lao động tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Ông T. làm thợ xây hơn 10 năm nhưng chưa một lần dùng bảo hộ lao động trong quá trình làm việc.
Do sơ sẩy, ông bị ngã cao từ giàn giáo dẫn đến vỡ đốt sống. Ông T. cho biết: “Chúng tôi đi làm tư nhân không có bảo hộ, không có bảo hiểm thiết bị gì bảo hộ cho mình cả. Biết là có nhiều rủi ro không may xảy ra, không ai mong muốn tai nạn nhưng giờ cũng phải chịu, chỉ mong chữa được bệnh để sớm đi làm lại vì tôi là lao động chính trong gia đình”.
Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, số ca tai nạn lao động như ngã giàn giáo, đổ tường, do máy làm gạch, máy cưa, máy cày… nhập viện ngày càng gia tăng và hầu hết người lao động không được trang bị đồ bảo hộ.
Tai nạn lao động có thể chỉ gây chấn thương nhẹ, nhưng nặng hơn là gãy tay, chân, nhiều trường hợp phải cắt cụt tay, chân, một số trường hợp bị liệt, mất khả năng vận động, phải sống thực vật suốt đời. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến người lao động mà còn trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội.
Các bác sĩ khuyến cáo, người dân cần cẩn trọng trong quá trình lao động, sản xuất, cần được trang bị đầy đủ các phương tiện phòng hộ lao động cần thiết và nghiêm túc tuân thủ quy định an toàn lao động để tránh những tai nạn thương tâm xảy ra.