9 người bị truy tố liên quan dự án sân bay Điện Biên
VKS cáo buộc các bị can có sai phạm khi được giao thẩm định phương án bồi thường thuộc dự án sân bay Điện Biên, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
VKSND tỉnh Điện Biên vừa ra cáo trạng truy tố ông Nguyễn Tuấn Anh (cựu Phó Chủ tịch UBND TP Điện Biên Phủ) và 8 bị can khác liên quan những sai phạm khi bồi thường dự án nâng cấp, cải tạo Cảng hàng không Điện Biên.
Cuối năm 2020, UBND TP Điện Biên Phủ giao Trung tâm quản lý đất đai lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho những người có đất bị thu hồi, trong đó có diện tích hơn 232.000 m2 của Công ty cổ phần Chế biến nông sản Điện Biên.
Ngày 29/7/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh có báo cáo đề xuất UBND tỉnh cho ý kiến về việc áp dụng chế độ bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích đất thu hồi.
Theo cáo buộc, khi UBND tỉnh chưa có văn bản chỉ đạo, ông Nguyễn Tuấn Anh đã trực tiếp chỉ đạo cấp dưới lập phương án bồi thường, hỗ trợ theo chế độ được đề xuất trong báo cáo của Sở Tài nguyên. Các bị can thực hiện việc này mà không kiểm tra, xác minh đối tượng bị thu hồi đất; không niêm yết công khai nội dung và không tổ chức lấy ý kiến người bị thu hồi đất theo quy định.
VKS xác định từ tháng 4 đến tháng 12/2021, ông Tuấn Anh và các bị can thực hiện hành vi vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Họ được giao thẩm định phương án bồi thường, nhưng không kiểm tra hồ sơ phương án và đề nghị phê duyệt khi hồ sơ không đảm bảo, vi phạm quy định về đất đai. Hậu quả gây thiệt hại tổng số tiền gần 20 tỷ đồng.
Ngoài ra, bị can Nguyễn Thị Khương (cựu cán bộ hợp đồng của Trung tâm quản lý đất đai) và đồng phạm đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 267 triệu đồng.
Còn bị can Bùi Mạnh Cường (cựu công chức Phòng Tài nguyên và Môi trường TP Điện Biên Phủ) bị cáo buộc gây thiệt hại cho Nhà nước trên 6,1 tỷ đồng.
Cơ quan tố tụng đánh giá đây là vụ án đồng phạm. Đối với hành vi vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, các bị can không có sự bàn bạc thống nhất khi thực hiện hành vi.
Sai phạm của nhóm cựu cán bộ TP Điện Biên Phủ và đồng phạm được cho là nguy hiểm cho xã hội, thuộc trường hợp rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Hậu quả gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước.
Quá trình tố tụng, các bị can đã nộp khắc phục hậu quả với tổng số tiền trên 3,3 tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều người được xem xét các tình tiết giảm nhẹ về nhân thân và quá trình công tác.