9 lầm tưởng về vitamin B12 trong điều trị bệnh
Vitamin B12 là một trong những vitamin quan trọng, giúp sản xuất các tế bào hồng cầu mang oxy đi khắp cơ thể, đồng thời rất quan trọng đối với chức năng thần kinh, giải phóng năng lượng và thậm chí góp phần hình thành DNA. Tuy nhiên, vẫn có nhiều lầm tưởng về loại vitamin này trong điều trị một số bệnh…
1. Bạn cần bao nhiêu vitamin B12?
Vitamin B12 là một trong 8 loại vitamin B. Tuy nhiên, cơ thể không tự nhiên tạo ra vitamin B12, mà phải hấp thụ từ thực phẩm hoặc chất bổ sung. Vitamin B12 có rất nhiều trong các sản phẩm động vật như thịt và cá, sữa và các sản phẩm từ sữa khác, trứng và ngao. Một số loại ngũ cốc, bánh mì… cũng được tăng cường vitamin B12.
Theo Học viện Dinh dưỡng và Ăn kiêng Hoa Kỳ, hầu hết người lớn khỏe mạnh chỉ cần một lượng nhỏ vitamin B12, khoảng 2,4 microgam (mcg)/ngày. Một ngày chỉ cần ăn 85g cá ngừ là đủ lượng vitamin B12 cho cơ thể. Hai quả trứng có thể cung cấp một nửa lượng vitamin B12 khuyến nghị hàng ngày.
2. Ai có nguy cơ thiếu vitamin B12
Những người có nguy cơ thiếu vitamin B12 cao nhất bao gồm:
Những người trên 65 tuổi.
Người ăn chay trường (những người thường không ăn đủ các sản phẩm từ động vật).
Những người mắc bệnh đường tiêu hóa như bệnh Crohn hoặc bệnh celiac, phẫu thuật dạ dày hoặc một loại phẫu thuật khác…
Các triệu chứng của thiếu hụt vitamin B12, có thể phát triển trong nhiều năm, bao gồm: Mệt mỏi, da nhợt nhạt, tê hoặc ngứa ran ở bàn tay hoặc bàn chân và lú lẫn. Nếu không được điều trị, quá ít vitamin B12 có thể dẫn đến tổn thương thần kinh, mất điều hòa (khó đi lại và giữ thăng bằng), thiếu máu ác tính, suy tim và thậm chí là ung thư dạ dày.
Đối với những người thiếu vitamin B12 có thể điều chỉnh chế độ ăn uống. Nếu vẫn chưa đủ lượng vitamin B12 cần thiết, có thể phải dùng chất bổ sung, thậm chí tiêm vitamin B12 (theo chỉ định của bác sĩ).
3. Những lầm tưởng tác dụng của vitamin B12 trong điều trị một số bệnh
3.1. Bệnh Alzheimer
Mặc dù mức vitamin B12 thấp có liên quan đến các vấn đề về trí nhớ nhưng đến nay chưa có bằng chứng chứng minh rằng vitamin B12 có thể cải thiện bệnh Alzheimer, cải thiện trí nhớ ở người.
3. 2. Ung thư
Các nghiên cứu khác nhau đã liên kết cả mức độ cao và thấp của vitamin B12 với bệnh ung thư. Tuy nhiên, về cơ bản, không biết chắc chắn được rằng liệu vitamin có giúp ích, làm tổn thương hay làm giảm nguy cơ mắc bệnh.
3.3. Bệnh tim và đột quỵ
Mức độ cao hơn của axit amin homocysteine có thể liên quan đến nguy cơ đau tim và đột quỵ cao hơn. Vitamin B12 có thể làm giảm mức homocysteine, góp phần làm giảm tỷ lệ mắc bệnh tim, nhưng chỉ ở những người được chẩn đoán là thiếu hụt vitamin B12.
3.4. Giảm tinh trùng
Vitamin B12 được chứng minh là cải thiện khả năng di chuyển của tinh trùng. Nhưng các chất bổ sung vitamin B12 không thực sự hữu ích nếu không có sự thiếu hụt vitamin B12 trong cơ thể.
3. 5.Thoái hóa điểm vàng do tuổi tác
Việc bổ sung axit folic, vitamin B6 và B12 có thể làm giảm nguy cơ thoái hóa điểm vàng do tuổi tác, nhưng mới đây các nhà nghiên cứu đã ngừng khuyến nghị bổ sung các loại vitamin B này.
3.6. Bệnh chàm
Một nghiên cứu lớn tại Hoa Kỳ cho thấy, không có mối liên hệ giữa nồng độ vitamin B12 và nguy cơ mắc bệnh chàm. Các vitamin B khác có liên quan đến sức khỏe làn da nhưng vitamin B12 lại không có quá nhiều lợi ích này.
3. 7.Thiếu máu hồng cầu hình liềm
Thực phẩm bổ sung vitamin B12 thường không giúp ích gì và thậm chí có thể làm tổn thương những người bị bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm. Chỉ nên dùng thực phẩm bổ sung vitamin B12 sau khi có chỉ định của bác sĩ.
3. 8. Năng lượng
Vitamin B12 có thể cải thiện năng lượng, sự tập trung, trí nhớ và tâm trạng chỉ ở những người hiện tại đang bị thiếu hụt vitamin B12. Không có bất kỳ bằng chứng lâm sàng nào cho thấy có thể tăng cường năng lượng ở những người đã có sẵn nhiều vitamin B12.
3. 9.Giảm cân
Vitamin B12 không có bất kỳ lợi ích nào đối với việc giảm cân, nếu có thì có thể là tác dụng giả dược.
4. Bổ sung vitamin B12 sao cho hiệu quả?
Một chế độ ăn uống lành mạnh, đủ chất dinh dưỡng sẽ cung cấp cho cơ thể đủ lượng vitamin B12 cần thiết. Tuy nhiên, trong trường hợp không đủ, có thể sử dụng chất bổ sung.
Lưu ý, để sử dụng vitamin B12 an toàn, hiệu quả, cần:
- Chỉ bổ sung vitamin B12 khi có chỉ định của bác sĩ.
- Mặc dù ít gây độc tính, nhưng nếu dùng liều cao, kéo dài cũng có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Do đó, bổ sung vitamin B12 phải đúng liều lượng, thời gian theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Khi có các triệu chứng bất thường, cần báo ngay cho bác sĩ để có hướng xử trí kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Xem thêm video đang được quan tâm: