9 điều đúc kết khi làm mẹ sau tuổi 30
Ở độ tuổi khác nhau, người mẹ sẽ có những trải nghiệm riêng biệt trong vấn đề chăm sóc và nuôi dạy con cái.
Làm mẹ là điều tuyệt vời và thiêng liêng nhất đối với người phụ nữ. Trên hành trình ấy, mẹ không chỉ trải qua những cảm xúc hạnh phúc mà còn phải đối mặt với không ít áp lực, khó khăn. Nhiều người vẫn thường khuyên độ tuổi thích hợp nhất để sinh con là từ 24 đến 28 tuổi, tuy nhiên chị Nguyễn Kim Phượng (sinh năm 1988, sống tại Bình Dương) lại có suy nghĩ khác.
Bà mẹ 1 con đã rút ra cho mình 9 điều quý báu khi quyết định làm mẹ sau tuổi 30. Cùng lắng nghe những chia sẻ của chị Phượng.
LÀM MẸ SAU 30 CHO MÌNH 9 ĐIỀU "CHÂU BÁU"
Mọi người vẫn hay bảo nhau người mẹ lớn tuổi sẽ gặp nhiều vấn đề hơn những người mẹ trẻ. Quan điểm này không sai nhưng cũng không đúng hoàn toàn vì tất cả những kết quả thống kê, nghiên cứu đều dựa trên phân tích của tập hợp mẫu khác nhau. Như một phản xạ tự nhiên, trước khi tiếp nhận thông tin nào đó, mình ghi nhận và lần lượt kiểm chứng thực tế.
Cơ sở để mình tra cứu những kiến thức mẹ và bé là bệnh viện, bác sĩ có uy tín, có tiếng, có tâm, các nguồn sách chính thống và quyết định cuối cùng luôn dựa trên phán đoán và trực giác của bản thân. Sau đây, là 9 điều châu báu mình rút ra được khi làm mẹ sau tuổi 30:
1. Tỉnh thức làm cha mẹ: Mình không biết vì nguyên nhân, lẽ nào mà mình khá “tỉnh thức” trong làm việc làm cha mẹ dù mua sách nhiều nhưng mình không có thời gian đọc hết. Đến khi vô tình đọc những bài viết của các mẹ về before và after trong việc nuôi dạy con... thì mình mới “À, mình đang thực hiện những phần nội dung trong “after” một cách rất tình cờ, bản năng”.
Như là khi con làm hỏng một đồ vật A, gây ra sự cố gì đó, mình không nổi điên lên mà lập tức trong đầu mình truy lại nguyên nhân là do mình trước tiên. Hầu hết những trường hợp này là mẹ đang bận việc hoặc không chú ý đến con. Con chơi một mình nên xảy ra cớ sự.
2. Trước mọi phương pháp nuôi dạy con, mình không bao giờ răm rắp làm theo 100% mà luôn gạn lọc những điểm phù hợp, kết hợp thêm tư duy, cách làm của bản thân để ra phương pháp “kiểu Mẹ”.
3. Vì nhiều tuổi nên mình cũng chuẩn bị được một số kiến thức nền tảng trong việc chăm sóc em bé mà không bị lung lay hay áp lực bởi vô số nguồn thông tin, kiến thức, lời khuyên ngoài kia.
Chị Phượng làm mẹ sau tuổi 30.
4. Mình không phán xét con hay những bà mẹ ngoài kia (nếu vô tình có ý kiến trái chiều), vì mình hiểu sâu sắc đằng sau mỗi người mẹ, mỗi gia đình luôn có ít nhất một câu chuyện.
Chính nhờ không phán xét nên khái niệm “con nhà người ta” bị loại hẳn trong từ điển nuôi con của mình. Từ đây, mình biết cột mốc so sánh là con của ngày hôm trước chứ không phải là sự phát triển của em bé khác.
5. Mình luôn luôn ưu tiên sức khỏe tinh thần lẫn thể chất của mẹ, vì đây là áo giáp giúp mẹ vững vàng trước dư luận, gia đình về 1001 cách thức nuôi dạy con.
6. Mình nhận ra được điều cốt lõi một đứa trẻ cần là thời gian, tình cảm của ba mẹ, đặc biệt là mẹ. Không phải ông bà, đồ chơi công nghệ, kẹo bánh. Vì thế, mình không quá nhiều đắn đo trước những ngã rẽ sự nghiệp vì tận sâu trong tim, mình biết con cần mình như thế nào.
7. Mình tôn trọng và xem con như người bạn từ trong bụng mẹ. Vậy nên từ chuyện ăn, ngủ của con, mình không quá nhọc lòng và khá suôn sẻ.
8. Mọi quan điểm đều mang tính tương đối và đều có ngoại lệ, lựa chọn vẫn nằm ở mẹ. Như rất nhiều thông tin cho rằng làm mẹ sau 30, 35 tuổi sẽ thường gặp những bệnh lý, triệu chứng nào đó nhưng mình thì không. Thậm chí, mình khỏe như một người phụ nữ bình thường đặc biệt trong thời gian mang thai.
9. Lớn tuổi đồng nghĩa người mẹ đã đi qua nhiều nắng mưa của cuộc đời, mình cũng điềm tĩnh hơn và hiểu gốc rễ những gì xảy ra. Tâm lý theo chồng bỏ cuộc chơi hoặc những tiếc nuối thời son trẻ thời điểm làm mẹ này không nhiều nên là toàn tâm ý cho con cái hơn.
Suy cho cùng, số tuổi của mẹ cũng không quan trọng lắm so với tình yêu thương và thời gian mẹ dành cho con, đặc biệt là tư duy trong nghề cha mẹ.
Hai mẹ con chị Phượng.
Chia sẻ thêm về vấn đề làm mẹ ở độ tuổi sau 30, chị Phượng tâm sự: ''Tất cả những điều mình đã trải qua đều theo hướng tích cực. Tự thân nghiền ngẫm trong quá trình làm việc (công việc của mình là host, freelance writer), tính chất công việc giúp mình chiêm nghiệm nhiều về cuộc sống, đọc sách, tài liệu các nguồn liên quan kết hợp trải nghiệm thực tế khi làm mẹ. Làm mẹ cũng là một "nghề" cần học hỏi, thực hành và chỉnh sửa, cập nhật kiến thức liên tục.
9 điều mình đã nêu là những điểm khác giữa mẹ 30 tuổi với mẹ 20 tuổi. Còn sự khác nhau giữa mẹ 30 tuổi với mẹ 40 tuổi: Ở độ tuổi 40, thông thường người mẹ sẽ gặp nhiều vấn đề về sức khỏe hơn mẹ 30 tuổi rồi. Nhưng chiều sâu về tính cách, suy nghĩ sẽ sâu sắc hơn nữa so với mẹ ở 30, 20 tuổi. Dĩ nhiên, không người mẹ nào giống nhau cả vì mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Khác nhau về môi trường sống, làm việc, văn hóa gia đình và mỗi em bé lại rất khác nhau. Huống hồ, việc chăm sóc và nuôi dạy 1 em bé là vô cùng ''nhiêu khê'': cần nhiều tình thương, kỹ năng, sức khỏe... Trong việc nuôi dạy con nói chung, không nên so sánh dù là chi tiết nhỏ. Tùy vào gia đình, tính cách và đặc điểm của trẻ, người mẹ sẽ biết làm "nghề" như thế nào.
Trẻ con lớn rất nhanh, mỗi giai đoạn mỗi khác về tư duy, tính cách, cách chăm sóc của mẹ, thời gian mẹ dành cho con... Nên quan điểm, phương pháp dạy con, chăm con nào đó cũng dựa trên tính chất phù hợp và linh hoạt ứng biến. Làm sao đảm bảo được niềm vui khi hai mẹ con bên nhau, giữa con và mẹ phải luôn có sự kết nối (không chỉ về khoảng cách mà là tinh thần, năng lượng, quan điểm...)''.