9 người thương vong, 1 người mất tích do mưa lũ

Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai (PCTT) cho biết, tính đến 17 giờ ngày 12-5-2022, đợt mưa lũ, lốc, sét từ ngày 9 đến 12-5 tại các tỉnh Bắc Bộ đã làm 6 người chết, 1 người mất tích và 3 người bị thương. Sáng 13-5, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện số 415/CĐ-TTg yêu cầu các địa phương chủ động ứng phó mưa lũ tại khu vực Bắc Bộ.

Mưa lớn trong ngày 9 và 10-5 gây ngập nhiều khu vực ở tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Kim Nhượng

Mưa lớn trong ngày 9 và 10-5 gây ngập nhiều khu vực ở tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Kim Nhượng

Theo thông tin từ Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT, chiều 12-5, trên địa bàn xã Thụy Duyên, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình xảy ra mưa dông lớn, trong mưa sét đánh khiến 3 người thiệt mạng.

Danh tính các nạn nhân gồm: ông Đinh Bá Trọng (sinh năm 1972, trú tại Song An, huyện Vũ Thư, Thái Bình), bà Nguyễn Thị Quy (sinh năm 1980, huyện Đông Hưng, Thái Bình); Nguyễn Công Đức (sinh năm 2006, huyện Đông Hưng, Thái Bình).

Cũng trong ngày 12-5, tại Hưng Yên đã xảy ra sét đánh trong mưa dông làm chị Tô Thị Liên (sinh năm 1968, huyện Tiên Lử) bị tử vong trong khi đi làm đồng.

Trước đó, vào ngày 10-5, tại Lạng Sơn có 1 người chết do sạt lở đất và 1 người ở Bắc Kạn tử vong do bị lũ cuốn trôi; 1 người ở Cao Bằng bị mất tích do lũ cuốn trôi và 3 người dân ở Bắc Kạn bị thương.

Mưa lớn đã làm 242 ngôi nhà ở các tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn, Hà Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng bị sập, hư hỏng, thiệt hại. Hơn 2.200ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập.

Một số tuyến đường giao thông bị sạt lở với khối lượng 41.733m3 đất đá, 1 ngầm tạm bị hư hỏng, 2 cầu bị hư hỏng, 2 đập tạm bị cuốn trôi, 11 chuồng trại bị sạt lở.

Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, sáng 13-5, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 415/CĐ-TTg yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT, Chủ tịch UBND các tỉnh tập trung chỉ đạo, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, hạn chế thiệt hại do thiên tai.

Công điện nêu rõ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ; chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó kịp thời, hiệu quả, chủ động sơ tán dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.

Tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, nhất là những hộ nghèo, khó khăn, gia đình có người bị nạn; huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục nhanh hậu quả, khôi phục sản xuất nông nghiệp sau lũ.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, dự báo, thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng và người dân biết để chủ động triển khai công tác ứng phó.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương theo chức năng quản lý nhà nước được giao phối hợp địa phương chỉ đạo kiểm tra, điều tiết các hồ thủy lợi, thủy điện bảo đảm vận hành khoa học, hiệu quả, an toàn cho công trình, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du, trong đó lưu ý phải thông báo sớm cho người dân trước khi vận hành xả lũ; chỉ đạo bảo vệ sản xuất nông, công nghiệp.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo, hướng dẫn công tác bảo đảm an toàn giao thông tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, kịp thời khắc phục nhanh sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt, nhất là trên các trục giao thông chính.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn chủ động bố trí lực lượng, phương tiện hỗ trợ sơ tán, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai khi có yêu cầu của địa phương.

Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo dõi chặt chẽ tình hình, chủ động chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai công tác ứng phó theo thẩm quyền, kịp thời báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo những vấn đề vượt thẩm quyền.

Thu Hằng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/9-nguoi-thuong-vong-1-nguoi-mat-tich-do-mua-lu-post450729.html