9 lưu ý quan trọng khi đi du lịch với trẻ em
Nếu bạn muốn một chuyến du lịch tuyệt vời, đáng nhớ cùng con của mình, hãy ghi nhớ những lưu ý quan trọng dưới đây.
Chọn điểm đến phù hợp
Trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 2 tuổi không nên di chuyển quá nhiều trong một thời gian ngắn. Do đó, những bậc phụ huynh có con ở tuổi này nên tạm gác những chuyến du lịch tham quan nhiều điểm hay những chuyến đi có yếu tố khám phá, thám hiểm, leo núi hay vào hang động…
Chọn phương tiện di chuyển
Về phương tiện di chuyển, nếu đi máy bay, bạn cũng nên chọn chỗ ngồi đằng trước (nếu mua vé trên mạng) hoặc thông báo tại quầy khi làm thủ tục ở sân bay. Một lưu ý nhỏ là cha mẹ nhớ mang giấy khai sinh cho con khi đi máy bay, nếu không sẽ vô cùng rắc rối, có thể không được lên máy bay. Còn nếu di chuyển bằng tàu hỏa hoặc ô tô, hãy đảm bảo con nhỏ có đủ chỗ để nằm và một không gian thoáng để hít thở.
Chọn đồ dùng
Đầu tiên, hãy để ý tới quần áo của trẻ. Khi đi du lịch vào mùa hè, bé sẽ ra mồ hôi rất nhiều, do đó cha mẹ nên lựa chọn những bộ quần áo thoáng mát, thấm mồ hôi tốt. Cũng nên chuẩn bị một vài bộ quần áo dài đề phòng buổi tối trời gió hoặc vào những khu vực có máy lạnh.
Mũ, kính, kem chống nắng, xịt chống muỗi, kem trị côn trùng cắn...dành riêng cho trẻ cũng là những vật dụng không thể thiếu. Ngoài ra, cẩn thận hơn, cha mẹ cũng nên mang một ít thuốc hay cao dán hạ sốt, thuốc chống tiêu chảy, băng gạc cá nhân cho con.
Xe đẩy du lịch cũng là một vật dụng rất cần thiết khi cho bé đi chơi xa. Hãy lựa chọn loại xe đẩy nhỏ gọn, có thể gấp lại được để tránh diện tích để đồ.
Chuẩn bị đồ ăn riêng
Nếu bé còn bú sữa, bạn cần mang theo đủ lượng sữa cho những ngày đi chơi, nước rửa bình sữa, nước nóng pha sữa khi đi trên tàu, xe.
Nếu bé đến tuổi ăn dặm, bạn nên mang theo cốc, thìa, chén, bột ăn dặm, cháo ăn liền, sữa chua cho bé…để tránh trường hợp không mua được thức ăn cho bé tại nơi du lịch.
Chuẩn bị thẻ thông tin
Bạn hãy làm sẵn thẻ thông tin đeo vào cổ, gắn vào ba lô hoặc cài vào áo của con: tên, tuổi, chiều cao, cân nặng, nhóm máu, tiền sử bệnh, thuốc đang dùng và thuốc bị dị ứng (nếu có), và ít nhất hai số điện thoại liên lạc. Nếu có tình huống bất ngờ phát sinh thì có đủ thông tin sẽ thúc đẩy quá trình giúp đỡ trẻ nhanh chóng hơn, nhất là khi trẻ lạc đường hoặc cần trợ giúp y tế.
Trước khi lên đường, hãy chụp lại ảnh toàn thân của con, trong trường hợp cần tìm bé, bạn có thể gửi bức ảnh đó cho những người trợ giúp. Cách này hiệu quả hơn nhiều so với việc mô tả bằng lời.
Chuẩn bị kỹ năng cho con
Khi đi du lịch, hãy chuẩn bị ba lô riêng để con tự quản lý, trong đó có những vật dụng tối thiểu cho hành trình như chai nước, đồ ăn nhẹ, giấy bút, sách hoặc đồ chơi nhỏ, khăn quàng cổ hoặc áo khoác mỏng...
Kể cả khi bạn không ở sát bên con, chúng vẫn có thể chăm sóc bản thân trong thời gian ngắn.
Hãy hướng dẫn con những kỹ năng cơ bản phù hợp ngay từ khi tầm 2-3 tuổi: vệ sinh cá nhân, ăn uống, chọn trang phục, bảo vệ bản thân, giao tiếp…
Đến từng điểm du lịch, hãy chỉ cho con những nhân viên của nơi đó (bảo vệ, nhân viên lễ tân, nhân viên phục vụ...) để con nhận biết đồng phục và đặc điểm nhận dạng của họ. Trong trường hợp cần thiết, con sẽ tìm những người này để trợ giúp.
Kiểm tra thời tiết
Nếu đi cùng con, trước ngày đi bạn cần phải kiểm tra thời tiết. Đừng ngại hủy chuyến đi nếu nơi đến có mưa bão hay thiên tai hoặc có dịch bệnh bùng phát. Hãy nhớ an toàn của con là trên hết.
Đề phòng khi con lạc
Dù không hề muốn nhưng bạn nên nghĩ đến trường hợp bé đi lạc để phòng ngừa và hạn chế tối đa hậu quả. Bạn nên ghi tên bé, tên vợ chồng bạn, địa chỉ nhà, số điện thoại, địa chỉ khách sạn... lên một mảnh giấy và cho vào túi áo của bé.
Đối với bé lớn hơn, bạn cần dặn bé tự bảo vệ mình bằng cách nếu không thấy bố mẹ thì cần gặp ai (nhân viên cảnh sát, nhân viên an ninh ở bến tàu, xe, sân bay… ) để nhờ tìm bố mẹ. Cần cho bé học thuộc số điện thoại của bạn và địa chỉ khách sạn.
Chuẩn bị tâm thế cho bản thân
Khi đưa con đi chơi, phần lớn cha mẹ căng thẳng, sốt ruột hơn là đi riêng người lớn với nhau. Tâm lý này hoàn toàn bình thường. Tuy vậy trẻ em rất nhạy cảm, rất để ý và dễ dàng chịu ảnh hưởng từ cảm xúc, lời nói, hành động của người lớn.
Do đó, muốn con vui vẻ trong suốt hành trình, trước hết cha mẹ hãy tự chuẩn bị tâm lý cho bản thân, hạn chế cảm xúc tiêu cực (giận dữ, cáu bẳn, thất vọng...), hạn chế lời nói chê bai, phàn nàn, đòi hỏi, kể cả khi điểm du lịch không như mong đợi hoặc không hài lòng với dịch vụ. Trong mọi trường hợp, cha mẹ hãy bình tĩnh xử lý, cùng con vượt qua những trắc trở trên đường. Chuyến đi vui vẻ thì trẻ càng dễ học hỏi được nhiều điều thú vị về thế giới xung quanh.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/9-luu-y-quan-trong-khi-di-du-lich-voi-tre-em-ar818397.html