9 địa phương có số người tử vong do TNGT tăng hơn 20%

Sáng nay (12/7), Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác đảm bảo trật tự ATGT quý II và phương hướng, nhiệm vụ quý III năm 2024.

Hình phạt phải đảm bảo tính răn đe, trong khuôn khổ pháp luật

Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trần Lưu Quang nhấn mạnh, công tác ATGT 6 tháng đầu năm 2024 đã đạt được những kết quả tích cực.

Theo Phó thủ tướng, Quốc hội khóa XV thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là cơ sở, hành lang pháp lý rất tốt để xử lý các vi phạm pháp luật.

Phó thủ tướng cũng chỉ rõ 6 tồn tại trong công tác đảm bảo TTATGT. Cụ thể, số vụ, số người bị thương tăng, gây gánh nặng xã hội lớn. Số người chống người thi hành công vụ tăng, tăng 45 vụ trong tổng số 78 vụ, tăng gần 60%, điều này yêu cầu phải xây dựng thể chế để không còn xảy ra tình trạng này.

Ý thức người tham gia giao thông chưa có chuyển biến lớn. Người uống rượu bia và sử dụng ma túy điều khiển phương tiện giao thông vẫn còn. Công tác phối hợp và ứng dụng khoa học công nghệ tại một số địa phương, cơ quan chưa tốt. Kinh phí đầu tư cho cơ sở hạ tầng và duy tu, bảo dưỡng, xóa điểm đen còn hạn chế. Số người chưa đủ điều kiện tham gia giao thông và chủ yếu là trẻ em.

Phó thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trần Lưu Quang đề nghị các cơ quan, địa phương tập trung thực hiện đồng bộ ba nhóm giải pháp để kéo giảm TNGT.

Phó thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trần Lưu Quang đề nghị các cơ quan, địa phương tập trung thực hiện đồng bộ ba nhóm giải pháp để kéo giảm TNGT.

"Dù là lĩnh vực gì, chỉ cần lãnh đạo địa phương quan tâm thì lĩnh vực đó chuyển biến tốt và ngược lại. Vì vậy, lãnh đạo các địa phương cần lưu ý vấn đề này", Phó thủ tướng nêu rõ.

Từ thực trạng này, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu phải thực hiện đồng bộ các giải pháp để 6 tháng cuối năm có kết quả tích cực hơn 6 tháng đầu năm. Trong đó, tập trung vào ba nhóm giải pháp: Nâng cao ý thức người tham gia giao thông; Quản lý tốt phương tiện; Cải thiện cơ sở hạ tầng và quản lý cơ sở hạ tầng.

Đối với các địa phương, đặc biệt là các địa phương lớn và các địa phương đang có chỉ số chưa tốt, Phó thủ tướng đề nghị quan tâm và quyết liệt hơn; quan tâm để động viên, thúc đẩy các việc làm tốt, để chấn chỉnh những việc chưa tốt. Cùng đó, công tác phối hợp phải tốt hơn và phải chủ động hơn.

Đối với các tổ chức đoàn thể, cơ quan truyền thông, lưu ý phương thức truyền thông hiệu quả, đúng đối tượng để góp phần chuyển biến nhận thức người tham gia giao thông.

Các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm, không có ngoại lệ, không có vùng cấm.

"Xây dựng ý thức tham gia giao thông bằng các biện pháp răn đe vẫn là hiệu quả nhất. Các cơ quan Bộ Công an và Bộ GTVT chủ trì soạn thảo nghị định, thông tư để thi hành Luật Trật tự, ATGT đường bộ, Luật Đường bộ, tinh thần là phải đảm bảo được răn đe. Có lỗi, xử phạt bằng hình thức phạt tiền, người vi phạm không sợ, nhưng tạm giữ bằng một năm là sợ. Vì thế, xác định hình phạt chính, hình phạt phụ, phải làm sao có tính răn đe, nhưng phải trong khuôn khổ Luật TTATGT đường bộ", Phó thủ tướng chỉ đạo.

Phó thủ tướng cũng yêu cầu nhân rộng mô hình hay trong công tác đảm bảo ATGT, kéo giảm TNGT; Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số…

6 tháng, toàn quốc xảy ra hơn 12.300 vụ tai nạn giao thông

Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Lê Kim Thành cho biết, trong 6 tháng có 23 địa phương có số người chết do TNGT tăng.

Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Lê Kim Thành cho biết, trong 6 tháng có 23 địa phương có số người chết do TNGT tăng.

Báo cáo tại hội nghị, ông Lê Kim Thành, Phó chủ tịch chuyên trách UBATGT Quốc gia cho biết, 6 tháng đầu năm 2024 (tính từ ngày 15/12/2023 đến 14/6/2024), toàn quốc xảy ra 12.350 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 5.343 người, bị thương 9.552 người.

So với cùng kỳ năm 2023, tăng 1.665 vụ (tăng 15,58%), giảm 634 người chết (giảm 10,61%), tăng 2.426 người bị thương (tăng 34%).

Trong đó, đường bộ vẫn là lĩnh vực xảy ra nhiều nhất với 12.257 vụ, làm chết 5.280 người, bị thương 9.536 người. So với cùng kỳ năm 2023, tăng 1.654 vụ, giảm 636 người chết, tăng 2.423 người bị thương.

Kế đến là lĩnh vực đường sắt xảy ra 66 vụ, làm chết 48 người, bị thương 11 người. So với cùng kỳ năm 2023, tăng 7 vụ, tăng 3 người chết, giảm 2 người bị thương.

Lĩnh vực đường thủy xảy ra 27 vụ, làm chết 15 người, 5 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2023, tăng 4 vụ, giảm 1 người chết, tăng 5 người bị thương.

6 địa phương có số người tử vong do TNGT giảm trên 30%: Cà Mau, Lai Châu, Bình Thuận, TP.HCM, Hậu Giang, Long An. Đặc biệt, Cà mau, Lai Châu, Bình Thuận giảm trên 45% số người chết do TNGT.

9 địa phương có số người tử vong do TNGT tăng trên 20%: Kon Tum, Tuyên Quang, Vĩnh Long, Hà Giang, Quảng Trị, Điện Biên, Lào Cai, Thừa Thiên - Huế, Bến Tre. Trong đó, Thừa Thiên - Huế, Bến Tre có số người chết tăng trên 40%.

"Trong 6 tháng đầu năm 2024, tai nạn giao thông được kéo giảm về số người chết với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, giảm 634 người chết (giảm 10,61%), ùn tắc giao thông được kiểm soát tốt và giảm trên 65% so với cùng kỳ năm 2023.

Số vụ TNGT do người điều khiển phương tiện vi phạm quy định nồng độ cồn trong các dịp cao điểm giảm sâu so với các năm trước. Tình hình vi phạm về chở quá tải trọng xe, vi phạm về cơi nới thành thùng xe đã được xử lý một cách căn bản", ông Lê Kim Thành cho hay.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm TTATGT trong 6 tháng đầu năm 2024 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.

Còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng (9 vụ), làm chết và bị thương nhiều người, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Số vụ và số người bị thương do tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ năm 2023 (tăng 1.665 vụ, tương đương 15,58%; tăng 2.426 người bị thương, tương đương 34%).

Tuy nhiên, nếu so với quý I/2024 thì số vụ và số người bị thương ở quý II/2024 đã có chiều hướng giảm đáng kể.

Tham gia hội nghị trực tuyến, nhiều địa phương thông tin về các giải pháp, mô hình hiệu quả kéo giảm TNGT như Bắc Ninh, Thanh Hóa...

Tham gia hội nghị trực tuyến, nhiều địa phương thông tin về các giải pháp, mô hình hiệu quả kéo giảm TNGT như Bắc Ninh, Thanh Hóa...

Tình trạng tụ tập, điều khiển xe thành đoàn, có dấu hiệu đua xe trái phép vẫn còn xảy ra tại một số tỉnh, thành phố.

Đặc biệt, hành vi chống người thi hành công vụ trong quá trình xử lý vi phạm về TTATGT gia tăng. Cả nước xảy ra 78 vụ, làm 27 đồng chí bị thương, tăng 45 vụ so với cùng kỳ năm 2023.

Nguyên nhân của những tồn tại hạn chế, theo Ủy ban ATGT Quốc gia là ý thức chấp hành các quy định pháp luật về TTATGT của một bộ phận người tham gia giao thông, lái xe và chủ doanh nghiệp còn chưa cao; hành vi vi phạm các quy tắc giao thông còn diễn ra khá phổ biến; hành vi vi phạm quy định nồng độ cồn, chất ma túy khi lái xe đã giảm sâu nhưng vẫn còn tồn tại.

Cấp ủy, chính quyền và lực lượng chức năng ở một số địa phương còn thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, còn tình trạng ỷ lại cho các lực lượng chức năng. Hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật về TTATGT ở một số đơn vị, địa phương còn hạn chế; sự phối hợp thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm TTATGT giữa các cơ quan, lực lượng có nơi, có lúc chưa chặt chẽ.

Nguồn kinh phí dành cho công tác bảo đảm TTATGT còn hạn chế, nhất là kinh phí để thực hiện duy tu, bảo trì, khắc phục điểm đen; kinh phí dành cho công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động nhân dân chấp hành pháp luật về TTATGT dành cho các đoàn thể, chính trị xã hội.

Trước tình hình trên, để đạt được mục tiêu năm 2024 tiếp tục kiềm chế và kéo giảm TNGT trên cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương, trong quý III năm 2024, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm.

Trong đó, Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức đoàn kiểm tra tại một số địa phương có tình hình TNGT diễn biến phức tạp, tăng cao trong 6 tháng đầu năm 2024. Nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng Chỉ số đánh giá hiệu quả công việc (KPI) phục vụ công tác theo dõi, đánh giá hiệu quả và hiệu suất các chiến dịch, các giải pháp truyền thông về TTATGT.

Phối hợp với Bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng và tổ chức thực hiện Chiến dịch truyền thông kết hợp với cao điểm kiểm tra, tuần tra kiểm soát, nhắc nhở, và xử lý hành vi vi phạm nhằm ngăn chặn tình trạng giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển tham gia giao thông, tập trung vào đối tượng là phụ huynh và học sinh trên phạm vi toàn quốc.

Tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện hiệu quả các hoạt động truyền thông với chủ đề "Đã uống rượu, bia - Không lái xe".

Triển khai các giải pháp bảo đảm TTATGT tháng cao điểm ATGT; Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo lập và triển khai thực hiện Kế hoạch tháng cao điểm ATGT cho học sinh đến trường - tháng 9/2024.

Cùng đó, các lực lượng chức năng tập trung kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy khi lái xe; chở hàng hóa quá tải trọng quy định của phương tiện và cầu, đường; người không thắt dây an toàn khi ngồi trên xe ô tô; vi phạm quy định về đội mũ bảo hiểm đối khi ngồi trên mô tô, xe máy, xe đạp điện; sử dụng điện thoại khi lái xe; xử lý trách nhiệm của người giao xe mô tô, ô tô cho trẻ em điều khiển khi chưa đủ tuổi.

"Đối với các tỉnh, thành phố có TNGT tăng cao trong 6 tháng đầu năm 2024, đề nghị tổ chức kiểm điểm, đánh giá trách nhiệm của từng địa bàn từng lĩnh vực để xảy ra TNGT tăng, gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm TTATGT", Ủy ban ATGT Quốc gia đề nghị.

Kỳ Nam

Nguồn ATGT: https://atgt.baogiaothong.vn/9-dia-phuong-co-so-nguoi-tu-vong-do-tngt-tang-hon-20-192240712091043864.htm