9 đồ uống giảm lượng đường trong máu tốt cho người đái tháo đường
Không chỉ đồ ăn mới tạo ra sự khác biệt về lượng đường trong máu mà đồ uống cũng vậy. Khi đang tìm cách giảm lượng đường trong máu, người bệnh đái tháo đường nên tránh đồ uống ngọt hoặc đồ uống làm tăng lượng đường trong máu.
Nội dung
1. Một số đồ uống thân thiện hạn chế lượng đường trong máu
2. Những lời khuyên khác để quản lý lượng đường trong máu
Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), lượng đường trong máu cao có thể làm hỏng các cơ quan của cơ thể. Những tác động lâu dài có thể xảy ra bao gồm tổn thương các mạch máu lớn (mao mạch) và nhỏ (vi mạch), có thể dẫn đến đau tim, đột quỵ và các vấn đề về thận, mắt, nướu, bàn chân và dây thần kinh.
Để giảm nguy cơ ảnh hưởng lâu dài của bệnh đái tháo đường bằng cách giữ huyết áp, đường huyết và mức cholesterol trong phạm vi được khuyến nghị, Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) khuyến nghị đồ uống không calo hoặc ít calo. Chọn nước uống có thể giúp người đái tháo đường ổn định đường huyết, phòng ngừa biến chứng hoặc ngược lại.
1. Một số đồ uống thân thiện hạn chế lượng đường trong máu
1.1 Nước lọc
Nước lọc là lựa chọn tốt nhất cho người mắc bệnh đái tháo đường vì nước lọc không chứa calo nhưng hydrat hóa trong nước lại kiểm soát lượng đường trong máu. Uống nước lọc có liên quan đến việc giảm 6% nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2. Nước lọc thúc đẩy giải phóng một loại acid amin ảnh hưởng đến việc điều chỉnh lượng đường trong máu.
Do đó mọi người nên chuyển từ đồ uống có đường (chẳng hạn như soda) sang nước lọc, vì điều này làm giảm lượng đường và calo nạp vào, giúp duy trì cân nặng khỏe mạnh, giúp kiểm soát lượng đường trong máu.
1.2 Cà phê
Theo một nghiên cứu năm 2019 trên tạp chí Nutrients, cho dù uống cốc cà phê có chứa caffein hay không chứa caffein, các nghiên cứu đều chỉ ra rằng uống cà phê thường xuyên có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2.
Các hợp chất thực vật, được gọi là chất phytochemical, trong cà phê có thể hỗ trợ sức khỏe của các tế bào ở gan và tuyến tụy, giúp bảo vệ chống lại sự phát triển của gan nhiễm mỡ và duy trì chức năng insulin (một chất điều hòa chính lượng đường trong máu).
Một điều cần lưu ý: Những gì cho vào cà phê đều rất quan trọng chẳng hạn như đường, sữa hay các loại cà phê có hương vị đều ảnh hưởng đến lượng đường trong máu.
1.3 Trà thảo dược
Các loại trà thảo dược như trà hoa cúc, gừng và bạc hà đều là những lựa chọn tuyệt vời cho người mắc bệnh đái tháo đường.
Trà thảo dược không chỉ không chứa carbs, calo và đường mà còn giàu các hợp chất chống oxy hóa bao gồm carotenoid, flavonoid và acid phenolic giúp chống lại bệnh tật.
1.4 Trà đen
Trà cũng là một loại đồ uống có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường và các biến chứng do bệnh đái tháo đường, theo những đánh giá năm 2019 ở Mỹ, các hợp chất trong trà giúp cải thiện tình trạng kháng insulin, giảm căng thẳng oxy hóa và viêm, giúp kiểm soát bệnh đái tháo đường.
Hầu hết các nghiên cứu được thực hiện trên trà đen và trà ô long. Vì vậy hãy chọn những loại trà đó nếu muốn giảm lượng đường trong máu. Và cũng giống như cà phê, hãy hạn chế thêm đường (kể cả mật ong) để lượng đường trong máu ổn định.
1.5 Trà xanh ổn định lượng đường trong máu
Nếu thích hương vị (hoặc hàm lượng caffeine thấp hơn) của trà xanh, uống trà xanh đã được chứng minh là làm giảm mức đường huyết lúc đói, theo một phân tích tổng hợp năm 2020 gồm 27 thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng được công bố trên tạp chí Dinh dưỡng & Chuyển hóa.
Catechins trong trà có thể ngăn chặn một số sự hấp thụ carbohydrate trong quá trình tiêu hóa, cũng có thể cải thiện quá trình chuyển hóa glucose và có thể làm giảm căng thẳng oxy hóa, tất cả đều có thể giúp giảm lượng đường trong máu. Điều đó nói lên rằng, trà xanh là thức uống không calo và không đường, vì vậy nó là lựa chọn tốt cho lượng đường trong máu ổn định.
1.6 Nước ép cà chua
Để có một thức uống thân thiện với lượng đường trong máu và có nhiều hương vị, nước ép cà chua cũng là một lựa chọn. Trong một thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng nhỏ được công bố vào năm 2020 trên Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Châu Á Thái Bình Dương đánh giá 25 phụ nữ khỏe mạnh, những người uống khoảng 200ml nước ép cà chua 30 phút trước khi ăn bữa sáng giàu carbohydrate đã có mức đường trong máu thấp hơn sau bữa ăn so với trước khi uống nước. Chất xơ trong cà chua có thể giúp tiêu hóa chậm, do đó làm chậm sự gia tăng lượng đường trong máu xảy ra sau khi ăn.
1.7 Nước ép mướp đắng giảm lượng đường trong máu
Nước giải khát này cân bằng lượng đường và là loại nước ép tốt nhất cho bệnh đái tháo đường được làm từ mướp đắng. Nó rất giàu charantin, có đặc tính ngừa đái tháo đường và làm giảm lượng đường trong máu. Nó cũng chứa các chất hoạt động giống như insulin, giúp kiểm soát bệnh đái tháo đường một cách tự nhiên.
Tuy nhiên, nước ép mướp đắng có thể khó uống để có thể dễ uống hơn có thể thêm táo, chanh và dưa chuột rồi ép tất cả lại với nhau.
1.8 Kombucha
Kombucha là một loại đồ uống lên men thường được làm từ trà đen hoặc trà xanh. Đó là một nguồn cung cấp men vi sinh tuyệt vời, một loại vi khuẩn có lợi được tìm thấy trong ruột đã được nghiên cứu kỹ về khả năng cải thiện việc kiểm soát lượng đường trong máu cho những người mắc bệnh đái tháo đường type 2.
Mặc dù hàm lượng dinh dưỡng chính xác có thể khác nhau tùy thuộc vào loại, nhãn hiệu và hương vị cụ thể, nhưng một khẩu phần kombucha 1 cốc thường chứa khoảng 7g carbs, là lựa chọn tốt cho chế độ ăn ít carb.
1.9 Sữa
Mặc dù các lựa chọn thay thế sữa có thể là xu hướng, nhưng protein trong sữa bò có thể giúp giảm phản ứng đường huyết sau khi ăn bữa ăn ở những người mắc bệnh đái tháo đường và những người không mắc bệnh. Những protein này, bao gồm casein và whey, làm chậm quá trình tiêu hóa và cải thiện phản ứng insulin, từ đó có tác động tích cực đến lượng đường trong máu.
Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ khuyến nghị nên chọn sữa không béo hoặc ít béo (giúp kiểm soát chất béo bão hòa).
2. Những lời khuyên khác để quản lý lượng đường trong máu
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, ngoài việc chọn đồ uống giúp giảm lượng đường trong máu, cũng nên làm theo những lời khuyên sau:
- Ăn các bữa chính và bữa ăn nhẹ thường xuyên, vì thời gian giữa các bữa ăn quá lâu có thể khiến lượng đường trong máu giảm xuống.
- Duy trì thói quen tập thể dục: Cơ bắp hấp thụ glucose (đường trong máu) khi di chuyển. Đi bộ là cách tốt nhất để giảm lượng đường trong máu, đặc biệt nếu đi bộ sau bữa ăn.
- Ăn các bữa ăn cân bằng, chia khẩu phần hợp lý. Việc tiêu thụ thực phẩm giàu carbohydrate có thể làm tăng lượng đường trong máu. Ăn cùng loại thực phẩm đó với nguồn protein và chất béo lành mạnh sẽ làm giảm phản ứng đường huyết.