9 nhóm động vật là đồng minh lớn của con người trước biến đổi khí hậu

Trong bài trước, chúng ta nói về 9 nhóm động vật có thể tạo ra sự khác biệt lớn nhất trong việc giảm khí thải nhà kính là cá biển, cá voi, cá mập, sói xám, linh dương đầu bò, rái cá biển, bò xạ hương, voi rừng châu Phi và bò rừng châu Mỹ.

Cả bò và sói đều là đồng minh của con người trước biến đổi khí hậu

Cả bò và sói đều là đồng minh của con người trước biến đổi khí hậu

Đồng minh quan trọng dưới biển

Trong số 9 nhóm động vật này, cá biển là đồng minh lớn nhất. Các nhà nghiên cứu ước tính tập hợp các loài cá biển có thể góp công sức tới 5 trong tổng số 6,4 tỉ tấn CO2 mà 9 nhóm động vật hấp thụ mỗi năm.

Cá có khả năng thu giữ carbon theo nhiều cách khác nhau, gồm ăn sinh vật phù du giàu carbon gần bề mặt và thải ra các viên phân có thể chìm xuống đáy nhanh chóng. Ngoài ra, khi cá chết, chúng chìm xuống đáy đại dương, nơi carbon trong cơ thể chúng được cô lập.

Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng cá mập có tác động tích cực đến chu trình carbon ở biển bằng cách ăn các loài cá ăn rêu cỏ hoặc hạn chế các khu vực chúng sinh sống. Điều đó góp phần bảo vệ thực vật biển, vốn rất quan trọng cho việc hấp thụ carbon. Ví dụ, cá mập hổ giúp kiểm soát quần thể bò biển, tạo điều kiện các “đồng cỏ dưới biển” phát triển mạnh mẽ, từ đó giúp lưu trữ một lượng lớn carbon trên khắp thế giới.

Bản thân cá mập cũng trực tiếp “đóng gói” carbon nhờ việc thải phân xuống đáy biển. Nhưng quần thể cá mập đã giảm đáng kể trong những thập niên gần đây do nạn đánh bắt cá vì mục đích thương mại, với một phần ba tổng số loài cá mập và cá đuối hiện đang bị đe dọa tuyệt chủng.

Giống như cá mập, cá voi làm được rất nhiều việc thông qua phân của chúng. Phân của cá voi rất giàu chất dinh dưỡng và có tác dụng như một loại phân bón, kích thích sự phát triển của thực vật phù du – loại thực vật cực nhỏ nhưng tiêu thụ lượng carbon dioxide rất lớn. Ngay cả những loài cá voi kiếm ăn ở sâu dưới đại dương vẫn cần phải bơi lên mặt nước để thở và thải phân, tạo ra thứ được gọi là "máy bơm cá voi" để hút carbon ra khỏi khí quyển.

Kích thước khổng lồ của nhiều loài cá voi có nghĩa là chúng cũng lưu trữ một lượng lớn carbon trong cơ thể. Khi chúng chết, xác chìm xuống đáy đại dương và có thể tồn tại ở đó hàng thế kỷ cho đến khi bị phân hủy và bị các sinh vật sống ở đó tiêu thụ hoàn toàn. Tuy nhiên, quần thể cá voi cũng đang phải chịu thiệt hại trên khắp thế giới, với 4 trong số 13 loài cá voi lớn được coi là có nguy cơ tuyệt chủng hoặc cực kỳ nguy cấp.

Động vật trên cạn cũng quan trọng

Tuy nhiên, không nên bỏ qua ảnh hưởng của động vật trên cạn. Nghiên cứu của Giáo sư sinh thái Oswald Schmitz đã tiết lộ rằng loài sói xám sống trong các khu rừng phương bắc của Canada (một trong những kho trữ carbon quan trọng nhất thế giới) có ảnh hưởng gián tiếp đến khả năng lưu trữ carbon của rừng.

Bằng cách kiểm soát sự sinh sôi của các động vật ăn cỏ lớn như nai sừng tấm, loài sói giúp thúc đẩy sự phát triển của cây non. Không có sói, động vật ăn cỏ sẽ ăn cây non và làm giảm sự phát triển của rừng. Schmitz và các đồng nghiệp ước tính rằng những con sói xám trong các khu rừng phương bắc có khả năng loại bỏ carbon khỏi khí quyển tương đương với lượng khí thải từ 33 - 71 triệu ô tô mỗi năm.

Tuy nhiên, đó là một sự cân bằng mong manh. Giáo sư Schmitz chỉ ra rằng các hệ sinh thái khác nhau thực sự có thể được hưởng lợi từ việc có động vật ăn cỏ lớn hơn. Ví dụ, những con sói xám ăn thịt nai sừng tấm ở đồng cỏ Bắc Mỹ (lưu ý là đồng cỏ chứ không phải rừng) có thể làm giảm lượng carbon mà những khu vực đó có thể chứa. Phân nai sừng tấm có thể bón cho đất và kích thích sự phát triển của cỏ. Chỉ trong trong các môi trường mà cháy rừng không phổ biến, thảm thực vật dày hơn mới đồng nghĩa là nơi lưu trữ carbon an toàn.

Việc nghiên cứu mối quan hệ nhân quả giữa thực vật, động vật với biến đối khí hậu đan xen rất phức tạp. Một loài động vật có tác động có lợi đến khí hậu ở hệ sinh thái này có thể không có tác dụng có lợi ở hệ sinh thái khác. Giáo sư Schmitz nêu ví dụ, ở Bắc Cực, bò xạ hương là con mồi ưa thích của loài sói, tuy nhiên loài động vật ăn cỏ lớn này lại có "ảnh hưởng rất lớn" trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu bằng cách bảo vệ vùng đất đóng băng

Ông giải thích: “Bằng cách sục cỏ và giẫm đạp không cho cỏ sinh sôi, chúng bảo vệ lớp băng vĩnh cửu khỏi sự tan chảy. Nếu lớp băng vĩnh cửu tan chảy (dưới tác động từ cỏ), nó có thể giải phóng hàng triệu đến hàng nghìn tỉ tấn khí mêtan - một loại khí nhà kính có độc lực mạnh”.

Những mối quan hệ phức tạp này là một lý do khiến Christopher Sandom, chuyên gia sinh học tại Đại học Sussex, Vương quốc Anh, cảnh báo rằng việc phát triển quần thể động vật sẽ không phải là giải pháp vàng cho biến đổi khí hậu.

Sandom nói: “Nghiên cứu đã chỉ ra rằng tự nhiên là một tập hợp phức tạp của các quá trình đan xen vào nhau và có thể không mang lại cho bạn kết quả như mong đợi. Việc khôi phục tự nhiên không thể được coi là thuốc chữa bách bệnh. Chúng ta không được nghĩ đơn giản rằng thiên nhiên có thể hút hết carbon và không áp dụng các biện pháp toàn diện để giảm lượng khí thải do con người tạo ra".

Nhưng ông cũng cho rằng vai trò của động vật và việc bảo tồn chúng cần được đưa vào các cuộc thảo luận xung quanh vấn đề biến đổi khí hậu. Ông nói: “Trồng cây thực sự quan trọng, nhưng quy luật tự nhiên cho thấy thực vật lại cần động vật để giúp phát triển”.

Cristina Banks-Leite, nhà sinh thái học bảo tồn tại Imperial College London, cũng tán thành điều này. Banks-Leite nói: “Ví dụ, trong các khu rừng ở Brazil, khoảng 80% tổng số cây dựa vào động vật để phát tán hạt hoặc thụ phấn. Chúng ta có thể thấy những cái cây ở đó sẽ không tồn tại được lâu nếu không có đối tác động vật”.

Ví dụ, voi rừng châu Phi có thể được coi là người làm vườn giúp cô lập carbon trong các khu rừng mưa nhiệt đới. Sự tàn phá mà chúng gây ra khi cày qua thảm thực vật dày đặc sẽ kích thích sự phát triển của những cây lớn hơn, có thể hấp thụ nhiều carbon hơn những cây nhỏ. Nhưng các nhà nghiên cứu từ Đại học Stanford và Đại học Princeton ở Mỹ đã phát hiện ra rằng những con voi kiếm ăn trên thảo nguyên của Công viên Quốc gia Kruger ở Nam Phi đã làm giảm khả năng phục hồi của môi trường, giảm khả năng hấp thụ carbon vì chúng phá hủy thảm thực vật thân gỗ.

Tuy nhiên, khi làm như vậy, chúng cũng giúp duy trì môi trường đồng cỏ thảo nguyên có năng suất cao, nơi linh dương đầu bò đóng vai trò quan trọng như đã trình bày trong bài trước.

Bản thân linh dương đầu bò ở Đông Phi đang phải đối mặt với những mối đe dọa mới khi khả năng tiếp cận nguồn nước và đồng cỏ của chúng bị chia cắt bởi hàng rào, đường sá và khu định cư do con người xây dựng chặn đường di cư của chúng.

Năm 2019, các nhà nghiên cứu ở Kenya cảnh báo số lượng linh dương đầu bò di cư đã giảm nghiêm trọng khi 4 trong số 5 tuyến đường di cư chính của chúng bị con người cản trở. Các nhà khoa học đằng sau nghiên cứu này kêu gọi can thiệp khẩn cấp để bảo tồn môi trường sống và hành trình di cư của linh dương đầu bò.

Anh Tú

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/9-nhom-dong-vat-la-dong-minh-lon-cua-con-nguoi-truoc-bien-doi-khi-hau-209329.html