8X mở quán cơm 2.000 đồng/suất ở Gia Lai, bà con thoải mái vào ăn
Mở quán cơm từ thiện 2.000 đồng ngay trước cổng bệnh viện, mỗi ngày chị Nguyễn Thị Huy (Gia Lai) đã chia sẻ khó khăn với hàng trăm người nghèo, nhất là những bệnh nhân.
Từ 150 suất tăng lên 300 suất
Từng làm thiện nguyện cùng nhiều tổ chức, cá nhân, chị Nguyễn Thị Huy (SN 1989, trú tại tổ 4, phường Hội Thương, TP. Pleiku, Gia Lai) mong muốn mở một quầy thuốc tây để hỗ trợ bệnh nhân và người lao động nghèo. Tuy nhiên, do không đủ điều kiện về bằng cấp chuyên môn nên không được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Dù không thực hiện được ước mơ, nhưng chị vẫn luôn ấp ủ trong lòng là phải làm điều gì đó cho người nghèo. Gần đây, nhờ công việc cho thu nhập ổn định, chị Huy quyết định tìm mặt bằng để mở quán cơm nhằm chia sẻ khó khăn với người nghèo, nhất là những bệnh nhân đang nằm viện điều trị.
Sau nhiều ngày tìm kiếm mặt bằng, chị được vợ chồng anh Trần Hữu Thành cho mượn tầng hầm ngôi nhà số A5/38-39 Tôn Thất Tùng (đối diện cổng phụ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai). Vui như mở cờ trong bụng, chị gấp rút mua sắm khay cơm, xoong nồi, bàn ghế và các vật dụng cần thiết để thực hiện tâm nguyện của mình.
Có địa điểm, chị bắt tay vào việc, vừa đi chợ mua thức ăn, thuê mướn người nấu, vừa bố trí người phụ giúp, cho in phiếu nhận cơm...
Ngày đầu, do mọi người chưa biết nên chị nấu 150 suất ăn và bị thừa. Chị cho nhân viên mang vào trong viện phát cho người cần. Những ngày tiếp theo, số suất ăn tăng lên vùn vụt, 200 suất, 250 suất rồi 300 suất...
Gạt vội giọt mồ hôi trên trán, chị Huy tâm sự: “Tôi từng đi thăm nuôi người thân nằm viện và chứng kiến nhiều hoàn cảnh hết sức bi đát.
Bệnh nhân không có tiền chạy chữa, ăn uống kham khổ, mỳ tôm, cháo gói qua ngày, thậm chí phải gộp 2 bữa thành 1. Ngoài tiền thuốc men, bệnh nhân còn phải chi rất nhiều thứ, nên tôi mở quán ăn từ thiện này giúp đỡ họ giảm đi một phần chi phí”.
Do điều kiện công việc nên quán cơm từ thiện chỉ phục vụ buổi trưa vào các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần. Quán không sử dụng thịt động vật. Món ăn chính của quán là trứng gà, đậu khuôn, chả chay, cá chay, ngoài ra còn có dưa leo, rau xào và canh các loại.
Sau mỗi bữa ăn còn có trái cây tráng miệng như chuối, táo, lê, nhãn; nước uống có chè đậu xanh, nước đậu nành, nước mía, trà tắc, nước lá mát…
“Đến giờ cơm, thức ăn được chia đều trong các khay, mọi người chỉ việc lấy thêm cơm theo nhu cầu. Ăn xong thì để khay vào vị trí quy định và bỏ 2.000 đồng vào thùng từ thiện. Ai không có cũng không sao”, chủ quán từ thiện vui vẻ nói.
Giúp đỡ được càng nhiều người càng tốt
Khi được hỏi vì sao mỗi phần cơm chỉ thu 2.000 đồng mà không miễn phí, chị Huy nói: “Ban đầu tôi cũng có ý định mở quán cơm 0 đồng, nhưng có người góp ý là nên thu 2.000 đồng để không ai phải nợ ai. Khi vào ăn, họ đóng góp sẽ đỡ ngại, nếu miễn phí thì bà con không thoải mái và sẽ ngại vào”.
“Hiện số lượng bệnh nhân trong bệnh viện rất đông nhưng khả năng của quán chỉ đáp ứng được 300 suất. Còn nhiều người nghèo khổ lắm, họ không có phiếu, khi đến với quán nếu không còn cơm thì chúng tôi sẽ bổ sung mì tôm, chứ không đành lòng để họ bị đói”, chị Huy trải lòng.
Mỗi ngày, chị Huy chi khoảng 4 triệu đồng, nhưng chị cười nói: “Khi triển khai, vợ chồng tôi đã có kế hoạch cả rồi. Mỗi tháng nấu 20 bữa, mỗi bữa 200 suất thì chúng tôi vẫn cân đối được về tài chính. Bây giờ đang nấu 300 suất, cộng cả mì tôm trứng có lúc lên đến 350 suất nhưng quán vẫn chưa từ chối ai và không bỏ cuộc”.
Người phụ nữ trẻ bộc bạch: “Thấy bà con đến quán ngày một đông, tôi rất vui, bởi giúp đỡ được càng nhiều người thì càng tốt. Chỉ sợ sau này đông quá, mình không đủ sức để làm, phải cắt giảm về 200 suất thì sẽ rất áy náy”.
Về hoạt động của quán cơm từ thiện, lãnh đạo phường Phù Đổng cho biết, quán cơm từ thiện khai trương khoảng 3 tuần nay, mỗi ngày nấu khoảng 200 suất ăn.
Đây là việc làm rất tốt, rất nhân văn, đã chia sẻ khó khăn với hàng trăm người nghèo, bệnh nhân. Ngay khi quán cơm đi vào hoạt động, chính quyền đã cử cán bộ xuống kiểm tra, nhắc nhở nhân viên phải tuyệt đối đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.