9 nguyên nhân gây bong tróc da tay và cách phòng ngừa

Keratolysis exfoliativa – còn gọi là bong tróc tế bào da và sừng ở tay chân, là một bệnh lý mãn tính ở da, thường gặp ở lòng bàn tay và bàn chân. Lớp sừng ở những vùng này bong tróc theo từng mảng nhỏ rồi lan rộng ra các khu vực khác.

Mất nước

Mất nước là nguyên nhân phổ biến khiến da tay bị khô và bong tróc. Khi cơ thể không được cung cấp đủ nước, da mất đi độ ẩm cần thiết, dẫn đến khô và bong vảy. Do đó, mọi người cần đảm bảo uống đủ nước mỗi ngày để duy trì độ ẩm tự nhiên của da.

Dị ứng

Tiếp xúc với hóa chất, xà phòng, chất tẩy rửa hoặc các chất kích ứng như latex và kim loại (như niken) có thể gây viêm da dị ứng, làm da tay bị bong tróc. Để tránh tình trạng này, hãy hạn chế tiếp xúc với hóa chất và sử dụng găng tay hoặc kem bảo vệ da khi cần thiết. Ngoài ra, những người có cơ địa da nhạy cảm với các yếu tố về môi trường, khí hậu, nguồn nước, thực phẩm cũng sẽ gây nên tình trạng dị ứng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Rửa tay quá nhiều

Rửa tay thường xuyên hoặc sử dụng các loại xà phòng có tính tẩy mạnh có thể gây khô và bong tróc da tay do mất đi lớp dầu bảo vệ làn da. Thay vào đó, hãy sử dụng xà phòng có tính dịu nhẹ và dưỡng ẩm bằng loại kem phù hợp cho da sau khi rửa tay.

Bệnh chàm (Eczema)

Chàm là một bệnh viêm da mãn tính, gây mẩn đỏ, ngứa và bong tróc da. Bệnh có thể xuất phát từ yếu tố di truyền hoặc môi trường và thường gặp phải ở những người hay bị căng thẳng hoặc da dễ dị ứng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bệnh vảy nến (Psoriasis)

Vảy nến là một rối loạn tự miễn, khiến hệ thống miễn dịch gây viêm da và làm tế bào da phát triển nhanh bất thường. Điều này dẫn đến việc hình thành các mảng da dày, có vảy và bong tróc.

Nhiễm nấm

Các bệnh nhiễm nấm như nấm bàn chân hoặc nấm ngoài da có thể lan đến tay, chân, gây bong tróc da. Nấm phát triển mạnh trong môi trường ấm và ẩm, như trên da tay hoặc chân khi đổ mồ hôi nhiều.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Cháy nắng

Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá mức có thể gây cháy nắng, làm da trở nên khô, viêm và bong tróc. Tia cực tím phá hủy các tế bào da, dẫn đến tình trạng da tróc vảy sau khi hồi phục.

Tình trạng bệnh lý

Một số bệnh lý như tiểu đường, rối loạn chức năng tuyến giáp có thể gây khô da do ảnh hưởng đến khả năng giữ ẩm tự nhiên của cơ thể, từ đó dẫn đến bong tróc da tay và chân.

Không khí khô

Không khí khô, đặc biệt trong mùa Đông hoặc khi tiếp xúc với môi trường có độ ẩm thấp, da sẽ bị mất nước và độ ẩm khiến quá trình bong tróc diễn ra nhanh hơn, làm lộ rõ các đường nứt rạn trên da. Hãy quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe của làn da tay, da chân của bằng cách dưỡng ẩm cho da thường xuyên hơn.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Phương pháp điều trị bong tróc da tay, da chân thông thường là sử dụng kem dưỡng ẩm hoặc thuốc bôi chứa steroid nếu tình trạng bong tróc trở nên nghiêm trọng. Trong nhiều trường hợp, tình trạng “da tróc vảy” có thể tự cải thiện sau 1 đến 3 tháng nếu được chăm sóc kỹ lưỡng.

Để phòng ngừa tình trạng bong tróc, bạn nên sử dụng kem dưỡng ẩm thường xuyên và tránh sử dụng các loại xà phòng hoặc chất tẩy rửa mạnh. Bên cạnh đó, duy trì lối sống lành mạnh, ăn uống đủ chất và tránh rơi vào trạng thái căng thẳng cũng là những biện pháp hữu ích trong việc cải thiện tình trạng này.

Theo kormedi, tistory, healthchosun

Trang Nguyen

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/9-nguyen-nhan-gay-bong-troc-da-tay-va-cach-phong-ngua/