80% dân số Indonesia có thể đã mang kháng thể chống lại biến thể Delta

Số ca mắc COVID-19 tại Indonesia giảm thấp trong vài tháng qua có thể là do có tới 80% dân số nước này đã mang kháng thể chống lại biến thể Delta.

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 22/11, các quốc gia trong khối ASEAN ghi nhận 21.931 ca mắc COVID-19 và 477 ca tử vong. Tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch hiện xấp xỉ 13,8 triệu ca, trong đó trên 287.000 người tử vong.

Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á hiện đang có xu thế đi ngang, tuy nhiên, diễn biến dịch tại Thái Lan, Malaysia, Việt Nam và Philippines vẫn khá căng thẳng.

Ngày 22/11, khu vực ASEAN có 8/10 nước ghi nhận ca COVID-19 mới, 7 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Lào và Việt Nam.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Jakarta, Indonesia, ngày 5/11/2021. Ảnh: THX

Đáng chú ý, tại Indonesia, nhà dịch tễ học Citra Indriani của Đại học Gadjah Mada (UGM) cho rằng có thể phần lớn dân số Indonesia đã nhiễm biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 trong các làn sóng dịch trước đây, từ đó đã tạo ra kháng thể tự nhiên.

Căn cứ xu hướng sụt giảm mạnh các ca lây nhiễm trong 3 - 4 tháng qua, ông Citra nhận định sự sụt giảm này là do Indonesia đã đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng thông qua lây nhiễm tự nhiên. Theo tính toán của chuyên gia này, với tổng số dân 270,2 triệu người tính đến tháng 9/2020 thì đã có khoảng 80% dân số Indonesia (tương đương 216 triệu người) có khả năng đã mang kháng thể chống Delta.

Trong một bài đăng trên trang web chính thức của UGM, ông Citra nhận định, với hơn 50% bệnh nhân COVID-19 không có triệu chứng, có thể 80% dân số Indonesia đã nhiễm biến thể Delta.

Tuy nhiên, ông Citra cảnh báo rằng làn sóng lây nhiễm thứ ba vẫn có thể xảy ra dù phần lớn người dân đã mang sẵn kháng thể tự nhiên. Nếu Indonesia bị tấn công bởi một biến thể mới của virus SARS-CoV-2, rất có thể số ca lây nhiễm sẽ gia tăng đột biến. Do vậy, ông Citra hy vọng chính phủ sẽ đẩy nhanh chương trình tiêm chủng nhằm giảm thiểu mức độ nghiêm trọng trong trường hợp xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ ba.

Ông Citra nhấn mạnh đa số những người nhiễm và tử vong do COVID-19 trong làn sóng lây nhiễm thứ nhất hồi tháng 1/2021 và làn sóng lây nhiễm thứ hai hồi tháng 6 và 7 vừa qua đều chưa được tiêm phòng. Do vậy, một trong những nỗ lực để kiểm soát COVID-19 ở Indonesia là tiêm chủng. Ông Citra bày tỏ hy vọng rằng trong trường hợp xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ ba vào cuối năm nay hoặc đầu năm tới, hệ thống y tế của Indonesia sẽ không bị quá tải như hồi tháng 7 vừa qua.

Thế Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/80-dan-so-indonesia-co-the-da-mang-khang-the-chong-lai-bien-the-delta-post168232.html