9 người trẻ dưới 30 tuổi và lần đầu tư thất bại đầu đời
Không phải người trẻ nào cũng dễ dàng thành công với lần kinh doanh đầu tiên. Sau thất bại, những nhà đầu tư thu về nhiều bài học.
Không phải người trẻ nào cũng dễ dàng thành công với lần kinh doanh đầu tiên. Sau thất bại, những nhà đầu tư thu về nhiều bài học.
_____
Rót tiền vào chứng khoán, tiền ảo, bất động sản hay kinh doanh các mặt hàng thời trang, mỹ phẩm… là lựa chọn của nhiều người trẻ khi lần đầu đầu tư. Tất nhiên, không phải ai cũng thành công như dự tính.
Với những người thua lỗ, kinh nghiệm là bài học đắt giá.
Lifestyle đã trò chuyện cùng 9 bạn trẻ dưới 30 tuổi để lắng nghe câu chuyện về lần đầu tư thất bại đầu tiên của họ cùng những bài học được rút ra sau đó.
Năm 2016, khi đang học năm 2 đại học, tôi được một người bạn cùng lớp rủ hùn vốn mở một cửa hàng bán mỹ phẩm. Thời điểm đó, tôi khá tin tưởng người bạn này vì cô ấy đang bán mỹ phẩm online với lượng khách ổn định.
Sẵn có nguồn hàng, khách hàng thân thiết, cô bạn tự tin có thể chi trả tiền thuê mặt bằng và vận hành cửa hàng. Sau khi nghe cô ấy này nói về kế hoạch, tôi chấp nhận đầu tư với số vốn góp vào khoảng 50 triệu đồng.
Là dân thiết kế, tôi rất quan tâm đến nội thất. Vì thế, chúng tôi đã không tiếc chi một khoản tiền lớn để trang hoàng cửa hàng trông thật lung linh, bắt mắt. Số tiền thuê mặt bằng và làm nội thất đã chiếm một nửa số tiền chúng tôi dự định bỏ vào.
Sau đó, tôi tiếp tục đi vay thêm bạn bè, người thân để đủ tiền “lấp đầy” hàng hóa trong cửa hàng. Tổng số tiền tôi đầu tư cho dự án đầu đời lên đến 400 triệu đồng.
Những ngày đầu tiên, doanh số vượt trên kỳ vọng vì bạn bè, khách quen đến ủng hộ rất đông. Nhưng sang tháng tiếp theo, doanh thu của cửa hàng chỉ nhỉnh hơn một chút so với khi cô bạn của tôi còn bán hàng online do lượng khách mới không có. Trong khi hàng tháng, chúng tôi vẫn phải chi trả tiền mặt bằng, thuê nhân viên.
Cầm cự được 6 tháng, chúng tôi quyết định đóng cửa vì không đủ sức “gồng” lỗ. Thanh lý toàn bộ hàng hóa, nội thất với giá rẻ, chúng tôi thu lại chẳng được là bao.
Cuối cùng, trong 3 năm còn lại thời sinh viên, tôi vẫn phải đi làm thêm để gánh khoản nợ sau lần khởi nghiệp đầu đời.
Sau lần ấy, tôi nhận ra rằng trước khi làm bất cứ điều gì cần phải tìm hiểu kỹ càng. Trước khi xuống tiền, tôi thậm chí còn không có một chút am hiểu về mỹ phẩm nên thất bại cũng là dễ hiểu.
Năm 2020, tôi và chồng có khoảng 1 tỷ đồng tiết kiệm, dự kiến dùng để mua nhà. Tuy nhiên, đến cuối năm, chúng tôi vẫn chưa tìm được căn hộ ưng ý, giá bất động sản lúc đó lại liên tục tăng cao. 2 vợ chồng quyết định dùng số tiền đó để hùn vốn mua đất cùng một nhóm bạn.
Với 1 tỷ đồng này, chúng tôi chia làm 2 suất đầu tư. Suất thứ nhất 600 triệu đồng, dùng để góp vốn với 5 người khác để mua lô đất hơn 2.000 m2 ở Hòa Bình, giá 3,4 tỷ đồng.
Suất thứ hai có giá trị 400 triệu đồng, dùng để đầu tư vào lô đất 1.500 m2 ở Sóc Sơn, Hà Nội, giá 2,9 tỷ đồng.
Ở thời điểm nhóm chúng tôi xuống tiền, giá đất tại 2 khu vực này tăng theo cấp số nhân. Chúng tôi kỳ vọng lãi 20% sẽ bán và phân chia lợi nhuận theo tỷ lệ vốn góp.
Tuy nhiên, chỉ 2 tuần sau khi chúng tôi hoàn tất thủ tục mua 2 lô đất, cơn sốt đất hạ nhiệt, giao dịch nhà đất tại 2 khu vực này chững lại hoàn toàn. Chúng tôi không kịp thoát hàng, chấp nhận chôn toàn bộ vốn liếng lại trong 2 lô đất đầu tư đầu đời.
Sai lầm của tôi và nhóm bạn là lao vào đầu tư trong khi không hiểu rõ về thị trường, không nắm được bản chất của những cơn sốt đất ảo. 1 tỷ đồng này, vợ chồng tôi an ủi nhau, xem là bài học đầu tư đắt đỏ.
Lần đầu tiên tôi đầu tư là năm 17 tuổi, khi còn là học sinh lớp 11 tại một trường cấp 3 ở địa phương. Học lực ở mức trung bình, tôi vẫn luôn nghĩ rằng sau này sẽ không học đại học mà sẽ đầu tư, buôn bán.
Một người bạn khi nghe được quan điểm này đã gợi ý tôi nhập một lô quần áo Quảng Châu về bán online. Thấy hấp dẫn, tôi vay bố mẹ 15 triệu đồng để tập tành kinh doanh.
Ban đầu, vì nhiều bạn bè, tôi bán hàng rất thuận lợi. Những lô quần áo đầu tiên bán tốt, có lợi nhuận. Thấy đang có đà, tôi kết nối với nhiều mối buôn lớn ở miền Bắc để nhập thêm hàng. Am hiểu sở thích của giới trẻ, có tháng tôi lãi khoảng 25 triệu đồng.
Nhưng với một người không có kinh nghiệm quản lý dòng tiền, lại ham chơi, tôi dùng chính tiền lãi, thậm chí tiền vốn để tiêu pha cho các nhu cầu cá nhân. Dần dần âm vốn, tôi thậm chí phải vay bố mẹ 50 triệu đồng để trả nợ các mối buôn.
Duy trì được 1 năm, tôi bỏ mảng kinh doanh đầu đời với bài học đắt giá: không có kiến thức, thiếu kinh nghiệm và khả năng tích lũy thì không làm được gì.
Tôi quyết định kinh doanh quần áo online sau khi làm nhân viên marketing part-time tại một agency quảng cáo và thương hiệu trang sức, thời trang.
Trước đó, tôi đã có kinh nghiệm bán hàng và chăm sóc khách hàng tại một số thương hiệu thời trang khác. Tự tin vào khả năng và sự hiểu biết của bản thân, tôi quyết định mở một gian hàng online với kỳ vọng hòa vốn trong tháng đầu tiên.
Tôi bỏ ra 10 triệu đồng cho dự án start-up đầu đời. Số tiền này tôi dùng để nhập một lượng hàng nhỏ và mua máy in. Tôi thậm chí đã mua máy in ngay khi chưa có một đơn hàng nào.
Sau khi có một sản phẩm win (được khách hàng yêu thích), tôi đã đẩy ngân sách quảng cáo lớn, dẫn tới không tối ưu được chi phí “chạy”, tức là có nhiều khách hàng nhưng không chăm sóc được toàn bộ. Do đó, tôi lỗ ngay từ sản phẩm đầu tiên và mất toàn bộ số vốn bỏ ra cho sản phẩm đó.
Số tiền lỗ từ dự án khởi nghiệp đầu đời dạy tôi cần tính toán kỹ lưỡng và cân nhắc rủi ro trước khi làm bất cứ việc gì. Đặc biệt trong kinh doanh online, người bán luôn phải dự trù những rủi ro trong khâu quảng cáo và chuẩn bị sẵn các giải pháp để hạn chế các bất trắc đó.
Sau khi tốt nghiệp đại học và đầu quân cho một công ty về xây dựng, tôi lên ý tưởng kinh doanh online với mặt hàng dược liệu, trà.
Mục tiêu của tôi là xây dựng và phát triển gian hàng dẫn đầu khu vực Hà Nội về ngành hàng dược liệu trà; tạo doanh thu khoảng 200-500 triệu/tháng trong năm đầu và lãi ròng khoảng 30-50 triệu/tháng.
Để bắt đầu cho tham vọng này, tôi đã vay bố mẹ, bạn bè khoảng 500 triệu đồng để đầu tư vào gian hàng trên một sàn thương mại điện tử (TMĐT). Tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu kinh doanh, tôi đã gặp khó khăn.
Thứ nhất, khâu quảng cáo trên TMĐT không dễ, người bán cần biết cách thiết kế hình ảnh để quảng bá sản phẩm hoặc bỏ nhiều tiền để thuê người chụp.
Thứ hai, viết bài mô tả sản phẩm phải chuẩn SEO, tôi mất nhiều thời gian để học kỹ năng này.
Thứ ba, các bước đăng bài, cập nhật giá khá phức tạp so với bán qua website do tôi tự xây dựng.
Thứ tư, sản phẩm của tôi cũng rất đặc thù, giá trị thấp, thể tích lớn nên gặp rất nhiều khó khăn khi đóng hàng, vận chuyển hàng.
Thứ năm, dược liệu và trà chịu khấu hao nhiều khi lưu kho bởi mặt hàng này không bảo quản được lâu,
Chưa kể, áp lực cạnh tranh trên thị trường cũng khiến tôi chùn chân. Ngành hàng của tôi có rất nhiều đối thủ mạnh, họ gia nhập thị trường sớm hơn tôi, có nhiều khách quen hơn. Thậm chí, một số đối thủ cũng tìm cách làm giảm uy tín của gian hàng bằng cách “bom hàng”, phản hồi không tốt về chất lượng sản phẩm…
Dẫu vậy, tôi vẫn duy trì kinh doanh ổn định trong năm đầu tiên, nhìn chung không thắng lợi nhưng cũng không lỗ. Cho đến khi Covid-19 bùng nổ, việc giao - nhận hàng bị đình trệ, khách hàng bắt đầu phản hồi không tốt về thời gian vận chuyển. Ngoài ra, giá các mặt hàng biến động mạnh, trong khi thuật toán của sàn TMĐT ưu tiên các mặt hàng ít biến động giá hơn. Tôi bắt đầu rơi vào khủng hoảng.
Chỉ 4 tháng sau khi Covid-19 xuất hiện, tôi phải dừng kênh bán hàng. Sự non nớt, thiếu kinh nghiệm bán hàng cùng khả năng xử lý khủng hoảng (khi bị khiếu nại, phản hồi xấu)... là nguyên nhân chính khiến tôi thua cuộc.
Bài học đắt giá nhất tôi học được từ lần khởi nghiệp này là không nên đầu tư nhiều vốn ngay từ đầu vào lĩnh vực bản thân chưa có nhiều kinh nghiệm.
Tháng 5/2022, tôi khai trương một quán ăn chuyên các món đặc sản Nghệ An tại quận Hà Đông, Hà Nội. Số vốn bỏ ra phân bổ cho các khoản thuê mặt bằng 6 tháng; làm lại nội thất cho nhà hàng; đầu tư vào các thiết bị nấu, chế biến món ăn…
Những ngày đầu mới khai trương, khách đến rất đông, đa số là bạn bè, người thân hoặc những người tò mò về món ăn của tôi. Tuy nhiên, lượng khách ngày một ít dần, có ngày chỉ được 5-10 khách.
Nguyên nhân cửa hàng vắng khách, theo tôi là do chất lượng món ăn không đồng đều, có ngày tốt, ngày không.
Nhân viên của tôi quá trẻ, chưa có ý thức trách nhiệm, nhiều lần không dọn dẹp cửa hàng, không chuẩn bị nước uống cho khách. Chất lượng dịch vụ bị đánh giá ngày càng đi xuống.
Tôi duy trì quán ăn được 5 tháng thì quyết định sang nhượng cửa hàng. “Học phí” cho dự án start-up này của tôi vào khoảng 500 triệu đồng.
Hiện tại, tôi bỏ mảng kinh doanh ẩm thực, ám ảnh về thất bại khiến tôi chưa dám nghĩ đến việc tiếp tục đầu tư. Tôi quay trở lại với công việc văn phòng, bán thêm một số mặt hàng online để có 10 triệu đồng trả nợ mỗi tháng.
Sự hiếu thắng, thiếu kinh nghiệm đã đẩy tôi vào thất bại lần này. Sau thất bại, tôi hiểu để kinh doanh ngành ẩm thực, người bán cần có khả năng quản lý, vận hành nhà hàng, khả quản lý nhân viên, nguồn nguyên liệu, kỹ năng kiểm soát dòng tiền ra - vào… Chất lượng món ăn chỉ là một trong những yếu tố để tạo ra thành công của một cửa hàng ăn uống mà thôi.
Năm 2021, tôi bắt đầu học đầu tư chứng khoán với số vốn bỏ ra khoảng 200 triệu đồng. Đó là giai đoạn thị trường chứng khoán bùng nổ, người người, nhà nhà đầu tư, gần như mua mã nào cũng có lãi.
Ban đầu, tôi đầu tư theo phong trào, đặt mục tiêu ở mức an toàn là có lợi nhuận ngang hoặc hơn lãi suất ngân hàng khoảng 3-5%.
Sau đó, thị trường tăng điểm nhanh chóng, có thời điểm tôi lãi gấp đôi. Nhưng cái gì dễ đến cũng dễ đi. Tôi không đủ kinh nghiệm để xử lý khi thị trường đột ngột đi xuống, không kiểm soát được lòng tham nên không biết chọn thời điểm chốt lãi hay cắt lỗ. Toàn bộ tiền lãi “bay” mất trong 1 tháng. Nửa năm sau, tiền vốn cũng hụt mất hơn một nửa.
Chứng khoán đã và đang giúp tôi học thêm nhiều kiến thức về kinh tế. Do đó, dù thất bại, tôi vẫn giữ lại một khoản tiền cố định ở kênh đầu tư này.
Cuối năm 2021, xu hướng play to earn nở rộ, tôi được người quen hướng dẫn kiếm tiền từ kênh này. Ban đầu, tôi chỉ kỳ vọng kiếm đủ tiền để mua một dàn PC khoảng 100 triệu đồng, phục vụ công việc chính của tôi là kỹ sư kết cấu.
Khởi đầu cho mục tiêu này, tôi đầu tư khoảng 30 triệu đồng cho một chiếc máy tính loại tốt, cấu hình khỏe để chơi được nhiều tựa game NFT, chạy cùng lúc nhiều tài khoản ảo để tăng tốc độ kiếm tiền từ game. Chỉ trong 30 ngày, tôi hoàn vốn.
Sau đó, tôi tiếp tục bỏ thêm 60 triệu đồng vào game để mua thêm các nhân vật NFT khác. Theo quy luật của game, nhân vật NFT giá trị càng cao sẽ kiếm được được lượng tiền càng lớn. Sau khi hoàn vốn, nhà đầu tư có thể có lãi từ game.
Tuy nhiên, thay vì đầu tư trên số tiền lời, tôi tiếp tục nạp thêm vốn vào game với kỳ vọng tăng khả năng sinh lời nhiều hơn nữa. Tổng cộng, tôi đã nạp vào các tựa game NFT khoảng 5.000 USD (xấp xỉ 120 triệu đồng).
Những ngày đầu, xu hướng game NFT play to earn thu hút lượng lớn người chơi, vì tôi tham gia sớm nên mua được token và nhân vật NFT ở giá rất thấp. Càng nhiều người mới tham gia, giá trị của token và NFT càng được đẩy lên cao.
Sau khi hoàn vốn, các nhân vật NFT trong một tựa game play to earn có thể thu về cho tôi khoảng 200-300 USD tiền lời mỗi ngày. Tôi dùng số tiền lãi và vốn bên ngoài tiếp tục tái đầu tư vào các game NFT.
Đến tháng 2/2022, sau khoảng 5 tháng tham gia đầu tư, số vốn 5.000 USD ban đầu đã trở thành 50.000 USD. Tuy nhiên, chỉ khoảng 10.000 USD là tiền mặt (dưới dạng stablecoin USDT ngang giá 1 USD), còn lại 40.000 USD là các tài sản NFT trong game.
Vì game NFT Play to earn là 1 xu hướng, nên kết thúc xu hướng các tựa game sẽ chết. Lúc này, các token và nhân vật NFT trong game sẽ mất giá trị vì bị chủ dự án hoặc các nhà đầu tư khác bán tháo, chốt lời. Token và nhân vật NFT mất giá hàng trăm đến hàng nghìn lần, gần như vô giá trị.
Tôi thất bại vì tin tưởng xu hướng play to earn sẽ còn tiếp tục, cho rằng sự giảm giá là nhất thời. Sau tất cả, tôi mất toàn bộ số vốn đã bỏ vào, khoảng 5.000 USD và chiếc máy tính bị giảm hiệu năng do hoạt động quá tải trong thời gian dài.
Cuối năm 2021, tôi được bố mẹ hỗ trợ một số tiền để mua nhà tại TP.HCM. Thay vì mua một căn hộ phù hợp nhu cầu ở của 2 vợ chồng và một em bé, tôi đã mạnh dạn vay thêm gần 2 tỷ đồng để mua căn hộ diện tích 250 m2 tại khu Nam Sài Gòn.
Quyết định đưa ra khi nhận thấy căn hộ đang có giá thấp hơn thị trường và khu vực này đang được tìm kiếm, có cơ hội tăng giá cao. Chỉ sau 4 tháng, trừ chi phí sửa sang, tôi bán lại căn hộ và lãi 700 triệu đồng.
Sau khi bán căn hộ này, tôi mua 1 căn hộ 90 m2 ngay trong chính tòa nhà cũ theo đúng mục tiêu ban đầu. Đúng lúc khu căn hộ có căn giá tốt bán ra, trong khi thị trường vẫn thanh khoản tốt, tôi cho rằng vẫn còn cơ hội để lướt sóng ngắn hạn tương tự. Không vội trả nợ, gia đình mang số tiền còn lại và vay thêm 700 triệu đồng để tiếp tục đầu tư vào một căn hộ 130 m2.
Tuy nhiên, khi giấy tờ căn hộ chưa làm xong, thị trường đột ngột trầm lắng dưới tác động của những đợt tăng lãi suất cuối tháng 9, đầu tháng 10. Không còn khách hỏi xem nhà dù trước đó một tháng thị trường còn sôi động.
Không thể gồng gánh thêm các khoản nợ và lãi vay, tới đầu tháng 1, khi lãi suất có dấu hiệu hạ nhiệt, có người mua tìm tới, chúng tôi lập tức cắt lỗ, bán thấp hơn vốn đầu tư gần 100 triệu đồng.
Gia đình tôi thấy may mắn khi lướt sóng vào phân khúc căn hộ vẫn có thể "ra hàng" cho người có nhu cầu ở thực, dù chịu lỗ. Với người ít kinh nghiệm, chưa hiểu về thị trường và chu kỳ kinh tế, khoản lỗ được xem như học phí cho chúng tôi.