81 ngày đêm khốc liệt bảo vệ Thành cổ Quảng Trị qua những khuôn hình
81 ngày đêm khốc liệt bảo vệ Thành cổ Quảng Trị được tái hiện đầy ám ảnh và xúc động qua những khuôn hình trong bộ phim 'Mưa đỏ'.
Năm nay, điện ảnh Việt Nam trình làng hai bộ phim chiến tranh hoành tráng. Một là Địa đạo- đã ra rạp và đạt doanh thu 172 tỷ đồng (theo Box Office Vietnam), trở thành phim chiến tranh, lịch sử ăn khách nhất lịch sử rạp Việt.
Tác phẩm còn lại là Mưa đỏ - bộ phim quy mô lớn nhất của Điện ảnh Quân đội nhân dân trong suốt 10 năm qua.

Bộ phim "Mưa đỏ" tái hiện 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.
Mưa đỏ tái hiện 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị - nơi máu, nước mắt và lòng quả cảm của những người lính đã hòa vào dòng Thạch Hãn đỏ lửa.
Trước thềm công chiếu bộ phim Mưa đỏ vào ngày 22/8, một triển lãm đặc biệt mang tên Mưa đỏ – Tri ân từ khuôn hình diễn ra từ ngày 17 đến 18/7 tại số 17 Lý Nam Đế (Hà Nội). Đây là hoạt động bên lề của phim, đồng thời là nén tâm nhang nghệ thuật tưởng nhớ và tri ân các Anh hùng liệt sĩ, nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7).

Không gian triển lãm "Mưa đỏ - Tri ân từ khuôn hình".
Không gian trưng bày giàu cảm xúc, đưa người xem lặng lẽ dừng bước trước những bức ảnh đậm chất chiến trường - nơi tái hiện ký ức thiêng liêng về 81 ngày đêm khốc liệt bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.
Các bức ảnh hậu trường được tuyển chọn và sắp đặt có chủ ý, không đơn thuần là tư liệu, mà là những khuôn hình nghệ thuật, chứa đựng ánh mắt, tư thế, biểu cảm người lính, màu sắc chiến trường, nỗi đau xen lẫn hy vọng.
Trong số những tác phẩm trưng bày, bức ảnh Khoảnh khắc yên lặng giữa chiến tranh gây xúc động mạnh. Hình ảnh nhân vật Tú (do Đình Khang đóng) - người em út vô tư của tiểu đội, lấm lem bùn đất nhưng nở nụ cười thanh thản với một chú chim nhỏ đậu trên tay – trở thành biểu tượng của hy vọng, sự sống và điều bình dị giữa bom đạn.
Theo chia sẻ của nam diễn viên Đình Khang, khoảnh khắc yên lặng ấy chất chứa nỗi mất mát lớn lao, là lời tri ân thầm lặng với những hy sinh của cha ông để đổi lấy nền độc lập hôm nay.
Theo Đại tá Nguyễn Thu Dung - Giám đốc Điện ảnh Quân đội Nhân dân, triển lãm là phần trong hành trình dài của ê-kíp làm phim, khi từng khuôn hình được khơi dậy từ mạch nguồn lịch sử.

Bức ảnh "Khoảnh khắc yên lặng giữa chiến tranh" gây xúc động mạnh.
"Bộ phim Mưa đỏ không chỉ đơn thuần là tác phẩm nghệ thuật, mà là sứ mệnh thiên liêng. Mưa đỏ là biểu tượng của máu, của lòng dũng cảm và của sự hy sinh cao cả. Đó là mưa của bom đạn, của máu và của nước mắt đã đổ xuống trên mảnh đất Thành cổ Quảng Trị", bà Dung khẳng định.
Khi được hỏi có áp lực trước thành công vang dội của Địa đạo, Đại tá Nguyễn Thu Dung chia sẻ: “Rất hồi hộp nhưng tự tin. Phim Địa đạo có cái hay và Mưa đỏ cũng có cái hay riêng mà Địa đạo không có”.
Nhà văn Chu Lai – tác giả tiểu thuyết Mưa đỏ – nghẹn ngào: "Năm tháng sẽ qua đi, những cuộc cách mạng sẽ thôi gầm thét, cuộc chiến sẽ im ắng dần, nhưng năm tháng hào hùng, khổ đau và vinh quang của dân tộc thì còn mãi. Mưa đỏ để cho trời xanh mãi mãi".
Ông khẳng định lòng yêu nước không độc quyền mà của mọi thế hệ. Nhà văn Chu Lai mong mỗi người đều có trong mình "hạt kim cương" của lòng tự tôn dân tộc, sẵn sàng hành binh ra trận khi Tổ quốc cần.
Đại tá, NSND Tự Long – Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội – bày tỏ cảm xúc đặc biệt khi chiêm ngưỡng triển lãm: "Mưa đỏ không chỉ đẹp mà lột tả sự vĩ đại". NSND Tự Long kỳ vọng tác phẩm điện ảnh Mưa đỏ lột tả được sự bi hùng mà nhà văn Chu Lai đã thể hiện trong cuốn tiểu thuyết của mình.