80% quảng cáo từ báo chí 'chảy' sang mạng xã hội
Trả lời chất vấn của nhiều đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ thực tế, nguồn thu từ phát hành báo chí ngày càng giảm, 80% quảng cáo từ báo chí chính thống 'chảy' vào các nền tảng mạng xã hội.
Nguồn kinh phí sự nghiệp dịch vụ công của nhà nước cấp cho cơ quan báo chí hiện còn thấp, chưa đồng đều và chưa thường xuyên. Năm 2023, chi đầu tư phát triển báo chí chiếm khoảng 0,2% tổng chi đầu tư ngân sách.
Nguồn thu của báo chí chính thống giảm mạnh
Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá một số quy định của Luật Báo chí chưa kịp thời điều chỉnh những bất cập, chưa có cơ chế thúc đẩy sự phát triển của báo chí trong bối cảnh nguồn thu giảm mạnh.
Bộ đề xuất sớm sửa đổi các quy định liên quan đến chính sách phát triển báo chí, cấp phép hoạt động báo chí, quản lý thẻ nhà báo, tiêu chuẩn lãnh đạo cơ quan báo chí, cũng như quy định về hoạt động tác nghiệp của các phóng viên chưa có thẻ, văn phòng đại diện, phóng viên thường trú.
Thời gian tới, Bộ đề nghị Chính phủ xem xét khi sửa đổi bổ sung Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng. Theo đó, báo, đài thuộc nhóm đặc thù để thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng được áp ở mức thấp hơn hiện nay (dự kiến còn 10%).
Bộ cũng sẽ phối hợp với Bộ Tài chính đánh giá tình hình thực hiện và đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ báo chí phát triển, điều chỉnh một số quy định về cơ chế tự chủ tài chính đơn vị sự nghiệp công lập, cơ chế đặt hàng, định giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước nhằm tháo gỡ khó khăn cho cơ quan báo chí.
Bộ cũng hướng đến kiểm soát và điều tiết nguồn thu quảng cáo trên không gian mạng theo hướng chuyển về các hệ sinh thái nội dung trong nước, để báo chí có nguồn thu chính đáng, công bằng hơn từ nguồn quảng cáo sạch.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng nói: “Cách đây nhiều năm khi kinh tế thị trường mới phát triển, các doanh nghiệp bắt buộc phải quảng cáo để bán hàng và chi khá nhiều tiền cho quảng cáo trên báo chí. Khi đó nhiều cơ quan báo chí mong muốn tự chủ để có cơ chế thông thoáng hơn. Không ai ngờ mạng xã hội xuất hiện, 80% quảng cáo rơi vào tay mạng xã hội, trong khi có đến 880 cơ quan báo chí, nguồn thu thì giảm rất mạnh”.
Ngành Thông tin và truyền thông hiện nay có doanh thu hàng năm 150 tỷ USD, bằng 1/3 GDP của cả nước, tăng trưởng luôn cao hơn 2 lần tăng trưởng GDP.
Xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật báo chí
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) cho biết, trong phần trả lời của mình, Bộ trưởng nhận định nhiều cơ quan báo chí hiện đã đảm bảo tự chủ một phần chi thường xuyên, tuy nhiên kinh tế báo chí vẫn là thách thức với sự phát triển. Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ việc áp dụng định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá, cơ chế đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công từ nguồn ngân sách Nhà nước đối với cơ quan báo chí hiện nay đã và đang triển khai như thế nào, có gặp khó khăn gì không, có bao nhiêu cơ quan báo chí thực hiện được nội dung này?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, các định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến thông tin truyền thông đã ban hành được khoảng 80%, phấn đấu đến cuối năm nay hoặc quý II năm sau sẽ hoàn thành 100%.
Theo ông Hùng, một số quy định trước đây rất khó, giao cho cơ quan chủ quản dựa trên hướng dẫn của Bộ để họ ban hành định mức nhưng nhiều cơ quan chủ quản không đủ năng lực ban hành.
Các định mức kỹ thuật mới đang được làm rất thông thoáng, để thẩm định, phê duyệt đơn giản hơn hơn rất nhiều. Tuy nhiên theo ông Hùng, thông tin từ trợ lý ảo của ông cho biết, hiện mới chỉ có 5 bộ, ngành và ba cơ quan báo chí giải quyết được vấn đề xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật. Con số này là quá ít.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) nêu quảng cáo là nguồn thu quan trọng của báo chí và trận địa cạnh tranh khốc liệt giữa báo chí với mạng xã hội, nhưng báo chí đang lép vế và thua trên sân nhà với 80% doanh thu quảng cáo "chảy" về mạng xã hội. Ông chất vấn giải pháp tạo cơ sở pháp lý để báo chí và mạng xã hội cạnh tranh công bằng.
Bộ trưởng ghi nhận ý kiến của đại biểu hay. Báo chí thay vì cạnh tranh thì hợp tác với mạng xã hội, không chỉ trong quảng cáo mà trong nhiều lĩnh vực.
Ông Hùng cho biết hiện nay, việc hợp tác với mạng xã hội có 2 nội dung đang được tiến hành. Một là hầu hết cơ quan báo chí đều có tài khoản hoặc có trang trên mạng xã hội để xuất hiện ở chỗ đông người, nhiều độc giả.
Sắp tới khi trình sửa Luật Báo chí, theo ông Hùng, có thể xem xét trình Quốc hội nội dung này. Trước đây cứ phải đăng tin trên báo trước rồi mới được phép đưa thông tin đó ra các tài khoản của cơ quan báo chí trên mạng xã hội. Giờ thì có thể xem xét cho xuất hiện trước trên mạng xã hội.
Theo Bộ trưởng, nên coi mạng xã hội là đối tượng hợp tác thay vì cạnh tranh, đây là hướng đi tốt.
Năm 2023, tổng doanh thu của cơ quan báo và tạp chí toàn quốc là 8,6 ngàn tỷ đồng, giảm 9,4% so với năm 2022. Tổng doanh thu của 72 đài Phát thanh - truyền hình năm 2023 là 11,9 ngàn tỷ đồng, giảm 21,9% so với năm 2022.
Nền tảng xuyên biên giới không tuân thủ có thể bị dừng hoạt động
Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) chất vấn, hiện nay, tình trạng quảng cáo trực tuyến thường dựa vào những dữ liệu của người dùng, đôi khi vi phạm quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân. Điều này gây ra lo ngại về bảo mật thông tin cá nhân của người tiêu dùng.
Theo thống kê cho thấy, số lượng thông tin cá nhân, quyền riêng tư của người dùng bị đánh cắp trong 6 tháng đầu năm 2024 đã tăng 50% so với 6 tháng đầu năm 2023, gây bức xúc cho xã hội.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện nay có tình trạng nhà nhà thu thập thông tin cá nhân. Ông Hùng lấy ví dụ về việc bản thân ông đi thay kính cận cũng được chủ tiệm kính thuốc hỏi tên, tuổi, địa chỉ, nghề nghiệp. Họ tư duy theo hướng lấy thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu tệp khách hàng mà chưa biết cách bảo vệ thông tin cá nhân dẫn đến thông tin đó được khai thác rồi bán cho người khác. Theo Bộ trưởng, việc phổ biến Luật An ninh mạng quy định về trách nhiệm người thu thập thông tin rất quan trọng.
Năm 2023, 2024, Bộ Thông tin và truyền thông coi dữ liệu cá nhân là nội dung trọng điểm và tổ chức nhiều đoàn thanh tra. Các công ty bưu chính, ngân hàng, mạng xã hội cũng phải chấn chỉnh nhiều sai sót liên quan đến sử dụng dữ liệu cá nhân. Bộ đã công bố những sai sót để nhắc nhở các doanh nghiệp này.
Liên quan đến nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng, hàng nhái, hàng giả trên mạng xã hội, Bộ trưởng cho rằng, trước đây không gian mạng là vô danh thì mọi người có thể vô trách nhiệm. Nhưng mới đây có nghị định quy định các tài khoản đăng ký mới phải định danh, lúc này trách nhiệm của mọi người được nâng lên. Hiện nay có công cụ giám sát và chúng ta có quyền lực đối với các nền tảng xuyên biên giới để ngăn chặn các hoạt động vi phạm pháp luật.