80% hàng nông sản Việt xuất khẩu thông qua các thương hiệu nước ngoài
Việt Nam mới chỉ tham gia được ở khâu tạo ra giá trị ít nhất trong chuỗi giá trị nông sản toàn cầu. Bởi vậy 80% hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu phải thông qua thương hiệu nước ngoài.
Chỉ cung cấp được nông sản thô
Đó là nhận định của ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại “Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam: Liên kết để tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu” vào sáng 8/10.
Ông Hoàng Quang Phòng nhận định, Việt Nam là một quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp với nhiều lợi thế trong sản xuất các mặt hàng nông sản nhiệt đới. Từ năm 2013-2018, công nghiệp chế biến nông sản cả nước đã có tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng hàng năm đạt khoảng 5-7%. Kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng mạnh, bình quân tăng khoảng 8-10%; năm 2018 đạt mức kỷ lục 40,02 tỷ USD. Hiện tại Việt Nam đang là một trong những nước xuất khẩu nông sản lớn trong khu vực và thế giới với nhiều sản phẩm đặc trưng như: Cà phê, điều, hồ tiêu, chè, gạo, đứng thứ 15 trên thế giới về xuất khẩu nông sản và các sản phẩm đã có mặt trên gần 190 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Có thể nói Việt Nam đang có vị trí ngày càng quan trọng trong thị trường hàng nông sản thế giới.
Mặc dù đạt được một số thành tựu và đang có nhiều lợi thế như vậy, nhưng trong thời gian qua, nông sản Việt Nam vẫn chưa phát huy hết được tiềm năng và thế mạnh của mình. Trong quá trình tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, nông sản Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp đầu vào là nông sản thô, trong khi giá trị gia tăng đối với hàng nông sản lại chủ yếu do khâu chế biến, bao gói và hoạt động thương mại. Về thương hiệu thì nông sản Việt Nam được bán ra ngoài thị trường thế giới, có đến 80% hàng nông sản thông qua các thương hiệu nước ngoài. Nói một cách khác, Việt Nam mới tham gia được ở khâu tạo ra giá trị ít nhất trong chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.
Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đang ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, đồng thời đã tham gia ký kết được nhiều FTA, đặc biệt Hiệp định CPTPP và EVFTA. Bên cạnh các cơ hội từ các hiệp định này mang lại là giúp mở rộng thị trường hơn nữa cho những sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam, các hiệp định này đều có độ cam kết và mở rộng toàn diện, do đó nông nghiệp Việt Nam nói chung và ngành nông sản nói riêng đã và đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ như: quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chất lượng nông sản chưa đồng đều, việc ứng dụng công nghệ nhất là công nghệ cao còn hạn chế, đặc biệt là việc liên kết theo chuỗi sản xuất giá trị còn hạn chế.
Mô hình liên kết thiếu và yếu
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thanh Tùng, Trưởng phòng Tín dụng ngành nông nghiệp, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đánh giá, ngành nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức như vấn đề về thương hiệu, chất lượng sản phẩm… Do đó, việc tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị và ứng dụng khoa học công nghệ được xem là động lực then chốt cho sự phát triển của nền nông nghiệp bền vững.
Tuy nhiên, trên thực tế mô hình liên kết này chưa phát triển nhân rộng ra được do chuỗi liên kết ấy còn thiếu vốn chưa đủ nguồn lực chính để thực hiện. Bởi, việc tổ chức sản xuất theo các mô hình liên kết vẫn bộc lộ hạn chế do khả năng hợp tác, liên kết của người dân còn yếu, số lượng mô hình chuỗi nông sản an toàn chưa nhiều; hợp đồng liên kết thiếu chặt chẽ, hiện tượng vi phạm hợp đồng liên kết của người dân, doanh nghiệp đầu mối còn phổ biến, gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong việc kiểm soát dòng tiền khi cho vay chuỗi.
Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp luôn tiềm ẩn rủi ro do thiên tai, dịch bệnh; trong khi các công cụ phòng ngừa và hạn chế rủi ro trong nông nghiệp còn chậm triển khai. Lĩnh vực xuất khẩu nông sản luôn phải đối mặt với rào cản thương mại ngày càng phức tạp, khắt khe trong bối cảnh Việt Nam đang gia nhập ngày càng sâu rộng vào các hiệp định thương mại quốc tế.
Mặt khác, nhiều doanh nghiệp nông nghiệp chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn do phương án sản xuất kinh doanh thiếu khả thi, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính còn hạn chế, công tác hạch toán kế toán thiếu chuyên nghiệp, thông tin tài chính thiếu minh bạch, thiếu tài sản đảm bảo dẫn đến khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng của các doanh nghiệp nông nghiệp còn hạn chế.
Tăng cường áp dụng các quy chuẩn để nâng cao chất lượng sản phẩm
Để giải quyết những khó khăn trên, ông Phòng nhấn mạnh việc xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ nông sản và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực sẽ là giải pháp giúp nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững cũng như giúp nông sản Việt Nam có thể đạt được giá trị tăng cao hơn khi tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.
Dưới góc độ ngân hàng, bà Nguyễn Thị Thanh Tùng đưa ra giải pháp, trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh các giải pháp thúc đẩy tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn nói chung và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào chuỗi giá trị nông sản. Đồng thời, để chính sách tín dụng có hiệu quả, Ngân hàng Nhà nước cũng mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương.
Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, với vai trò là cơ quan đầu ngành đã đưa ra những giải pháp cụ thể nhằm tăng cường liên kết, nâng cao giá trị gia tăng cho chuỗi giá trị nông sản trên cả nước là: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản và các quy chuẩn tiêu chuẩn, thông tin về thị trường (giá cả, dự báo thị trường...); tuyên truyền về các mô hình liên kết hiệu quả, các tiến bộ khoa học kỹ thuật; thường xuyên thông tin, truyền thông về các vùng sản xuất an toàn thực phẩm, các thương hiệu, chỉ dẫn địa lý... đến các kênh phân phối, người tiêu dùng để ưu tiên kết nối cung - cầu, lựa chọn tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh đó, tăng cường áp dụng các quy chuẩn tiêu chuẩn để nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu; hỗ trợ nông dân các kiến thức về sản xuất theo các tiêu chuẩn quy định (VietGap, GlobalGap, Oganic...) nhằm sản xuất ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm; hỗ trợ sơ chế, đóng gói các sản phẩm nông nghiệp.
Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân phải được đào tạo tập huấn tăng cường năng lực thông qua các lớp đào tạo, tập huấn kiến thức về kỹ thuật sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp, kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, về các điều kiện để nông sản thực phẩm vào kênh phân phối hiện đại, các kênh xuất khẩu, kiến thức về thương mại điện tử, kiến thức liên quan đến thị trường, tư vấn thiết kế mẫu mã sản phẩm...
Ngoài ra, cần thúc đẩy xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, đăng ký và bảo hộ thương hiệu, nhất là các thương hiệu quốc gia, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể...