82.000 người Mỹ có thể tử vong vì virus bất chấp các lệnh phong tỏa
Mô hình được Nhà Trắng tham khảo cho thấy sẽ có khoảng 82.000 người chết ở Mỹ do dịch bệnh tính đến tháng 8, ngay cả khi các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng tới tháng 5.
Ngày 29/3, Tổng thống Donald Trump thừa nhận rằng nếu Mỹ giữ mức tử vong dưới mốc 100.000 ca là "chúng ta đã làm rất tốt rồi".
Nhà Trắng cho biết Tổng thống Trump đã quyết định gia hạn các khuyến nghị về giãn cách xã hội ở Mỹ tới ngày 30/4, dựa trên 12 mô hình khác nhau. Nhưng Nhà Trắng cũng đề cập tới một mô hình độc lập khác, “cho thấy những con số tương tự”, theo tiến sĩ Deborah Birx, người điều phối ứng phó dịch bệnh của Nhà Trắng.
Mô hình này, vốn là mô hình công khai, cho thấy bức tranh cụ thể và u ám về thời gian tới của dịch bệnh ở Mỹ, ngay cả khi có những biện pháp giãn cách xã hội, theo CNN.
Con số thương vong kinh hoàng
Theo đó, ước tính hơn 2.000 người có thể tử vong mỗi ngày ở Mỹ vào đỉnh điểm của dịch giữa tháng 4. Mô hình dự đoán sẽ cần có 224.000 giường bệnh vào ngày 15/4, hơn con số hiện có tới 61.000 giường.
Giả sử có các biện pháp giãn cách xã hội cho tới tháng 5, mô hình vẫn ước tính rằng sẽ có khoảng 82.000 người chết ở Mỹ do dịch Covid-19 tính đến tháng 8.
Mô hình này dùng dữ liệu quá khứ từ Italy, Trung Quốc để dự đoán tương lai ở Mỹ, dùng dữ liệu từ chính quyền các nước và tiểu bang, các tổ chức y tế.
Các nhà nghiên cứu của mô hình, từ Viện Đo lường và Đánh giá Y tế của Đại học Washington, đi tới một kết luận đầy bất an: “Ngay cả khi các biện pháp giãn cách xã hội được ban hành và duy trì, nhu cầu đối với các bệnh viện vào đỉnh điểm của dịch Covid-19 sẽ vượt đáng kể công suất của các bệnh viện”, họ viết.
Bà Birx, khi nhắc tới mô hình này ngày 29/3 vừa qua, nói “bạn có thể thấy nguy cơ chúng ta sẽ có số ca tử vong tăng mạnh”.
“Không có bang, thành phố nào tránh được”, bà nói với chương trình Meet the Press của đài NBC, và kêu gọi các bang, các địa phương hành động khẩn cấp và áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội.
Mô hình trên giả sử rằng chính quyền các nơi sẽ giới hạn tiếp xúc xã hội cho tới tháng 5, bằng bốn biện pháp: đóng cửa trường học, ra lệnh ở nhà, giới hạn đi lại và đóng cửa hoạt động không thiết yếu. Số ca tử vong có thể còn cao hơn nếu các bang không có ít nhất 3/4 biện pháp, hoặc người dân không tuân thủ.
Trả lời phỏng vấn CNN, tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Truyền nhiễm và Dị ứng Quốc gia, chuyên gia hàng đầu trong đội ngũ chống dịch của Nhà Trắng, thừa nhận rằng khoảng 100.000-200.000 người có thể tử vong.
Nhưng ông nói ước tính mô hình không bao giờ là hoàn hảo, và hoàn toàn dựa vào các giả thiết đầu vào. Nếu giả thiết tốt và chuẩn xác thì kết quả đầu ra mới chuẩn xác. “Khi mọi thứ thay đổi quá nhiều như vậy, bạn có thể dễ dàng tính sai”.
Tình hình dịch bệnh sẽ khác nhau ở từng bang. Đỉnh điểm của dịch sẽ đến sớm hơn ở New York, vào khoảng 9/4, khi bang này cần 71.574 giường bệnh, tức sẽ thiếu 58.564 giường. New York cũng sẽ thiếu 8.855 máy thở.
Nhưng Thống đốc New York Andrew Cuomo thậm chí còn dự đoán kịch bản tồi tệ hơn. Ông đã tuyên bố New York cần 30.000 máy thở và 140.000 giường vào giai đoạn cao trào của dịch, mà ông nói sẽ là 14-21 ngày nữa.
Với các dự đoán tàn khốc như vậy, ông Cuomo đã rất quyết liệt trong việc mở rộng công suất bệnh viện của bang, bao gồm bệnh viện tạm 1.000 giường ở trung tâm Javits Center, và các cơ sở khác trên toàn bang với tổng số giường là 4.000. Tàu bệnh viện USNS Comfort cũng đã tới New York mang theo 1.000 giường bệnh dành cho các bệnh nhân không nhiễm Covid-19, giảm tải cho các bệnh viện đang điều trị Covid-19.
Đối với Florida, đỉnh điểm ước tính là ngày 3/5, và dù số giường bệnh cần thiết tăng lên tới gần 17.000, Florida dự kiến sẽ có 20.000 giường bệnh. Nhưng tính đến tháng 8, ước tính hơn 6.000 người vẫn sẽ tử vong.
California được dự đoán sẽ không thiếu giường điều trị tích cực ở đỉnh của dịch. Nhưng bang Louisiana nhỏ hơn nhiều và sẽ cần thêm 700 giường bệnh. Louisiana được dự báo sẽ chạm đỉnh của dịch ngày 10/4, còn California sẽ có thêm sau đó hai tuần để ứng phó.
Tuần trước, bà Birx cũng nói diễn biến dịch bệnh sẽ khác nhau giữa các nơi ở nước Mỹ, và “mỗi bang, mỗi điểm nóng ở Mỹ sẽ có đường đồ thị riêng, vì hạt giống dịch bệnh bắt nguồn ở những thời điểm khác nhau”.
Tình hình vẫn có thể cứu vãn
Các nhà nghiên cứu mô hình nói trên cảnh báo mọi dự đoán đều không hoàn hảo. Mô hình dựa vào dữ liệu của Mỹ, Italy và Vũ Hán, trong đó Italy và Vũ Hán thực hiện đủ bốn biện pháp chống dịch: đóng cửa trường học, đóng cửa doanh nghiệp không thiết yếu, ra lệnh ở nhà và giới hạn đi lại.
Nhưng Mỹ đa phần thực hiện 3/4 biện pháp, chứ chưa giới hạn đi lại.
Ngoài ra, nhiều yêu cầu hạn chế ở Mỹ dựa trên sự tự nguyện, mà không có sự cưỡng ép quyết liệt như ở Trung Quốc. “Sẽ cần thêm thời gian để xem việc tuân thủ lệnh giãn cách xã hội ở Mỹ có khác với ở Vũ Hán hay không”, nhóm nghiên cứu viết.
Mô hình đã tính đến sự khác biệt ở các nước, chẳng hạn độ tuổi dân số, nhưng không tính đến các yếu tố khác ảnh hưởng tới tỷ lệ tử vong trong một đại dịch. Chẳng hạn tỷ lệ bệnh phổi mãn tính ở các nước là khác nhau.
Ngoài đưa ra con số 82.000 ca tử vong ở Mỹ từ nay tới tháng 8, mô hình cũng đưa ra ước tính theo khoảng. Theo đó, số ca tử vong tới hết tháng 8 ở Mỹ có thể từ 39.000-141.000 người.
“Các mô hình thường cho kịch bản tồi tệ nhất và kịch bản tốt nhất”, tiến sĩ Fauci, chuyên gia chính trong đội ngũ chống dịch của Nhà Trắng, cho biết. “Thường thì thực tế sẽ nằm đâu đó ở giữa”.
Nhưng dù có hạn chế nào thì mô hình đã nêu bật một thực tế gần như chắc chắn: khi số ca bệnh tăng vọt, bệnh viện có thể quá tải, và buộc phải có các biện pháp mạnh mẽ.
Chẳng hạn, ở New York, một hệ thống bệnh viện đã cấm mọi khách tới thăm, thậm chí cấm chồng có mặt ở bên khi vợ sinh con. Quy định này sau đó bị thống đốc bang bác bỏ.
Ở Queens, thành phố New York, một y tá nói với CNN rằng đang có tâm lý “ai nấy tự lo” trong vấn đề đồ bảo hộ ở bệnh viện.
Một bệnh viện khác ở Michigan thì viết thư báo trước về cách xử lý bệnh nhân: “Những bệnh nhân nào có cơ hội sống sót cao nhất sẽ là ưu tiên” - những câu chữ đáng lo ngại từ một bệnh viện.
Nhưng các nhà nghiên cứu nói mọi chuyện vẫn có thể được cải thiện, khi mà nhiều bang vẫn còn nhiều tuần mới tới đỉnh dịch.
Hủy các phẫu thuật chưa phải là khẩn cấp, yêu cầu người bệnh ngưng tới khám nếu không thật cần thiết - như vậy có thể tạo thêm chỗ trống cho bệnh viện. Tận dụng không gian phòng phẫu thuật, phòng nghỉ nhân viên, hành lang cũng có thể tạm thời tăng sức chứa giường bệnh. Nhân lực cũng có thể tăng lên bằng các tình nguyện viên cũng như gọi trở lại các y bác sĩ đã nghỉ hưu.
Ở New York, gần 80.000 cựu y bác sĩ và các chuyên gia khác ở New York đã đăng ký tình nguyện, theo AP.
“Đại dịch đã cho thấy chúng ta cần phải hợp tác... Tôi hy vọng chúng ta, các nước, từ giờ sẽ hợp tác, thay vì đổ lỗi cho nhau. Nếu không sẽ ảnh hưởng tới tất cả chúng ta. Đây là bài học để chúng ta đoàn kết và cùng cứu mạng người”, Ali Mokdad, giáo sư Đại học Washington tham gia vào mô hình, nói với CNN.