9 cầu thủ HAGL đá hạng Nhì: Tầm nhìn cho bóng đá Việt Nam của bầu Đức!
Bóng đá Việt Nam có lẽ phải nhìn vào cách làm bóng đá của HAGL, dù chưa thành công ở V.League nhưng ít nhất tạo ra một chân đế quá vững chắc.
Nhà cầm quân người Áo - ông Alfred Riedl từng có một câu nói cực kỳ nổi tiếng, giống như “cứa” vào nỗi đau của cả nền bóng đá: “Bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc”.
Trải qua một giai đoạn rất dài thì HLV Lê Thụy Hải, người từng làm trợ lý cho ông Alfred Riedl nói với Saostar rằng: “Tôi nghĩ điều đó không còn nữa. Xây nhà từ nóc là gì? Tức từ trên dội xuống. Chúng ta phải nói ở chỗ này, một điều đặc biệt để thay đổi quan điểm trên, đó là anh Đoàn Nguyên Đức xây Học viện bóng đá HAGL, có nghĩa là bắt đầu xây từ nền móng. Từ ý tưởng và quan điểm làm bóng đá của anh Đức thì nhiều người mới đi theo con đường đó. Hai năm qua thì chúng ta thành công là nhờ yếu tố đó”.
Câu chuyện của HLV Lê Thụy Hải phân tích có lẽ cần nhìn qua lăng kính mới nhất là bầu Đức vừa cho 9 cầu thủ HAGL đến CLB CAND thi đấu, trong đó có cả sao U23 Việt Nam và cầu thủ cùng U22 Việt Nam giành HCV SEA Games 30.
Một số quan điểm nhìn nhận rằng: Bầu Đức làm như thế thì các cầu thủ HAGL khó phát triển, vì dự bị ở V.League vẫn tốt hơn so với đá hạng Nhì.
Thực tế, đó chỉ là câu chuyện nhìn vấn đề để phản ánh theo quan điểm. Mọi thứ cần có cái nhìn từ gốc rễ. Câu hỏi đặt ra: Tại sao bầu Đức lại cho 9 cầu thủ HAGL xuống thi đấu hạng Nhì?
Ở vế đầu tiên, CLB HAGL rõ ràng có đủ lực lượng thi đấu ở V.League 2020. Những cầu thủ được cho đi còn rất trẻ và chưa thể tìm được chỗ đứng ở CLB HAGL. Do vậy, bầu Đức cho họ đi để được chơi bóng là chuyện đương nhiên, vì bầu Đức không làm bóng đá theo mô hình có CLB HAGL B để đá hạng Nhất. Vì trường hợp HAGL B nếu lên hạng tạo nên sự tranh cãi cực lớn về cách làm bóng đá chuyên nghiệp. Chính bầu Đức là người phản ứng mạnh mẽ nhất chuyện 1 ông chủ nhiều đội bóng.
Ở vế thứ 2, đây là chuyện đáng mừng cho bóng đá Việt Nam khi một đội bóng ở V.League có thể đào tạo bài bản từ nền móng với việc sản sinh ra nhiều cầu thủ, qua đó không chỉ dùng ở đội 1 còn có thể rải đều đi các đội bóng khác, từ V.League đến các giải hạng Nhất và hạng Nhì. Các giải đấu thấp hơn V.League phát triển thì chắc chắn mang đến giá trị đầy tích cực cho bóng đá Việt Nam.
CLB HAGL kể từ ngày cho ra đời Học viện Bóng đá HAGL thì bầu Đức không chỉ đào tạo cầu thủ trẻ ở một hướng là Học viện, ông chủ HAGL còn xác định đào tạo theo mô hình “lọt sàng xuống nia”, tức cầu thủ không đậu Học viện thì bắt đầu giấc mơ ở lớp năng khiếu. Minh Vương là ví dụ thiết thực, tiền vệ này trưởng thành từ Năng khiếu HAGL.
Nhờ vậy, HAGL từ đội bóng ban đầu chuyên đi mua những ngôi sao số má của bóng đá Việt Nam, bây giờ trở thành nơi sản xuất cầu thủ ở giải quốc nội, cũng như những gương mặt tiêu biểu xuất ngoại. Đó là kỳ công của bầu Đức với sự kiên định và quyết tâm làm đến cùng với con đường bóng đá “xây nhà từ nền móng”. Hiệu ứng từ cách làm của bầu Đức đã được HLV Lê Thụy Hải nhìn nhận: “Từ ý tưởng và quan điểm làm bóng đá của anh Đức thì nhiều người mới đi theo con đường đó. Hai năm qua thì chúng ta thành công là nhờ yếu tố đó”.
Đặt trong một hoàn cảnh cụ thể, nếu bóng đá nước nhà có nhiều người làm bóng đá như bầu Đức thì có rất nhiều cầu thủ trẻ được sản sinh, qua đó tạo nên bước đột phá cực lớn cho những tham vọng trong tương lai.
Chính HLV Park Hang Seo cũng nhìn nhận được thực trạng chung của bóng đá Việt Nam nên có lần ông được thưởng 100 nghìn USD thì tặng lại VFF để làm bóng đá trẻ. Ông Park đến từ một nền bóng đá thường xuyên dự World Cup, có trình độ và đẳng cấp hơn bóng đá Việt Nam nên hiểu rõ được vai trò của quá trình đào tạo bóng đá trẻ.
Đúng hơn, bất kỳ nền bóng nào trên thế giới thì việc đào tạo lên được xác định là “viên gạch” quan trọng nhất, thậm chí những nước có nền bóng đá hàng đầu còn phát triển cực mạnh về thể thao học đường. Nhưng bóng đá Việt Nam vẫn đau đáu việc các đội bóng thường “mượn” cầu thủ kiểu đối phó về cơ chế chuyên nghiệp cho đủ các đội trẻ thi đấu. Ngay đến Hà Nội FC, Quảng Nam FC từng bị cấm thi đấu ở giải châu Á vì thiếu đội trẻ tham dự các giải trong nước. Ví dụ Hà Nội FC năm nay mất suất đá châu Á vì không có U15 tham dự giải U15 Quốc gia 2019.
Thực trạng nêu trên cũng khiến cho bóng đá Việt Nam đang phát triển ngược so với xu thế bóng đá chuyên nghiệp, dù công tác đào tạo trẻ đang có những cú hích lớn nhưng sân chơi chuyên nghiệp đang dựng theo “hình tháp ngược”. Tức V.League có đội tham dự nhiều hơn so với hạng Nhất. Một mô hình chuẩn thì giải hạng Nhì phải có số đội nhiều hơn hạng Nhất, còn V.League là chóp đỉnh với số đội ít hơn hạng Nhất. Đúng hơn, mô hình đó xây từ chân đế đến chóp đỉnh mới tạo ra sự phát triển bền vững.
Câu chuyện kể trên cũng phản ánh vì sao có thời điểm thì giải chuyên nghiệp Việt Nam bị “lao dốc”, vì các đội bóng chỉ chăm lo phần ngọn, bỏ nhiều tiền mua cầu thủ giỏi. Họ chỉ cố gắng gặt thành tích mà quên mất nền tảng cơ bản là phải quyết liệt làm đào tạo trẻ, điều này tạo nên lỗ hổng lớn cho bóng đá Việt Nam.
Cũng từ vấn đề nêu trên thì nhìn về một CLB cần có khâu đào tạo trẻ vững chắc, sau đó có số cầu thủ trẻ được thi đấu ở nhiều sân chơi khác nhau, còn những người ưu tú được chơi ở V.League. Tức có sự cạnh tranh để cầu thủ được khẳng định tài năng, vì tính sàng lọc và đào thải trong bóng đá là quy luật không thể tránh khỏi.
Tựu trung, CLB HAGL “xuất khẩu” cầu thủ đi khắp nơi là tín hiệu đáng mừng cho bóng đá Việt Nam, qua đó góp phần phát triển các giải đấu thấp hơn V.League. Cũng như chuyện bầu Đức gửi 9 cầu thủ đá hạng Nhì sẽ tạo nên sức hút và sức bật cho giải đấu này, qua đó giúp bóng đá nước nhà xây dựng được nền móng vững chắc. Câu trả lời sẽ có ở thì tương lai về tầm nhìn của bầu Đức, giống như hơn 1 thập kỷ trước thì ông mở Học viện bóng đá HAGL trong sự ngờ vực, cuối cùng kết quả đầy mỹ mãn.