83 năm truyền thống 'Tiếng máy reo như tiếng bước đoàn thợ mỏ tiến quân'
Hơn 50 năm qua, lớp lớp các thế hệ thợ mỏ đã luôn hăng hái thi đua trong chiến đấu, trong lao động sản xuất với tinh thần 'Sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc', lập nên những kỳ tích, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến tỉnh Quảng Ninh, đến công nhân ngành Than - Khoáng sản. Người đã nhiều lần về thăm vùng mỏ, thăm công nhân mỏ. Ngày 15/9/1958, Người đã về thăm Mỏ thiếc Tĩnh Túc (Cao Bằng). Ngày 30/3/1959, Người đã về thăm Mỏ than Đèo Nai. Ngày 15/11/1968, do tình hình sức khỏe không cho phép, Người đã cho mời Đoàn đại biểu công nhân, cán bộ ngành than đến gặp mặt tại Phủ Chủ tịch.
Sau khi biểu dương, khen ngợi những thành tích mà công nhân, cán bộ ngành than đã đạt được, phê bình, nhắc nhở những tồn tại, khuyết điểm, Người ân cần căn dặn: “Ngành sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc. Toàn thể công nhân, cán bộ phải có nhiệt tình cách mạng và tinh thần yêu nước rất cao, ý chí quyết đánh quyết thắng rất vững, phải đoàn kết nhất trí, phải có đầy đủ ý thức làm chủ nước nhà; làm chủ xí nghiệp, vượt mọi khó khăn, nhằm vào một mục đích chung là sản xuất thật nhiều than cho Tổ quốc”.
Nhân kỷ niệm 83 năm truyền thống ngành than Việt Nam (12/11/1936 -12/11/2019), chia sẻ với chúng tôi về những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được ngành than cụ thể hóa ra sao, đặc biệt sau 50 thực hiện di chúc của Người đối với cán bộ, công nhân lao động ngành than, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tập đoàn CN Than-Khoáng sản Việt Nam Lê Minh Chuẩn cho biết, hơn 50 năm qua, lớp lớp các thế hệ thợ mỏ đã luôn hăng hái thi đua trong chiến đấu, trong lao động sản xuất với tinh thần “Sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc”, lập nên những kỳ tích, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hàng vạn người con công nhân mỏ tham gia Binh đoàn Than, cầm súng vào chiến trường để trực tiếp tham gia cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Tại Vùng mỏ, những người công nhân trên tầng cao, trong lò sâu hay bên xưởng máy đã hăng hái lao động quên mình cho dòng than tuôn chảy với các phong trào thi đua một người làm việc bằng hai, tất cả vì miền Nam ruột thịt, đã đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Miền Bắc, chi viện cho chiến trường Miền Nam.
Trong thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, nhất là từ khi thành lập Tổng Công ty Than Việt Nam (nay là Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam) là thời kỳ phát triển mạnh mẽ nhất của ngành Than - Khoáng sản Việt Nam: Đó là thời kỳ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ khai thác hiện đại để tăng năng suất lao động, tăng sản lượng khai thác và đặc biệt là tiết kiệm nguồn vàng đen của đất nước. Ngày nay, với công nghệ khai thác hiện đại như hệ thống cơ giới hóa đồng bộ khai thác than hầm lò, ô tô chở đất đá tải trọng hàng trăm tấn ở các mỏ lộ thiên, hệ thống băng tải vận chuyển than, đất đá thay cho ô tô, các hệ thống khai thác giếng đứng sâu đến -350, - 500 mét... đã khẳng định vị trí vững vàng của ngành Than Việt Nam sẵn sàng đáp ứng đủ nguồn năng lượng cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Nếu như năm 1995 - năm đầu thành lập Tổng Công ty Than Việt Nam - sản lượng than khai thác mới đạt trên 7,2 triệu tấn thì đến năm 2018 đã sản xuất và tiêu thụ được trên 40 triệu tấn. Tập đoàn cũng phát triển mạnh mẽ các lĩnh vực công nghiệp khác như khoáng sản, luyện kim, hóa chất mỏ, công nghiệp điện: Năm 2018 đã sản xuất trên 12.000 tấn đồng tấm; gần 1,3 triệu tấn Alumin; 70.000 tấn thuốc nổ công nghiệp; trên 9,3 tỷ kWh điện; tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt trên 122 ngàn tỷ đồng; nộp ngân sách trên 17 ngàn tỷ đồng; lợi nhuận đạt trên 4.500 tỷ đồng. Tập đoàn đã bảo toàn và phát triển được vốn Nhà nước, đáp ứng đủ than cho các ngành kinh tế trong nước, bảo đảm việc làm và ổn định đời sống cho gần 100.000 công nhân lao động với thu nhập bình quân đạt trên 10,8 triệu đồng/người/tháng.
Chia sẻ về các thách thức, Chủ tịch Lê Minh Chuẩn cũng cho biết: Ngành Than - Khoáng sản hiện đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, tài nguyên than của Việt Nam hiện nay nằm chủ yếu ở Quảng Ninh nhưng công tác thăm dò, đánh giá tài nguyên còn rất hạn chế; bể than đồng bằng sông Hồng có trữ lượng rất lớn nhưng tại thời điểm hiện nay chưa có công nghệ phù hợp, hiệu quả để khai thác.
Việc khai thác mỏ ngày càng xuống sâu và đi xa hơn; cung độ vận chuyển tăng, hệ số bóc đất tăng, từ đó làm tăng các chi phí về khai thác và đảm bảo an toàn lao động. Các loại thuế, phí đang cao hơn so với các nước trong khu vực, làm cho sức cạnh tranh của sản phẩm than bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, sản xuất, kinh doanh than chưa được thực hiện hoàn toàn theo cơ chế thị trường, làm mất đi tính chủ động của Tập đoàn trong đầu tư, phát triển sản xuất theo đúng quy hoạch của Chính phủ. Việc cấp phép thăm dò, cấp phép khai thác đang gặp rất nhiều khó khăn. Nguồn nhân lực chính cho lao động làm than là thợ lò thì hiện nay đang suy giảm rất nhanh do có sự đa dạng hóa về lựa chọn nghề nghiệp xã hội, đòi hỏi phải tăng cường áp dụng nhiều công nghệ mới, sử dụng ít lao động.
Tuy nhiên, trong khó khăn, tinh thần Hồ Chí Minh đã được phát huy hơn bao giờ hết. Những người thợ mỏ luôn mài sắc ý chí và quyết không bao giờ lùi bước. Đội ngũ công nhân thợ mỏ ngành Than - Khoáng sản Việt Nam đã luôn đoàn kết, đồng lòng, tăng cường xây dựng Đảng bộ Tập đoàn trong sạch vững mạnh; phát huy truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”; đẩy mạnh tăng trưởng, phát triển bền vững; giữ vững vai trò Tập đoàn kinh tế mạnh, là một trong ba trụ cột đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo ông Chuẩn, trong những năm tới, việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ngày càng có giá trị to lớn trong xã hội, đặc biệt trong công tác xây dựng Ðảng và củng cố niềm tin của nhân dân.
Ðể thực hiện tốt nội dung học tập và làm theo Bác, các tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên, CNVC và người lao động trong Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam đã và đang tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt bốn nội dung.
Thứ nhất, tự giác học tập và tu dưỡng, rèn luyện đạo đức theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là biện pháp quan trọng hàng đầu, là nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài. Các nội dung học tập được đưa vào sinh hoạt chi bộ, trở thành nền nếp.
Thứ hai, nâng cao chất lượng công tác xây dựng Ðảng, thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII của Đảng. Đây được xác định là khâu mấu chốt để thực hiện nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm, khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay.
Thứ ba, coi trọng xây dựng quy chế làm việc, xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện, xác định rõ trách nhiệm của mỗi người, mỗi tổ chức. Trong một tổ chức, mỗi thành viên phải là một bộ phận có chức năng, nhiệm vụ rõ ràng thì tổ chức đó mới vận động tốt được. Có trách nhiệm, quyền hạn rõ ràng, mỗi cá nhân mới có đóng góp cụ thể cho tổ chức, mới “nói đi đôi với làm”, tham gia cùng tập thể chống chủ nghĩa cá nhân.
Thứ tư, không ngừng hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy định gắn với việc tăng cường hơn nữa tính nghiêm minh của kỷ luật Ðảng và pháp luật của Nhà nước và quy định của Tập đoàn. Phát huy dân chủ trong Ðảng và thực hiện kỷ luật đảng thật sự nghiêm minh. Xử lý kịp thời, công khai những cán bộ, đảng viên vi phạm, dù ở cương vị, chức trách nào; kiên quyết đấu tranh với những thói hư tật xấu trong Ðảng.