8x đút túi nửa tỷ đồng/năm nhờ nuôi loài chuột 'khổng lồ'

Những con chuột 'khổng lồ' đã giúp người đàn ông này có lãi đến nửa tỷ đồng mỗi năm.

Với quyết định trở về quê nuôi dúi (hay còn gọi là chuột dúi), anh Quách Văn Cường (SN 1989, trú ở xã Mậu Lâm, huyện Như Thanh, Thanh Hóa) đã phải suy nghĩ rất nhiều mới dám từ bỏ công việc có thu nhập ổn định ở thành phố để trở về quê chăn nuôi.

Vào năm 2011, anh tốt nghiệp một trường đại học ở Quảng Ninh nhưng vào TP.HCM lập nghiệp. Anh từng có một công việc có thu nhập khá, ổn định nhưng phải di chuyển nhiều, anh cảm thấy không phù hợp. “Vì tôi là người thích cuộc sống cố định nên đã suy nghĩ đến việc trở về quê để làm gì đó có thu nhập, ổn định cuộc sống”, anh chia sẻ.

Dúi được nuôi trong chuồng sạch sẽ, nơi ở thoáng mát.

Sau đó, anh tìm hiểu rất nhiều về các mô hình làm kinh tế ở nông thôn, nào là: nuôi rắn mối, nuôi lươn, nuôi ốc, nuôi tắc kè và nuôi dúi… Nhưng anh nhận thấy chỉ có nuôi dúi là việc kiếm thức ăn cho nó dễ dàng nhất và chi phí không cao.

Cuối năm 2021, anh quyết định trở về quê để khởi nghiệp với mô hình nuôi dúi sau khi đã tìm hiểu về kiến thức và kỹ thuật nuôi con vật này. Ban đầu, anh chỉ thử nghiệm nuôi vài chục cặp dúi mốc. Sau đó, anh mở rộng mô hình nuôi thêm dúi má đào có nguồn gốc từ Thái Lan.

Khi mới nuôi dúi, anh cho biết đã có đợt chúng chết khá nhiều vì bản thân anh chưa hiểu nhiều về đặc tính của dúi cũng như cách chữa trị bệnh cho chúng. Tuy gặp nhiều khó khăn, anh chia sẻ rằng chưa bao giờ hối hận với quyết định này. Anh lấy đó làm bài học kinh nghiệm cho mình và học hỏi thêm kiến thức để nuôi con vật này.

Anh Cương nhận định nuôi dúi cũng cần phải học hỏi tập tính của nó và một số kỹ thuật nhất định.

“Lúc đó, tôi cũng khá nhiều áp lực vì dúi chết, song nhiều người xung quanh đều bảo nuôi con dúi giá bán cao thế thì bán ai mua. Tôi cũng lo lắm vì lúc đó chưa kinh nghiệm, dúi không khỏe mạnh, rồi lại đến việc tiêu thụ dúi thịt, dúi giống cũng là mối lo lớn”, anh nói.

Bởi vậy, anh không ngừng học hỏi những người đi trước. Anh còn sang cả Thái Lan 5-6 ngày để học cách nuôi và chăm sóc dúi má đào – bởi loại dúi này được nhiều người yêu thích trong khoảng mấy năm gần đây. Nhờ chăm chỉ học hành và áp dụng kiến thức vào thực tế tốt, anh đã nuôi dúi má đào thành công.

Anh cho biết trang trại của anh hiện bán chủ yếu dúi giống, trung bình hơn 200 cặp được xuất trại mỗi năm. Với giá bán 4,5 triệu đồng/cặp, trừ hết chi phí, mỗi năm anh thu về khoảng 400-500 triệu đồng.

Sau khi cung cấp con giống cho khách hàng, anh thường nhận bàn giao kỹ thuật, bảo hành và liên kết tiêu thụ cho bà con nông dân. Hiện, anh Cường liên kết với khoảng 30 hộ dân nuôi dúi trên cả nước, nhờ đó mà nguồn hàng cung cấp ra thị trường luôn dồi dào và sẵn có.

Mỗi ngày, anh cho chúng ăn 2 lần, thức ăn chủ yếu là mía, ngô và thân cây tre.

Khu vực chuống trại nuôi dúi của anh Cường.

Theo anh, dúi là loài vật ăn ít, mỗi ngày chỉ ăn 2 lần, thức ăn chủ yếu gồm mía, ngô, thân cây tre rất dễ kiếm và mua cũng rẻ, người nuôi có thể trồng được. Mỗi năm dúi sinh sản 2 lần, mỗi lần 3-5 con.

Với kinh nghiệm của anh, anh cho rằng để nuôi dúi thành công có nhiều yếu tố, trong đó có 3 yếu tố chính đó là: Nguồn thức ăn: phải chủ động được nguồn thức ăn như: tre, ngô, mía…; Môi trường sống: chuồng trại phải đảm bảo ấm về mùa đông không để gió lùa vào trại, còn mùa hè phải đảm bảo thông thoáng mát mẻ. Nhiệt độ trong trại phải đảm bảo dao động từ 10-31 độ; Con giống: Cần chọn những con giống thuần chủng, khỏe mạnh, lông mượt và mua tại địa chỉ uy tín (không được lấy giống dúi rừng sẽ có nhiều mầm bệnh sẽ không phù hợp nuôi nhốt).

Hiện tại, anh chia sẻ rằng dúi má đào Thái Lan chưa đủ cung cấp ra thị trường nên anh cũng có dự định sẽ thu mua lại giống của bà con để bán hoặc sẽ nhập con giống trực tiếp ở bên nước Thái Lan về bán. Còn anh chưa có ý định mở rộng trại nuôi vì chỉ có một mình làm nên không thể mở rộng thêm nữa.

Nguyễn Thơm

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/8x-dut-tui-nua-ty-dong-nam-nho-nuoi-loai-chuot-khong-lo-204240309151403422.htm