80 năm ra đời 'Đề cương về Văn hóa Việt Nam' (1943-2023): Giá trị sơ khai, sức sống hiện tại

Tại tọa đàm 80 năm ra đời 'Đề cương về Văn hóa Việt Nam' (1943-2023) do Liên hiệp Các Hội văn học nghệ thuật (VHNT) TPHCM tổ chức ngày 20-4, PGS-TS Trần Luân Kim, Trưởng ban Lý luận phê bình Liên hiệp Các Hội VHNT, khẳng định: 'Đề cương lấy 3 nguyên tắc Dân tộc - Khoa học - Đại chúng làm trụ cột và đó là khởi nguồn sinh động cho tính dân tộc và tính hiện đại - những đặc tính, nguyên tắc gốc rễ của nền VHNT nước ta'.

Một tiết mục trong chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống tại khu vực trung tâm TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Một tiết mục trong chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống tại khu vực trung tâm TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

3 nguyên tắc trụ cột

Theo PGS-TS Trần Luân Kim, có thể hiểu 3 nguyên tắc vận động trong đề cương như sau: Dân tộc làm cho văn hóa trực tiếp phục vụ sự nghiệp dân tộc, làm cho trí thức có lòng tự hào, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam; Đại chúng là văn hóa của nhân dân, phục vụ nhân dân, làm cho mọi người biết thưởng thức và tham gia sáng tạo nghệ thuật, dần dần chiếm lĩnh các giá trị tinh thần mà dân tộc và loài người tạo ra, chống mọi chủ trương, hành động làm cho văn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa rời quần chúng; Khoa học là tạo điều kiện cho nền văn hóa dân chủ phát triển về mọi mặt trên cơ sở khoa học.

Về các lĩnh vực VHNT, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Quốc Dũng (Hội Nhiếp ảnh TPHCM) chia sẻ: “Hình ảnh do người nghệ sĩ nhiếp ảnh sáng tạo ra, không chỉ tuân thủ mà còn cần vận dụng sáng tạo những nguyên tắc của đề cương đặt ra. Đảm bảo nguyên tắc dân tộc hóa, hình ảnh khi chụp ở Việt Nam cần mang tính dân tộc cao. Đó là ảnh về Việt Nam, cho Việt Nam và vì Việt Nam. Tiếp theo, ảnh phải dành cho số đông quần chúng trong xã hội, được số đông quần chúng tán thưởng và ảnh cần mang tính khoa học cao nhất. Chúng ta đều biết tính khoa học luôn gắn liền với sự tiến bộ của xã hội. Để đạt được điều này đòi hỏi người cầm máy phải tự hoàn thiện mình, nâng cao ý thức chính trị xã hội, có khả năng sáng tạo nghệ thuật, tinh thông kỹ thuật và biết về kinh tế. Đây cũng chính là những bước phát triển về nhân lực trong nhiếp ảnh”.

Vận dụng linh hoạt, hài hòa

Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu ngày càng mạnh mẽ, các chuyên gia lo ngại làn sóng tiếp biến văn hóa và sự bùng nổ của công nghệ dễ khiến giá trị sáng tạo nghệ thuật có nguy cơ bị lu mờ. Do đó, với khái niệm hài hòa, tổng hợp giữa tính nội sinh và ngoại sinh, tính cổ truyền và hiện đại, đòi hỏi người sáng tạo nghệ thuật phải biết tìm kiếm những nét điển hình, độc đáo, đặc sắc của dân tộc mình kết hợp với đặc điểm chặt chẽ, xu hướng sáng tác mới từ nước ngoài. Kiến trúc sư Phạm Tứ bày tỏ: “Thực tế đời sống xã hội cho thấy ở nhiều lĩnh vực VHNT, trong đó có nghệ thuật kiến trúc chưa thật sự phát triển tương xứng với tiềm năng của đất nước cũng như kỳ vọng của người dân. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, một mặt có nhiều cơ hội quảng bá văn hóa truyền thống, nhưng mặt khác cũng chịu không ít tác động làm mai một văn hóa truyền thống. Ở lĩnh vực kiến trúc, nhất là kiến trúc nhà ở, môi trường ở đô thị, môi trường ở nông thôn hay môi trường ở mỗi vùng miền khác nhau đang cho thấy bức tranh chung về văn hóa ít có sự khác biệt, kể cả bản sắc vùng miền”.

Bên cạnh lo lắng ảnh hưởng từ làn sóng văn hóa bên ngoài, nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, cho rằng: “Lâu nay, chúng ta vẫn có những tác phẩm văn học, sân khấu hay điện ảnh đặt hàng từ cơ quan nhà nước, nhưng chúng ta vẫn chưa có những cuộc khảo sát sau đó. Liệu tác phẩm hoàn thành, công diễn hay công chiếu 1 lần rồi có những lần sau; công chúng có được tiếp cận rộng rãi không? Tác phẩm hoàn thành phải đến được với công chúng, chứ không thể làm cho xong, để báo cáo rồi thôi”.

Theo các chuyên gia, 80 năm hay nhiều hơn nữa, Đề cương về Văn hóa Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị để chúng ta soi rọi. Nhưng tiến trình hội nhập và phát triển đã đặt ra những thách thức, đòi hỏi chúng ta phải biết vận dụng linh hoạt những giá trị của buổi ban đầu để hài hòa cùng dòng chảy đương thời. Và để nghệ thuật Việt Nam vươn tầm, cần có sự chung tay, cộng hưởng từ cơ quan quản lý, người làm nghệ thuật, công chúng… để nghệ thuật trong nước phát triển vững mạnh, trước khi bước ra bên ngoài cạnh tranh.

Nhiều tham luận tại tọa đàm nhận định, Đề cương về Văn hóa Việt Nam không chỉ là nền tảng tư tưởng soi đường cho quốc dân đi, mà những nguyên tắc sơ khai của đề cương vẫn còn nguyên giá trị; trở thành thước đo để những người làm văn hóa nghệ thuật hôm nay tiếp tục soi rọi và nhìn nhận lại những vấn đề tồn tại trong làn sóng tiếp biến văn hóa ngày càng mạnh mẽ.

THIÊN THANH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/80-nam-ra-doi-de-cuong-ve-van-hoa-viet-nam-1943-2023-gia-tri-so-khai-suc-song-hien-tai-post686595.html