8X khởi nghiệp từ điêu khắc gỗ
Qua bàn tay khéo léo, tài hoa và trí tưởng tượng phong phú của anh Đinh Văn Thi (sinh năm 1983), ngụ ấp Suối Mây, xã Dương Tơ, TP. Phú Quốc (Kiên Giang), những gốc cây, khúc gỗ vô tri như được 'thổi hồn' và trở thành sản phẩm độc đáo, mang giá trị nghệ thuật cao. Những sản phẩm này từng bước có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh.
Anh Đinh Văn Thi quê ở huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Anh sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghề mộc và điêu khắc. Sau khi tốt nghiệp đại học mỹ thuật, đi làm ở nhiều công ty khác nhau, anh học được nhiều điều, tiếp xúc với nhiều thợ giỏi, từ đó giúp anh nâng cao tay nghề và có kinh nghiệm. Với quyết tâm theo đuổi nghề, năm 2015, anh Thi ra Phú Quốc lập nghiệp, với khát khao mở được một cơ sở điêu khắc gỗ riêng cho mình.
Các sản phẩm điêu khắc gỗ nghệ thuật do anh Thi sáng tạo có hình ảnh thân thuộc, gần gũi với đời sống con người Việt Nam như tượng Phật, tượng phúc - lộc -thọ, tượng 12 con giáp, tranh đồng quê... Mỗi tác phẩm giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng tùy từng loại gỗ, kích thước, sự cầu kỳ, công phu. Sau nhiều năm gắn bó với nghề, cơ sở điêu khắc mỹ nghệ của anh Đinh Văn Thi bước đầu thành công với nhiều sản phẩm điêu khắc có giá trị nghệ thuật được khách hàng yêu thích. Mỗi tháng cơ sở nhận thực hiện từ 10-20 đơn hàng cho khách trong và ngoài tỉnh.
Theo anh Thi, để sáng tạo ra một tác phẩm điêu khắc phải trải qua nhiều công đoạn, quan trọng nhất là ý tưởng. Nghề điêu khắc đòi hỏi người thợ phải có tính kiên trì và thực sự đam mê với nghề. Khi học nghề, ngoài các kỹ thuật cơ bản, người thợ phải học vẽ để biết cách tạo dáng, biết phác thảo những đường nét lớn cũng như từng họa tiết nhỏ trên mỗi tác phẩm. Hầu hết các công đoạn đều làm thủ công, do đó với sự sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo của người thợ lành nghề, những khúc gỗ, gốc cây như được “thổi hồn” để trở thành những tác phẩm nghệ thuật.
Không những vậy, cơ sở điêu khắc gỗ của anh Thi còn dạy nghề và truyền đạt kinh nghiệm cho nhiều thanh niên trên địa bàn TP. Phú Quốc, đồng thời tạo việc làm ổn định cho 3-5 lao động làm việc tại cơ sở với mức lương từ 8-15 triệu đồng/người/tháng. Thời gian tới, anh Thi tiếp tục mở rộng cơ sở điêu khắc mỹ nghệ để phát triển nghề hơn nữa, đồng thời tiếp tục đào tạo và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương có niềm đam mê với nghề.
Với khát vọng khởi nghiệp, dám nghĩ, dám làm của anh Đinh Văn Thi, tin rằng cơ sở điêu khắc mỹ nghệ do anh Thi làm chủ sẽ không ngừng phát triển, góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương và chế tác ra nhiều sản phẩm làm đẹp cho đời.
Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//kinh-te/8x-khoi-nghiep-tu-dieu-khac-go-8472.html