9 nông dân vướng lao lý vì chuyện lối ra ruộng
Tự tiện phá hàng rào của nhà người khác để lấy lối ra ruộng canh tác, chín nông dân bị tội hủy hoại tài sản.
Mới đây, TAND TP Cần Thơ đưa ra xét xử phúc thẩm đã chấp nhận kháng cáo, chuyển từ hình phạt tù sang hình phạt tiền là hình phạt chính đối với sáu bị cáo về tội hủy hoại tài sản.
Phá hàng rào lấy lối ra ruộng canh tác
Theo hồ sơ, năm 1996, ông LVT được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng thửa đất có tổng diện tích 3.158 m2 tại huyện Phong Điền, TP Cần Thơ. Đến khoảng tháng 5-2019, ông T xây dựng hàng rào bằng trụ đá, dây chì gai bao quanh khu đất.
Trước đó, 13 hộ dân tự đi trên đất của ông T ra phía sau đất để canh tác ruộng vườn của họ. Đến ngày 11-3-2020, do không có lối ra vườn nên 13 hộ dân đã làm đơn khởi kiện đến TAND huyện Phong Điền để giải quyết tranh chấp lối đi với ông T. (Đến ngày 27-5-2022, 13 hộ này đã rút đơn khởi kiện nên vụ án được đình chỉ giải quyết).
Trong thời gian tòa án thụ lý giải quyết vụ kiện, khoảng 7 giờ ngày 19-3-2020, ông LCT mang theo bình xịt thuốc và kìm. BVN mang theo cây xà beng. Nhiều người khác, trong đó có bảy bị cáo trong vụ án này cùng tụ tập trên phần đất của ông T để phá hàng rào làm lối ra vườn chăm sóc cây.
Người thì lấy cưa máy cưa cây gòn bắc qua mương; người thì lấy cây kìm cắt một đoạn và mở dây chì gai hàng rào; người thì dùng cây xà beng đào đất xung quanh trụ đá để nhổ lên hoặc dùng tay nhổ trụ đá, trụ nào không nhổ nổi thì xô lắc gãy trụ đá và khiêng quăng xuống mương…
Cơ quan điều tra xác định có chín người đã xô 26 trụ đá gãy ngang móng trụ và nhổ sáu trụ đá có vách chì gai với tổng chiều dài 81 m. Trong lúc chín người dỡ hàng rào đã làm gãy 32 cây mít trồng sát hàng rào. Sau khi phá xong, tất cả bỏ về nhà. Sau đó, ông T phát hiện sự việc đã đến cơ quan công an trình báo.
Theo giám định, tài sản thiệt hại gồm 32 cây mít có giá 3,52 triệu đồng, 26 trụ đá 1,95 triệu đồng, 26 móng trụ bê tông 1,95 triệu đồng. Tổng giá trị tài sản bị thiệt hại là 7,42 triệu đồng.
Ông T yêu cầu bồi thường chi phí làm hàng rào và các cây mít bị thiệt hại là 27,3 triệu đồng. Chín người đã bồi thường xong.
Các bị cáo gây ra hậu quả như nhau nhưng cấp sơ thẩm áp dụng tình tiết giảm nhẹ để phạt tiền đối với ba bị cáo. Quyết định phạt tiền là phù hợp. Do đó, HĐXX quyết định phạt tiền đối với sáu bị cáo có kháng cáo.
Được chuyển từ phạt tù sang phạt tiền
Xử sơ thẩm vào tháng 6-2023, TAND huyện Phong Điền đã tuyên chín bị cáo phạm tội hủy hoại tài sản. Trong đó, một bị cáo bị phạt bốn tháng tù, năm bị cáo cùng mức án ba tháng tù và ba bị cáo còn lại bị phạt tiền 10-15 triệu đồng.
Sau đó, sáu bị cáo bị phạt tù làm đơn kháng cáo xin hưởng án treo hoặc chuyển sang phạt tiền.
Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 8-9, cả sáu bị cáo đều thay đổi kháng cáo xin chuyển sang hình phạt tiền là hình phạt chính.
HĐXX phúc thẩm nhận định tòa sơ thẩm đã đánh giá đúng tính chất, hành vi phạm tội của các bị cáo. Các bị cáo đều là nông dân, động cơ phạm tội từ bức xúc do không có lối ra ruộng vườn canh tác. Thiệt hại 7,42 triệu đồng là không lớn. Các bị cáo đã bồi thường xong cho bị hại 27,3 triệu đồng.
Các bị cáo đều tỏ ra ăn năn hối cải, có nhân thân tốt, có nơi cư trú rõ ràng, phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, hoàn cảnh đều khó khăn. Một số bị cáo có người thân là người có công với cách mạng. Đồng thời, bị hại cũng có đơn xin giảm nhẹ cho các bị cáo…
Vụ án này có sáu bị cáo bị phạt tù có thời hạn, ba bị cáo bị phạt tiền là hình phạt chính. Trong khi đó, hành vi của các bị cáo gây ra hậu quả như nhau là hủy hoại tài sản của bị hại nhưng cấp sơ thẩm áp dụng tình tiết giảm nhẹ để phạt tiền đối với ba bị cáo. Quyết định phạt tiền là phù hợp.
Do đó, để bảo đảm công bằng và đúng pháp luật, HĐXX đã quyết định phạt tiền là hình phạt chính đối với sáu bị cáo có kháng cáo. HĐXX quyết định chấp nhận kháng cáo của các bị cáo, sửa bản án sơ thẩm, phạt một bị cáo 15 triệu đồng, năm bị cáo còn lại mỗi bị cáo 10 triệu đồng.
Những lời nhắc nhở của chủ tọa phiên tòa
Tại phiên tòa, các bị cáo đều cho biết gia đình họ có từ nửa công đến vài công đất làm ruộng vườn phía sau đất của ông T. Ngày xảy ra vụ án, người thì đi xịt thuốc cho lúa về, người chạy xe ngang qua… “thấy bà con làm nên vào làm tiếp”! Tất cả đều cho biết lúc làm họ chỉ nghĩ là cần một lối ra ruộng vườn canh tác chứ không nghĩ hành vi của mình là vi phạm pháp luật. Sau này mới biết việc mình làm là vi phạm pháp luật nên tất cả đã cùng xin lỗi và bồi thường đầy đủ thiệt hại theo yêu cầu của ông T.
Nghe các bị cáo trình bày, chủ tọa phiên tòa nhắc nhở “đây là bài học xương máu của các bị cáo”. Vị chủ tọa giải thích cho các bị cáo về quy định của pháp luật dành quyền khởi kiện yêu cầu mở lối đi cho người có đất mà không có lối đi vào sinh hoạt, canh tác. Tất nhiên, như trường hợp của các bị cáo sẽ phải trả một khoản tiền tương ứng cho người có đất phải mở lối đi…
“Ở đây, các bị cáo và cả bị hại đều là nông dân, xóm giềng, thậm chí là họ hàng với nhau. Việc hành xử như vậy không chỉ ảnh hưởng bản thân các bị cáo mà còn ảnh hưởng tới cả gia đình, con cái, xóm giềng. Sau sự việc này, các bị cáo cần phải suy xét cẩn thận trước mỗi việc làm của mình” - vị chủ tọa nhắc.
Nguồn PLO: https://plo.vn/9-nong-dan-vuong-lao-ly-vi-chuyen-loi-ra-ruong-post752855.html