9 mẹo nuôi dạy những đứa trẻ cứng đầu

Theo Bright Side, các phụ huynh thường gặp khó khăn khi con bướng bỉnh, la hét, không nghe lời. Để giúp trẻ trở nên ngoan ngoãn và hợp tác hơn, phụ huynh có thể tham khảo 9 cách sau.

1. Bình tĩnh trước mọi tình huống: Trẻ em thường thích bắt chước cha mẹ, vì vậy, cha mẹ nên làm gương bằng cách dạy chúng bình tĩnh. Nếu trẻ nổi cơn thịnh nộ và cha mẹ bắt đầu la hét với chúng, đó sẽ trở thành điều bình thường đối với chúng. Vì vậy, thay vào đó, hãy cho chúng thấy một cách khác để đối phó với cảm xúc tiêu cực. Ảnh: Freepik.

2. Dạy trẻ nhận thức hậu quả của hành vi xấu: Thay vì chỉ nói "Mẹ đã nói rồi, con phải nghe lời", cha mẹ hãy giải thích rõ ràng cho trẻ hiểu tại sao hành động đó lại gây ra hậu quả không mong muốn. Hãy tạo cơ hội cho trẻ tự trải nghiệm và rút ra bài học, thay vì chỉ đơn thuần đưa ra những quy tắc cứng nhắc. Giúp trẻ hiểu rõ hơn về nguyên nhân và kết quả hành vi của mình sẽ giúp chúng tự giác hơn trong việc lựa chọn hành động đúng đắn. Ảnh: Freepik.

3. Đưa ra sự lựa chọn: Cung cấp cho trẻ sự lựa chọn sẽ giúp con cảm thấy được kiểm soát, giảm bướng bỉnh và tăng sự hợp tác. Các lựa chọn đưa ra cho trẻ nên là những việc mà bạn muốn trẻ làm. Ví dụ, thay vì hỏi "Con muốn dọn đồ chơi hay xem tivi?", bạn có thể hỏi "Con muốn dọn đồ chơi trước hay sau khi xem tivi?". Khi trẻ đã lựa chọn, hãy tôn trọng quyết định của chúng. Điều này giúp trẻ hiểu rằng lựa chọn của chúng có ý nghĩa. Ảnh: Freepik.

4. Thừa nhận cảm xúc của trẻ: Thay vì chỉ trích hay phạt trẻ, dán nhãn trẻ là nghịch ngợm, khó bảo, cha mẹ hãy cố gắng hiểu và chia sẻ cảm xúc với trẻ. Hãy thử nói với con: 'Mẹ biết con đang cảm thấy thế nào. Mẹ cũng từng trải qua cảm giác đó". Khi trẻ cảm thấy được lắng nghe và thấu hiểu, chúng sẽ dễ dàng hợp tác với bố mẹ hơn trong việc giải quyết vấn đề. Ảnh: Freepik.

5. Tạo ra thói quen tốt mà trẻ phải tuân theo: Cha mẹ hãy giúp trẻ phát triển thói quen tốt như không xem TV khi ăn cơm, giúp rửa bát, đánh răng và đi ngủ đúng giờ... Hãy hỏi ý kiến của trẻ về các nhiệm vụ cần thực hiện. Điều này giúp trẻ cảm thấy mình được tôn trọng và có trách nhiệm hơn. Khi trẻ thực hiện tốt, hãy khen ngợi và động viên chúng, trẻ cảm thấy tự hào và muốn tiếp tục cố gắng. Ảnh: Pexels.

6. Mang theo đồ ăn nhẹ: Một đứa trẻ mới biết đi có thể rất dễ nóng giận và mất kiểm soát cảm xúc trong một số trường hợp nhất định, ví dụ khi trẻ đói bụng. Vì vậy, nếu bạn đi ra ngoài cùng con, hãy mang theo đồ ăn nhẹ để tránh cơn quấy khóc tiềm ẩn và giữ cho con tâm trạng tốt. Ảnh: Pexels.

7. Đưa ra hậu quả nếu trẻ phá vỡ quy tắc: Khi trẻ có hành vi không đúng, cha mẹ nên đưa ra những hậu quả liên quan trực tiếp đến hành vi đó. Ví dụ, nếu trẻ nhất quyết không ăn cơm, chúng sẽ không được ăn món tráng miệng yêu thích. Hoặc nếu trẻ không dọn đồ chơi, chúng sẽ không được chơi đồ chơi trong một khoảng thời gian nhất định. Phương pháp này giúp trẻ hiểu được hậu quả của hành động và từ đó điều chỉnh hành vi. Ảnh: Freepik.

8. Chuyển hướng chú ý của trẻ: Đôi khi trẻ em có thể hành động sai vì chúng cảm thấy chán hoặc không biết cách khác để giải trí. Để ngăn chặn hành vi này, một cách hiệu quả là tìm cho chúng một hoạt động thú vị để thu hút sự chú ý của chúng. Ảnh: Freepik.

9. Hỏi ý kiến và giải pháp của trẻ: Khi trẻ bướng bỉnh, cha mẹ hãy hỏi trẻ xem có vấn đề gì hay có điều gì làm phiền chúng không, nếu có điều gì đó không ổn và chúng nói với bạn, hãy ngồi xuống và thảo luận về nó. Hãy hỏi con về cách chúng sẽ làm để để khắc phục vấn đề. Nếu trẻ không có câu trả lời, cha mẹ hãy hướng dẫn và hỗ trợ trẻ tìm ra giải pháp. Ảnh: Pexels.

Ngọc Bích

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/9-meo-nuoi-day-nhung-dua-tre-cung-dau-post1518254.html