80 năm vững bước dưới Quân kỳ Quyết thắng: Xây dựng các đại đoàn chủ lực để nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm xây dựng, phát triển bộ đội chủ lực nhằm nâng cao sức mạnh chiến đấu với quy mô tác chiến ngày càng lớn.

Trên cơ sở các trung đoàn chủ lực mạnh của Bộ và các liên khu, ta xây dựng thành các đại đoàn chủ lực cơ động chiến lược trực thuộc Bộ Tổng Tư lệnh. Đây là bước ngoặt đánh dấu sự phát triển vượt bậc về quy mô tổ chức biên chế của Quân đội ta và các đại đoàn đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong chiến đấu khi đánh bại âm mưu, thủ đoạn của quân Pháp-đội quân xâm lược nhà nghề, trang bị vũ khí tối tân và trình độ tác chiến hiện đại.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khi thực dân Pháp quay lại xâm lược, trên cơ sở xây dựng các chi đội (cuối năm 1945), trung đoàn (đầu năm 1946), ta đã sớm nâng quy mô tổ chức các đơn vị bộ đội chủ lực từ cấp trung đoàn lên các đại đoàn: Đại đoàn 1, 2 ở Bắc Bộ; 23, 27, 31 ở Nam Trung Bộ (năm 1946) và Đại đoàn Độc Lập thuộc Bộ (năm 1947).

 Lễ thành lập Đại đoàn 308 - Đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, ngày 28-8-1949. Ảnh tư liệu

Lễ thành lập Đại đoàn 308 - Đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, ngày 28-8-1949. Ảnh tư liệu

Tuy nhiên, thực tiễn việc tổ chức xây dựng các đại đoàn khi đó chưa thực sự phù hợp với điều kiện của đất nước và Quân đội, nhất là đội ngũ cán bộ chưa được đào tạo cơ bản, trình độ chỉ huy còn hạn chế, bộ đội chưa được huấn luyện về kỹ thuật, chiến thuật rõ ràng, khả năng bảo đảm hậu cần, kỹ thuật chưa thể đáp ứng. Nhận ra điều đó, ta đã kịp thời giải thể, tạm đình chỉ việc xây dựng các đại đoàn, đồng thời tiếp tục nghiên cứu, từng bước hoàn chỉnh cơ cấu tổ chức đại đoàn chủ lực để khi có điều kiện thì thành lập, làm nòng cốt cho toàn quân, toàn dân kháng chiến.

Tháng 2-1949, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam mở hội nghị tổ chức xây dựng lực lượng, thống nhất phương án tổ chức biên chế của một đại đoàn chủ lực trực thuộc Bộ và đề nghị Bộ Quốc phòng ban hành quy chế về tổ chức biên chế của đại đoàn chủ lực. Bộ Tổng Tham mưu chủ trương tăng cường quân số và vũ khí, trang bị cho các trung đoàn chủ lực của Bộ và liên khu, xây dựng thành những trung đoàn mạnh làm nòng cốt để nâng quy mô tổ chức thành các đại đoàn chủ lực.

Từ giữa năm 1949, cục diện trên các chiến trường có sự thay đổi, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải nỗ lực phấn đấu đẩy mạnh cuộc kháng chiến phát triển lên một bước mới. Để đáp ứng yêu cầu tác chiến tập trung quy mô ngày càng lớn, giáng cho quân địch những đòn tiêu diệt nặng nề, làm chuyển biến cục diện chiến tranh, đưa kháng chiến đi tới thắng lợi, việc xây dựng các đại đoàn chủ lực có sức cơ động cao, làm lực lượng nòng cốt quyết định trong các chiến dịch có ý nghĩa chiến lược trở thành yêu cầu khách quan. Thời điểm này, Quân đội ta cũng đã có đầy đủ các điều kiện cả khách quan và chủ quan để tổ chức các đại đoàn chủ lực không chỉ ở căn cứ địa, hậu phương Việt Bắc, vùng tự do Thanh-Nghệ-Tĩnh mà trên cả các hướng chiến lược quan trọng ở Đồng bằng Bắc Bộ và Bình-Trị-Thiên.

Chủ trương tập trung xây dựng các đại đoàn chủ lực đã được Đảng, Nhà nước thống nhất, giao cho Tổng Chính ủy (từ tháng 10-1951 là Tổng Quân ủy) và Bộ Quốc phòng-Tổng Chỉ huy (từ tháng 3-1949 là Bộ Quốc phòng-Bộ Tổng Tư lệnh) trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện. Các đại đoàn chủ lực lần lượt ra đời, đầu tiên là Đại đoàn Bộ binh 308 mang danh hiệu “Đại đoàn Quân Tiên Phong” được thành lập ngày 28-8-1949; tiếp đó là các đại đoàn bộ binh: 304 (Đại đoàn Vinh Quang, thành lập ngày 10-3-1950); 312 (Đại đoàn Chiến Thắng, thành lập ngày 27-12-1950); 320 (Đại đoàn Đồng Bằng, thành lập ngày 16-1-1951); 316 (Đoàn Bông Lau, thành lập ngày 1-5-1951); 325 (Đại đoàn Bình-Trị-Thiên, thành lập ngày 5-12-1952) và Đại đoàn công-pháo 351 (thành lập ngày 27-3-1951).

Theo biên chế, quân số mỗi đại đoàn bộ binh gần 10.000 người, có các trung đoàn bộ binh, tiểu đoàn pháo, đơn vị trinh sát, công binh, thông tin, vận tải, cảnh vệ, quân y và các cơ quan trực thuộc.

Việc tổ chức xây dựng các đại đoàn chủ lực trong giai đoạn 1949-1952 đánh dấu bước phát triển mới về quy mô tổ chức biên chế, là một thay đổi cơ bản về chất, góp phần quan trọng nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội ta. Đây chính là lực lượng quân sự chủ lực hết sức quan trọng, làm nòng cốt cho LLVT và toàn dân đánh thắng những chiến dịch có ý nghĩa chiến lược, đỉnh cao là giành thắng lợi quyết định trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Bài học về tổ chức xây dựng các đại đoàn chủ lực cách đây hơn 70 năm vẫn nguyên giá trị, cần kế thừa và phát triển phù hợp với điều kiện mới của đất nước, nhất là hiện nay chúng ta đang thực hiện mục tiêu xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Toàn quân tiếp tục quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI.

Đồng thời, thực hiện chủ đề năm 2024 “Năm cơ bản hoàn thành điều chỉnh tổ chức lực lượng theo hướng tinh, gọn, mạnh”, tạo nền tảng để từ năm 2030 xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn quân tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 17-1-2022 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 230-NQ/QUTW ngày 2-4-2022 của Quân ủy Trung ương về lãnh đạo thực hiện tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo bảo đảm đúng lộ trình, kế hoạch đề ra.

Các cơ quan, đơn vị phát huy những kinh nghiệm, kết quả đạt được trong thời gian qua và bám sát lộ trình điều chỉnh lực lượng để xác định nội dung, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo và hướng dẫn, tổ chức thực hiện phù hợp với kế hoạch của Bộ Quốc phòng, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của toàn quân, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới.

DƯƠNG ĐÌNH LẬP

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/vung-buoc-duoi-quan-ky-quyet-thang/80-nam-vung-buoc-duoi-quan-ky-quyet-thang-xay-dung-cac-dai-doan-chu-luc-de-nang-cao-suc-manh-chien-dau-cua-quan-doi-792122